Học sinh không đánh giá quá cao tầm quan trọng của vị trí địa lý và xếp hạng của trường; cha mẹ ảnh hưởng mạnh nhất tới lựa chọn của con cái; và thông tin truyền miệng được yêu thích hơn các hình thức quảng bá từ nhà trường – một nghiên cứu mới đây về những yếu tố ảnh hưởng tới quyết định chọn trường đại học của học sinh THPT ở Việt Nam cho biết.

Hằng năm, Đại học KH&CN Hà Nội (USTH, Đại học Việt - Pháp) đều tổ chức Open Day, nơi học sinh và phụ huynh được gặp gỡ các giảng viên và đại diện một số doanh nghiệp lớn có hợp tác với trường để nghe tư vấn chi tiết về các ngành đào tạo, triển vọng nghề nghiệp, học bổng và cơ hội thực tập ở nước ngoài. Đây cũng là dịp để học sinh và phụ huynh tham quan cơ sở vật chất hiện đại và hệ thống phòng thí nghiệm đạt chuẩn quốc tế của trường. Trong ảnh: Trải nghiệm tại phòng thí nghiệm thuộc Khoa Công nghệ sinh học Nông-Y-Dược trong Open Day. Ảnh: Hồng Khánh
Hằng năm, Đại học KH&CN Hà Nội (USTH, Đại học Việt - Pháp) đều tổ chức Open Day, nơi học sinh và phụ huynh được gặp gỡ các giảng viên và đại diện một số doanh nghiệp lớn có hợp tác với trường để nghe tư vấn chi tiết về các ngành đào tạo, triển vọng nghề nghiệp, học bổng và cơ hội thực tập ở nước ngoài. Đây cũng là dịp để học sinh và phụ huynh tham quan cơ sở vật chất hiện đại và hệ thống phòng thí nghiệm đạt chuẩn quốc tế của trường. Trong ảnh: Trải nghiệm tại phòng thí nghiệm thuộc Khoa Công nghệ sinh học Nông-Y-Dược trong Open Day. Ảnh: Hồng Khánh

Ngày nay, đăng ký thi đại học không phải là cách duy nhất để học sinh tiếp cận con đường giáo dục đại học, khi học sinh có thể lựa chọn đi du học tại nhiều quốc gia khác. Hiểu được quá trình đưa ra quyết định lựa chọn của học sinh là điều cần thiết đối với các nhà tuyển sinh đại học cả ở Việt Nam và các nước là điểm đến du học. Giai đoạn cuối cấp THPT thường là thời điểm học sinh định hướng tương lai, tuy nhiên, chưa có nhiều nghiên cứu về nhận thức và cách đánh giá của học sinh trong giai đoạn này, cả từ Việt Nam và từ phía các quốc gia có lượng học sinh đi du học đông đảo.

Trước thực tế đó, nhóm tác giả Lê Đình Minh Trí (Đại học Quốc tế - Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) cùng Linda J. Robinson và Angela R. Dobele - đều đến từ đến từ ĐH RMIT, Úc - quyết định tìm hiểu các yếu tố tác động đến việc lựa chọn trường đại học và các nguồn tham khảo thông tin của học sinh THPT. Nghiên cứu với tên gọi Understanding high school students use of choice factors and word-of-mouth information sources in university selection được công bố trên tạp chí Studies in Higher Education [2017 JIF = 2.321; 2018 CiteScore = 3.28] thuộc nhà xuất bản Taylor & Francis hồi đầu năm nay.

Nhóm tác giả phân tích dữ liệu từ 509 phiếu khảo sát tại 3 trường THPT công lập ở TP Hồ Chí Minh, đánh giá các yếu tố quyết định lựa chọn trường đại học của học sinh thuộc ba phân khúc, theo đó 249 học sinh lựa chọn sẽ học đại học trong nước, 86 học sinh lựa chọn du học, 74 học sinh lên kế hoạch cho cả hai phương án.

Dựa trên khung nghiên cứu của những tài liệu trước đây và xem xét bối cảnh văn hóa xã hội của Việt Nam, khảo sát đánh giá 21 yếu tố quyết định lựa chọn trường đại học của học sinh, phân loại theo 5 nhóm: kết quả đầu ra, đặc điểm của trường, chất lượng của trường, vấn đề địa lý, và vấn đề chi phí.

Mối quan tâm hàng đầu: Triển vọng công việc sau khi ra trường

Kết quả khảo sát cho thấy, các phân khúc học sinh có đánh giá khác nhau về mức độ quan trọng của các yếu tố lựa chọn trường đại học, đặc biệt giữa học sinh lựa chọn du học với học sinh theo học đại học trong nước. Điểm chung là phần lớn học sinh thuộc cả ba nhóm đều quan tâm đến triển vọng công việc sau khi ra trường, chất lượng giảng dạy, chuyên môn và nội dung học.

Khác với phát hiện của những nghiên cứu trước đây ở phương Tây, học sinh Việt Nam không đánh giá quá cao tầm quan trọng của vị trí địa lý và xếp hạng của trường đại học. Điều này có thể lý giải bởi tính đơn ngành của nhiều trường trong hệ thống giáo dục đại học ở Việt Nam, khiến học sinh không có quá nhiều lựa chọn để cân nhắc danh tiếng của trường. Thay vào đó, học sinh quan tâm hơn đến yêu cầu đầu vào do tính cạnh tranh khá cao. Học sinh có ý định du học nói riêng lại ít quan tâm đến yêu cầu đầu vào của trường đại học so với bạn bè phải cạnh tranh ở môi trường trong nước, mà thường cân nhắc nhiều hơn các vấn đề về học phí, chi phí sinh hoạt và các chương trình học bổng.

Cha mẹ chi phối quyết định lựa chọn đại học của con cái nhiều nhất

Về nguồn cung cấp thông tin tham khảo chọn trường đại học, phụ huynh được đánh giá là nguồn có ảnh hưởng nhất tới quyết định lựa chọn trường đại học của học sinh, bởi tác động của nền văn hóa tập thể và tư tưởng Khổng giáo (với hàm ý con cái phải nghe lời và thỏa mãn nguyện vọng của cha mẹ). Đối với học sinh muốn học đại học trong nước, lời khuyên từ thầy cô, cố vấn ở trường phổ thông là nguồn tham khảo được đánh giá cao tiếp theo.

Website nhà trường được học sinh có ý định du học chọn là nguồn phổ biến đáng tin cậy để tìm kiếm thông tin; học sinh theo học trong nước cũng khá cân nhắc nguồn tham khảo này.

Ngày hội thông tin về trường đại học thường phổ biến ở môi trường quốc tế hơn trong nước hiện nay, tuy nhiên phần lớn học sinh đều đồng ý rằng có cơ hội tiếp xúc trực tiếp hay tham quan nhà trường là những hình thức truyền bá thông tin có thể tạo ra ảnh hưởng lớn tới lựa chọn trường của các em.

Thông tin qua mạng xã hội cũng được nhiều học sinh có ý định du học lựa chọn tham khảo, tuy nhiên trong quá trình đưa ra quyết định, học sinh không thực sự dựa vào nguồn thông tin này.

Sức mạnh của thông tin truyền miệng

Phân nhóm các nguồn thông tin tham khảo để chọn trường đại học, các nguồn thông tin truyền miệng được học sinh Việt Nam yêu thích hơn các hình thức quảng bá từ nhà trường. Cụ thể là lời khuyên chọn trường đại học từ cha mẹ, thầy cô, họ hàng có tác động tới các em hơn thông tin từ tờ rơi, quảng cáo của trường đại học. Nguồn thông tin truyền miệng được yêu thích hơn do mang tính trao đổi hai chiều.

Tìm hiểu nội dung được học sinh trao đổi qua nguồn thông tin truyền miệng, nghiên cứu cho thấy kết quả có tính đồng nhất với các yếu tố chọn trường đại học của học sinh đã được phân tích ở trên. Nhóm học sinh lựa chọn theo học đại học trong nước trao đổi nhiều nhất về cơ hội nghề nghiệp sau khi ra trường, yêu cầu đầu vào và chất lượng giảng dạy. Học sinh có ý định du học quan tâm nhiều nhất đến học phí, các chương trình học bổng và quy trình xin học. Nhóm học sinh lên kế hoạch cho cả hai phương án trao đổi qua thông tin truyền miệng nhiều nhất về vấn đề học bổng - có thể đây là yếu tố quan trọng để đưa ra quyết định học đại học trong nước hay quốc tế.

Qua các mùa xét tuyển đại học trong nước, những trường đại học lớn có uy tín về cơ hội việc làm, yêu cầu đầu vào và chất lượng giảng dạy như ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Kinh tế TP.HCM, ĐH Cần Thơ, ĐH Kinh tế Quốc dân,... vẫn duy trì được số lượng cao học sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển.

Tóm lại, những phát hiện của nghiên cứu có ý nghĩa hỗ trợ các trường đại học xây dựng những chiến lược quảng bá phù hợp với từng đối tượng học sinh.

Kết quả này cũng có thể áp dụng ở những quốc gia châu Á có sự tương đồng về giá trị văn hóa trong giáo dục.