Theo ông Phùng Quốc Hiển, mục tiêu của giám sát là đánh giá việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật xem có gì tồn tại, vướng mắc, xác định nguyên nhân và trách nhiệm, đề xuất giải pháp tháo gỡ.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển.

Từ đó, Ủy ban thường vụ Quốc hội có thể ban hành nghị quyết để đưa KH&CN vào cuộc sống, tăng cường đóng góp của công nghiệp hỗ trợ, cơ khí chế tạo đối với công nghiệp hoá, hiện đại hoá (CNH-HĐH).

So với mục tiêu giám sát, ông Hiển cho rằng các ngành, địa phương đã nghiêm túc thực hiện. Tuy nhiên, 12 tỉnh chưa có báo cáo và ông Hiển đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội nghiêm khắc phê bình các địa phương này.

“KH&CN đã có những đóng góp quan trọng, thậm chí tạo bước nhảy vọt trên một số lĩnh vực. Một số sản phẩm KH&CN đã đóng góp lớn cho nền kinh tế, tốc độ đổi mới công nghệ trên 10%/năm. Số công trình nghiên cứu khoa học tăng gấp đôi… Tuy nhiên, một hạn chế nổi lên là việc chấp hành pháp luật chưa nghiêm, có những điểm còn vướng. Đề nghị Đoàn giám sát, Chính phủ, các bộ, ngành nghiên cứu để xây dựng dự thảo nghị quyết kiến nghị với Quốc hội để sửa luật” - ông Hiển nói.