Làm thế nào để quản lý chất lượng các sản phẩm nông nghiệp đã được đăng ký bảo hộ thương hiệu là một bài toán “đau đầu” với nhiều địa phương.

Thị trấn Cái Rồng thuộc huyện Vân Đồn, Quảng Ninh, nổi tiếng với sản phẩm nước mắm mang thương hiệu “Cái Rồng” – đã được cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể từ năm 2013. Những tưởng có nhãn hiệu tập thể, các đơn vị sản xuất nước mắm nơi đây làm ăn bội phần thuận lợi. Nhưng trao đổi với Báo Khoa học & Phát triển, ông Đào Đức Yêm, Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản Cái Rồng, nơi kinh doanh sản phẩm nước mắm mang thương hiệu “Cái Rồng” từ hơn 50 năm nay cho biết, ông rất lo ngại vì “khi tham gia nhãn hiệu tập thể, tất cả làm tốt thì không sao, nhưng nếu đơn vị khác làm không tốt thì chúng tôi cũng sẽ bị ảnh hưởng”.

Công nhân ở Công ty CP Thủy sản Cái Rồng giải thích về quy trình sản xuất nước mắm Cái Rồng. Ảnh: Ngô Hà
Công nhân ở Công ty CP Thủy sản Cái Rồng giải thích về quy trình sản xuất nước mắm Cái Rồng. Ảnh: Ngô Hà

Điều kiện để sử dụng nhãn hiệu tập thể nước mắm Cái Rồng rất đơn giản, chỉ cần có giấy phép đăng ký kinh doanh trên địa bàn huyện Vân Đồn là đủ. Trong khi đó, quy trình sản xuất và kiểm soát chất lượng các cơ sở sản xuất nước mắm Cái Rồng vẫn chưa đồng bộ. Hội Nước mắm Cái Rồng – đơn vị quản lý nhãn hiệu tập thể này - có tổ chức tập huấn và đưa ra quy trình chế biến chung, nhưng đó chỉ là lý thuyết, ông Yêm cho biết. “Thực tế mỗi nơi lại làm khác nhau theo kinh nghiệm riêng”. Do vậy, làm thế nào để sản phẩm của mình không bị ảnh hưởng bởi những đơn vị khác cùng chung nhãn hiệu là mối lo thường trực của ông Yêm.

Không dễ xác định chủ thể sở hữu/quản lý

Nước mắm Cái Rồng chỉ là một trong số rất nhiều trường hợp gặp khó khăn trong quá trình quản lý và phát triển thương hiệu sản phẩm nông nghiệp ở các địa phương.

Là một nước nông nghiệp, việc đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) cho sản phẩm nông nghiệp hết sức quan trọng đối với Việt Nam – thể hiện qua một loạt chính sách đã được triển khai như Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ (Chương trình 68), Chương trình mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP),...Theo đó, các sản phẩm nông nghiệp có thể được đăng ký bảo hộ dưới ba dạng: chỉ dẫn địa lý (CDĐL), nhãn hiệu tập thể hoặc nhãn hiệu chứng nhận. Song, việc đăng ký bảo hộ thương hiệu “chỉ là bước đầu tiên để chúng ta có công cụ bảo vệ danh tiếng của sản phẩm”, còn “làm thế nào để phát triển thương hiệu là cả một vấn đề”, ông Nguyễn Thanh Bình - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, Đào tạo và Hỗ trợ, Tư vấn (Cục SHTT), nhận định tại Hội nghị về SHTT năm 2019 diễn ra ở Quảng Ninh mới đây.

Theo thống kê, đến hết tháng 3/2019, Việt Nam có 1.125 văn bằng bảo hộ cho sản phẩm nông nghiệp, trong đó có 66 CDĐL, 246 nhãn hiệu chứng nhận, và 813 nhãn hiệu tập thể và như ông Bình chỉ ra, cả ba loại đăng ký bảo hộ này đều gặp vấn đề chung là không dễ xác định được chủ sở hữu/quản lý phù hợp, đủ năng lực.

Chẳng hạn, CDĐL vốn thuộc sở hữu của nhà nước và được nhà nước giao quyền quản lý cho các cơ quan hành chính thuộc địa phương có CDĐL. Nhưng hiện nay mô hình quản lý CDĐL chưa có sự thống nhất, cơ quan được giao quyền quản lý CDĐL chủ yếu là Sở Khoa học & Công nghệ, Ủy ban nhân dân huyện hoặc thị xã - ông Bình cho biết. Đồng quan điểm với ông Bình, PGS.TS Trần Văn Hải, trưởng bộ môn SHTT ở trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG Hà Nội cho biết: “CDĐL của mình có một điểm rất bất hợp lý, đó là người nông dân, doanh nghiệp là đối tượng sử dụng và được hưởng lợi từ CDĐL, nhưng CDĐL lại được nhà nước giao cho Sở KH&CN quản lý, nên nhiều lúc họ quên béng đi”.

Đối với nhãn hiệu chứng nhận, theo quy định của Luật SHTT, chủ sở hữu chỉ có chức năng chứng nhận, không tham gia vào quy trình sản xuất. Theo ông Bình, nếu chỉ chứng nhận nguồn gốc xuất xứ thì không có vấn đề gì; nhưng bên cạnh chứng nhận nguồn gốc xuất xứ, chủ sở hữu còn phải chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng của sản phẩm. Đây là công việc đòi hỏi cao về nguồn lực, đặc biệt là nhân lực có khả năng sử dụng các phương tiện chứng nhận mà không phải chủ sở hữu nào cũng đáp ứng được.

Đối với nhãn hiệu tập thể, Luật SHTT quy định, chủ sở hữu là một tổ chức đại diện quyền lợi cho các nhà sản xuất (không thuộc cơ quan nhà nước). Điều kiện như vậy tưởng chừng quá đơn giản nhưng “có một số địa phương loay hoay 2 năm trời không thành lập được các tổ chức tập thể bởi vì chính sách nơi đó quá ‘chặt’ nên rất khó thành lập. Đặc biệt là những tỉnh vùng biên giới, do liên quan đến an ninh quốc phòng nên việc kiểm soát thành lập cực kì nghiêm ngặt”, ông Bình cho biết. Bên cạnh đó, số liệu thống kê của Cục SHTT cho thấy, tỉ lệ chủ sở hữu nhãn hiệu tập thể là các hội ngành nghề chỉ chiếm khoảng 19%, trong khi các tổ chức chính trị xã hội (Hội Nông dân, Hội Phụ nữ,...) chiếm 31%. “Các tổ chức này không thể chuyên nghiệp được như các hội ngành nghề”, ông Bình nhận xét, “chẳng hạn nhãn hiệu nho Ninh Thuận, được giao cho Hiệp hội Nho tỉnh Ninh Thuận quản lý rất hiệu quả”.

Cần kiểm soát chất lượng theo chuỗi giá trị

Cũng được giao cho hội ngành nghề quản lý, nhưng nhãn hiệu tập thể Cái Rồng chưa hoàn toàn mang lại cảm giác an tâm cho những người sản xuất nước mắm dưới nhãn hiệu đó. Hội Nước mắm Cái Rồng mới được thành lập gần 3 năm nên chưa có nhiều kinh nghiệm, chưa xây dựng được quy trình kiểm soát nội bộ, việc kiểm soát đồng đều chất lượng sản phẩm giữa các đơn vị vì vậy còn nhiều bất cập, ông Đào Đức Yêm cho biết.

Dựa trên kinh nghiệm khảo sát ở nhiều nơi, ông Bình cho rằng, để giải quyết vấn đề này, chủ sở hữu/quản lý các nhãn hiệu được đăng ký bảo hộ ở các địa phương nên chủ động xây dựng quy trình quản lý theo chuỗi giá trị, bao gồm cả chuỗi dọc và chuỗi ngang. Theo đó, về chuỗi dọc, chủ sở hữu/quản lý sẽ kiểm soát toàn bộ các khâu: từ xác định giống, canh tác, gieo trồng, thu hoạch, bảo quản, đóng gói và đưa ra thị trường. Dựa trên chuỗi dọc, chủ sở hữu/quản lý sẽ xác định các chuỗi ngang: chọn giống của nhà cung cấp nào, trồng trên loại đất gì, loại máy móc canh tác nào,... “Tất cả những lựa chọn này nhằm tạo ra một quy trình rõ ràng và chuẩn mực, đảm bảo sản phẩm đầu ra có chất lượng ổn định”, ông Bình nói.

Bên cạnh sự phát huy năng lực của chủ sở hữu/quản lý, theo ông Bình, cần có sự chung sức của rất nhiều cơ quan nhà nước, đặc biệt là Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, trong việc xây dựng quy trình canh tác chuẩn cho các loại nông sản. Cũng “cần có các doanh nghiệp ‘đầu tàu’, chỉ thu mua sản phẩm của các cơ sở sản xuất tuân thủ đúng quy trình đặt ra”, ông Bình nhấn mạnh. Tuy nhiên, để tránh hiện tượng các doanh nghiệp “đầu tàu” độc quyền thu mua như ở một số địa phương hiện nay, việc kiểm soát nội bộ phải “cực kì đồng thuận”, thống nhất giữa các địa phương và giữa các bên: cơ sở sản xuất, nhà thu mua, đơn vị quản lý,... “Cà phê Buôn Mê Thuột là trường hợp điển hình có quy trình kiểm soát nội bộ rất tốt”, ông Bình cho biết, “Họ xây dựng được quy trình quản lý rõ ràng và thực hiện nghiêm túc”.