“Chúng tôi đang sản xuất máy không kịp để bán. Giờ cả bên Lào cũng sang đặt hàng nên chỉ trong 4 tháng đầu năm 2016, doanh số của công ty đã đạt gần 60% kế hoạch năm”.

Ông Vũ Hữu Lê - Giám đốc Công ty TNHH cơ khí và xây lắp Hồng Hà (thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái) - chia sẻ với Khoa học và Phát triển sau một năm dự buổi gặp của Thủ tướng (lúc đó là ông Nguyễn Tấn Dũng) với các nhà sáng chế không chuyên do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức tháng 5/2015.

Nhiều đơn hàng, không cung ứng kịp

Ông Lê là tác giả máy vò chè cải tiến, hệ thống chưng cất tinh dầu quế bằng hơi nước và máy ép miến bán tự động. Được hỏi về biến chuyển công việc sau sự kiện các nhà sáng chế không chuyên gặp mặt Thủ tướng, Vũ Hữu Lê thừa nhận, ông vốn làm ăn nghiêm túc, giữ chữ tín và trách nhiệm nhưng quả thật sau sự kiện đó, ông được nhiều người biết đến hơn và uy tín tăng cao hơn.

Bom sao chè được sản xuất tại xưởng cơ khí của nhà sáng chế không chuyên Vũ Hữu Lê (Yên Bái). Ảnh: Thanh Huyền
Bom sao chè được sản xuất tại xưởng cơ khí của nhà sáng chế không chuyên Vũ Hữu Lê (Yên Bái).
Ảnh: Thanh Huyền

“Chúng tôi nhận được rất nhiều đơn hàng, sản xuất máy không kịp để bán. Hiện chúng tôi sang cả Lào để làm máy bán. Doanh số công ty một năm trung bình 6-7 tỷ đồng, nhưng riêng 4 tháng đầu năm 2016, doanh số đã đạt gần 60% kế hoạch năm” - ông Lê cho biết.

Chiếc máy vò chè của nhà sáng chế này đã được cải tiến để tăng độ bền và giảm chi phí chế tạo bằng cách chỉ sử dụng máy gia công vừa và nhỏ. Ông đã tận dụng hộp số ôtô, cải tiến hệ thống cuaroa cho máy vò nhỏ. Do tính thuận tiện, đến nay máy vò chè của ông đã bán được hàng nghìn chiếc.

Hệ thống chưng cất tinh dầu cũng được ông Lê nghiên cứu và thiết kế theo nguyên lý hấp. Tỷ lệ tinh dầu thu được khá cao, mỗi kilôgram nguyên liệu cành lá cho từ 0,6-0,7 lít sản phẩm, hàm lượng tinh dầu đạt trên 80%.

Một sản phẩm khác của ông Lê là máy ép sợi miến theo phương pháp đùn ép, giúp tiết kiệm sức lao động, công suất đạt 200kg/ca. Cũng để hỗ trợ nghề miến, ông chế lò sấy buồng đốt hình trụ bằng thép nằm ngang với giàn sấy di động, sử dụng nhiên liệu là củi, rơm rạ... Thiết bị này giúp miến nhanh khô, giảm thời gian sấy.

Tác giả cho biết, cơ sở của ông bán từ những chiếc máy giá 10 triệu đồng đến những dây chuyền hàng tỷ đồng, tùy theo công suất.

Một nhà sáng chế không chuyên khác cũng ăn nên làm ra sau cuộc gặp Thủ tướng năm ngoái là ông Quách Văn Hôm - sống tại thị trấn Phú Lộc, huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng - tác giả của giải pháp hữu ích lò sấy lúa hai chiều. “Từ đó tới nay tôi đã bán được 5-7 lò sấy lúa, mỗi cái giá 45 triệu đồng. Tôi đang muốn sản xuất mở rộng để cung ứng cho thị trường với giá thành rẻ hơn” - ông Hôm cho biết.

Lò sấy lúa hai chiều của ông Hôm bao gồm lò nung đốt bằng trấu, quạt hút đẩy hơi nóng từ lò nung qua khoang đảo gió vào buồng sấy. Khoang đẩy gió được lắp van lưỡi gà điều chỉnh hướng đi của luồng hơi nóng tương ứng với hai giai đoạn sấy mặt trên và mặt dưới. Máng chảy lúa chạy suốt chiều dài mặt sàn buồng sấy để phân bố đều lượng lúa cần sấy. Nắp trên buồng sấy đóng khi sấy mặt trên. Cuối buồng sấy có cửa thông gió giúp thông nhiệt.

Cần được hỗ trợ để có sáng chế mới

Tuy nhận được nhiều đơn hàng, song ông Vũ Hữu Lê vẫn còn lắm trăn trở. Ông nhớ lại trong cuộc gặp mặt người đứng đầu Chính phủ, khi được hỏi khó khăn đang gặp phải là gì, nhà sáng chế không chuyên trả lời rất thật rằng khó nhất là bảo đảm việc làm để “nuôi quân”.

“Xưởng cơ khí của tôi có hơn 20 kỹ sư và công nhân, lương mỗi tháng trung bình 7-8 triệu đồng/ người. Nếu không có việc đều, tôi không giữ được người làm” - ông Lê nói và khẳng định nếu được hỗ trợ, ông sẽ bắt tay vào nghiên cứu sáng chế mới.

“Tôi thấy người ta bơm cát sông lên lẫn cả rác, sỏi nên muốn nghiên cứu hệ thống bơm cát lên là sàng lọc sạch các tạp chất luôn” - Vũ Hữu Lê tiết lộ.

Cũng tham gia cuộc gặp mặt Thủ tướng một năm về trước, nhưng Quách Ba - tác giả máy gặt đập liên hợp VH.01, đang sống tại Kiên Giang - không may mắn bằng các đồng nghiệp. Nhà sáng chế này cho biết sau sự kiện kể trên, ông được Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia nhận hồ sơ hỗ trợ kinh phí để sản xuất máy cung ứng ra thị trường. Chỉ cần ông nhận được đơn hàng, quỹ sẽ hỗ trợ kinh phí để sản xuất.

“Rất tiếc năm vừa rồi, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo bị thua lỗ. Có doanh nghiệp thua lỗ nặng, đã bị phá sản nên họ cân nhắc, không muốn đầu tư. Vì thế nên sáng chế chưa triển khai được dù đã có nguồn hỗ trợ” - ông Ba chia sẻ.

Còn nhà sáng chế Quách Văn Hôm lại chưa biết thông tin về sự hỗ trợ này. Khi được chia sẻ, ông nói sẽ sớm tìm hiểu và tiếp cận: “Nếu được Nhà nước hỗ trợ, tôi sẽ đầu tư sản xuất mở rộng. Khi sản xuất đại trà, chắc chắn giá thành sản phẩm sẽ rẻ hơn, thuận lợi cho bà con đầu tư hơn”.