Bắc Trung Bộ là mảnh đất giàu truyền thống “hiếu học”, nơi sản sinh ra rất nhiều nhân tài cho đất nước. Tuy nhiên, ở đây lại đang tồn tại một nghịch lý, rằng phần lớn những người tài giỏi thường phải đi xa lập nghiệp thì mới có thành tựu.

Làm sao kêu gọi các cá nhân xuất sắc trở về quê hương làm giàu và thực hiện giấc mơ sáng tạo luôn là nỗi trăn trở của những người con của Bắc Trung Bộ, trong đó có Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ (KH&CN) Bùi Thế Duy khi phát biểu chia sẻ tại Hội thảo “Liên kết xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) Bắc Trung Bộ” và cuộc thi “Tìm kiếm tài năng khởi nghiệp, ĐMST Bắc Trung Bộ” diễn ra tại Hội trường Đại học Vinh (Tỉnh Nghệ An) hôm 21/06/2018. Đây là sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động do Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp KH&;CN (Bộ KH&;CN) phối hợp cùng Sở KH&CN Nghệ An và trường Đại học Vinh tổ chức nhằm thúc đẩy phong trào khởi nghiệp, ĐMST trên cả nước.

Trái ngược với tư duy lạc hậu của nền “văn minh lúa nước” trước đây, cho rằng chỉ nơi nào “trồng được lúa” mới có thể trở nên thịnh vượng, Bắc Trung Bộ, mặc dù đất đai cằn cỗi và hứng chịu nhiều thiên tai, song lại là nơi sở hữu điều kiện cực tốt để phát triển nông nghiệp quy mô lớn, dựa trên phương thức sản xuất công nghiệp lẫn ứng dụng công nghệ cao – từ bài học của một số cường quốc như Israel hay Mexico, nơi có điều kiện bất lợi gần như tương tự.

Mặt khác, chính sự khắc nghiệt về mặt tự nhiên ấy, nhiều khi đã mang lại một số lợi thế và sản vật đặc trưng mà không phải nơi nào cũng có được. Chẳng hạn, gió Lào khô nóng đã khiến cam Vinh có mùi vị rất đặc biệt; hay Khe Xanh (Quảng Trị), nơi đã từng là chiến trường ác liệt, lại đang trở thành một vùng chuyên canh cà phê Arabica tuyệt vời. Như vậy, điểm mấu chốt là làm sao biến “khó khăn thành cơ hội”, tận dụng được các thế mạnh của địa phương và phát huy hết tiềm năng sáng tạo của con người.

Thứ trưởng KH&CN Bùi Thế Duy phát biểu tại Hội thảo “Liên kết xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Bắc Trung Bộ”.

Chia sẻ tại Tọa đàm Hội thảo “Liên kết xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST Bắc Trung Bộ”, GSTS Đinh Xuân Khoa – Hiệu trưởng Đại học Vinh, cũng đưa ra nhận định, rằng đã đến lúc con người Bắc Trung Bộ cần thay đổi tư duy để phát triển. Ngay trong cách học, mặc dù người dân nơi đây vẫn hay tự hào về truyền thống hiếu học theo kiểu “ông đồ xứ Nghệ”, nhưng đó chỉ là cái học từ chương mà thiếu đi giá trị ứng dụng tính thực tiễn.

Đơn cử, GS Khoa dẫn chứng một số vấn đề nan giải tồn tại ngay chính bên trong Đại học Vinh mà hiện vẫn chưa có hướng giải quyết (như hằng năm trường phải thuê người cắt cỏ, tỉa cây, tiêu tốn tới 300 triệu VNĐ; hay chỗ đậu xe hiện đã chật cứng và tốn rất nhiều không gian, diện tích …) đồng thời khẳng định ban lãnh đạo sẵn sàng trao thưởng cho những giải pháp sáng tạo của sinh viên, bên cạnh việc hỗ trợ các em hiện thực hóa ý tưởng thông qua các hình thức như cấp vốn, hướng dẫn pháp lý và tham vấn mô hình khởi nghiệp,… Được biết, Đại học Vinh đang có tham vọng biến khuôn viên của mình trở thành một môi trường khuyến khích đổi mới sáng tạo, mục tiêu là để thúc đẩy tiềm năng của con người Bắc Trung Bộ.

Đó cũng chính là một lý do để cuộc thi “Tìm kiếm tài năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Bắc Trung Bộ” ra đời, với sự tham gia tranh tài của 16 đội cùng các dự án khởi nghiệp sáng tạo trong tổng số 30 dự án được Ban tổ chức lựa chọn để vượt qua vòng sơ khảo. Cuộc thi được tổ chức nhằm khuyến khích và xây dựng tinh thần khởi nghiệp ĐMST cho người dân Bắc Trung Bộ, cùng mục tiêu để tạo ra hiệu ứng lan tỏa trong cộng đồng, giúp tìm kiếm, chọn lọc, tôn vinh và hiện thực hóa các ý tưởng, dự án tiềm năng.

Các sản phẩm và giải pháp dự thi được đánh giá dựa trên 4 tiêu chí, bao gồm: đặc tính sản phẩm/dịch vụ; tính ưu việt của mô hình kinh doanh; khả năng nhân rộng và tái sử dụng mô hình; và năng lực của các thành viên trong đội thi. Mỗi đội được thuyết trình dự án trong 5 phút và có thêm 3 phút để trả lời câu hỏi của Ban giám khảo.

Nhóm STEM trẻ em đang thuyết trình bằng tiếng Anh cho mô hình “thành phố thông minh”.

Theo nhận định, các dự án tham dự cuộc thi năm nay đều thể hiện được tính sáng tạo và tiềm năng triển khai cao trong thực tế. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là phần lớn vẫn chỉ dừng lại ở những dự án quy mô vừa và nhỏ, không tránh khỏi manh mún, cũng như một vài đội chơi dường như vẫn chưa phân biệt rõ giữa “khởi nghiệp sáng tạo” với “khởi sự kinh doanh”.

Bên cạnh đó, vẫn chưa có dự án nào thật sự nổi bật để có thể trở thành động lực dẫn dắt hoạt động ĐMST của cả khu vực. Ban giám khảo đã chọn ra 5 dự án tiêu biểu nhất để trao giải, bao gồm: giải pháp “Gia vị Bún Bò và các sản phẩm khai thác giá trị tài sản trí tuệ mang thương hiệu Bún bò Huế” (giải Nhất); dự án “Nâng cao giá trị cam Vinh thông qua phát triển sản phẩm chế biến và du lịch trải nghiệm vườn cam” (giải Nhì); dự án “Quảng bá du lịch Việt qua các công trình kiến trúc gấp”, “Mô hình giáo dục kỹ năng sống, giá trị sống và hoạt động ngoài giờ chính khóa”, và “Xây dựng nền tảng công nghệ nhà thông minh cho doanh nghiệp” (đồng giải Ba). Các dự án này, sau đó sẽ tiếp tục tham gia cuộc thi tìm kiếm tài năng khởi nghiệp tại Techfest 2018 dự kiến được tổ chức tại TP Đà Nẵng cuối tháng 11/2018.

Theo Thứ trưởng KH&CN Bùi Thế Duy, việc phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST không thể và không nên là một phong trào mà cần đi vào thực chất. Khu vực Bắc Trung Bộ nhất thiết phải có thêm nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp thành công, đi theo hướng chuyên sâu và dựa trên nền tảng thế mạnh của địa phương, có tiềm năng tăng trưởng nhanh và bền vững để đóng góp vào sự phát triển của toàn vùng.

Để nhiệm vụ này sớm trở thành hiện thực, bên cạnh sự đam mê, chấp nhận rủi ro của con người, thì cũng cần sự vào cuộc hỗ trợ của chính quyền các cấp về mặt chính sách, trong mối liên hệ hợp tác bền chặt với cộng đồng khoa học và các doanh nghiệp đầu tàu.