Nguồn lực con người ở Việt Nam được đánh giá là tốt hơn nhiều nước trong cùng điều kiện kinh tế, nhưng vấn đề đặt ra là làm sao khơi được trí tuệ ấy. Đó là câu hỏi thường trực mà Đảng và nhà nước luôn quan tâm từ trước tới nay.

Đó là những chia sẻ của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam tại buổi Lễ tôn vinh trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu 2019 đã được Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức tại Hà Nội vào ngày 2/11/2019.

Tại buổi lễ, 112 trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu đã được Đoàn Chủ tịch Hội đồng Trung ương Liên hiệp Hội Việt Nam quyết định công nhận và tặng bằng khen. Các trí thức được lựa chọn khen thưởng là những người đã hoạt động trong hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam từ 5 năm trở lên đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển của ngành, lĩnh vực, địa phương; có nhiều đóng góp cho công tác vận động, tập hợp, đoàn kết và phát huy sức sáng tạo của đội ngũ trí thức; có đề tài Khoa học và Công nghệ được áp dụng trong thực tiễn mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội; có uy tín đối với các cơ quan lãnh đạo của ngành, lĩnh vực, địa phương...

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho cácTrí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu năm 2019.

Trong số những Trí thức được tôn vinh năm 2019 có những cá nhân được Hội đồng đánh giá là có thành tích đặc biệt nổi bật như: bà Nguyễn Thị Thanh Bình (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Bình Định) đã triển khai nhiều kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng tiến bộ công nghệ vào sản xuất và đời sống thuộc các nhóm lĩnh vực: ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, y tế, du lịch, cải tiến dịch vụ công, cải cách thủ tục hành chính, xóa đói giảm nghèo...; ông Vũ Văn Bằng (Hội Môi trường Giao thông Vận tải Việt Nam) đã có những công trình khoa học nghiên cứu độc lập như Khảo sát đánh giá tình hình động đất và độ ổn của Đập thủy điện Sông Tranh 2; Tìm nguyên nhân và giải pháp xử lý hiện tượng sụt lún mặt đất (Hố tử thần) ở thành phố Cẩm Phả, Quảng Ninh và ở An Tiến, huyện Mỹ Đức, TP. Hà Nội…; bà Nguyễn Thu Nhạn (Tổng hội Y học Việt Nam) đã hoàn thành xuất sắc đề tài cấp nhà nước về mô hình bệnh tật và thực trạng sức khỏe trẻ em sau 25 năm chấm dứt chiến tranh lặp lại trong cả nước và biện pháp khắc phục; Chủ nhiệm dự án sàng lọc sơ sinh do tổ chức IAEA tài trợ, tìm ra tỷ lệ mắc bệnh thiểu năng giáp ở nước ta…

Phát biểu tại buổi Lễ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chúc mừng của 112 trí thức tiêu biểu được tôn vinh cùng với hàng nghìn trí thức, nhà khoa học đang ngày đêm thầm lặng cống hiến cho nền khoa học nước nhà, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc - "đây là những tấm gương về nghị lực, về những phẩm chất cao đẹp của người trí thức trong thời đại mới".

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại buổi Lễ.

Chia sẻ một số suy nghĩ với các trí thức, nhà khoa học, Phó Thủ tướng cho rằng những năm qua đất nước đã đạt được những thành tựu phát triển rất toàn diện nhưng do chiến tranh, xuất phát điểm quá thấp nên trình độ kinh tế-xã hội của Việt Nam còn khiêm tốn so với mặt bằng chung trên thế giới. Thu nhập theo đầu người của Việt Nam hiện chỉ ở thứ 130 trên thế giới, thuộc diện các nước thu nhập trung bình. Trong bối cảnh còn nhiều điều khó khăn như vậy, các nước khác, các nhà khoa học thế giới đều đánh giá nguồn lực quý nhất của Việt Nam là con người, trí tuệ. “Nhưng vấn đề đặt ra là làm sao khơi được trí tuệ ấy. Đó là câu hỏi thường trực mà Đảng và nhà nước luôn quan tâm từ trước tới nay”, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam trăn trở.

Làm sao chuyển các tri thức ấy trở thành các chính sách cụ thể, thúc đẩy sự tham gia của các nhà khoa học vào xây dựng chính sách mới, đổi mới tư duy cho phát triển đất nước? Theo Phó Thủ tướng, đầu tiên là các cơ chế phải khuyến khích sáng tạo trong xã hội, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu phát triển, giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực. Đối với nguồn vốn ngân sách đầu tư cho khoa học công nghệ, cũng cần đổi mới tư duy quản lý thay cho tình trạng cứ “quy định thật chặt chẽ để tránh thất thoát như trước đây” chuyển sang “mạnh dạn giao vào tay trí thức” và quan trọng nhất là làm sao “khơi dậy, cổ vũ nhà khoa học sử dụng hiệu quả nhất”.

Tuy vậy, để đổi mới tư duy quản lý không đơn giản, vì vậy, Chính phủ đã giao Bộ Khoa học và Công nghệ cùng với các bộ liên quan rà lại tổng thế chính sách quản lý khoa học. Liên hiệp hội cùng đội ngũ trí thức, nhà khoa học cần trực tiếp tham gia xây dựng khung chính sách quản lý khoa học, công nghệ theo tư duy mới.

Phó Thủ tướng mong muốn Liên hiệp hội tiếp tục huy động, thu hút thêm các trí thức, nhà khoa học tham gia, để “thực sự thành đội ngũ trí thức cách mạng, có vai trò quyết định đối với việc tận dụng thời cơ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư”.

“Đội ngũ trí thức, nhà khoa học của Việt Nam không chỉ tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp khoa học, công nghệ mà còn là những tấm gương sáng của những trí thức yêu nước, góp phần đóng góp, lan toả những giá trị tốt đẹp trong xã hội, đẩy lùi những tác động xấu của cơ chế kinh tế thị trường”, Phó Thủ tướng tin tưởng.