Hiệu quả của công tác truyền thống khoa học sẽ được nâng cao đáng kể nếu các nhà báo được đào tạo và có kiến thức chuyên sâu về lĩnh vực khoa học mà mình phụ trách.

PGS-TS Phạm Thành Huy - Viện Tiên tiến khoa học và công nghệ.
PGS-TS Phạm Thành Huy - Viện Tiên tiến khoa học và công nghệ.

Để thông tin được công chúng tiếp nhận, các bài báo khoa học cần nêu rõ mức độ thành công và những hạn chế của nghiên cứu - nhất là các thông tin liên quan đến công bố chính thức của các nhà khoa học.

Hiệu quả của công tác truyền thống khoa học sẽ được nâng cao đáng kể nếu các nhà báo được đào tạo và có kiến thức chuyên sâu về lĩnh vực khoa học mà mình phụ trách. Ngược lại, những người hoạt động KH&CN - đặc biệt những người phát ngôn khoa học cũng cần có kiến thức về truyền thông và báo chí để có thể truyền đạt đến công chúng những thông tin chính xác và dễ hiểu nhất.

Thực tế, mỗi một hoạt động KH&CN - dù là nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu phát triển công nghệ hay nghiên cứu ứng dụng - đều có lý do và nhằm vào những mục tiêu hết sức cụ thể nào đó. Do đó, bài báo về các vấn đề khoa học hướng đến công chúng dù cần được đơn giản, lược hóa và viết bằng ngôn ngữ đại chúng vẫn luôn phải đảm bảo tính chính xác, phản ánh đúng bản chất và mức độ của vấn đề muốn đề cập. Người đọc ở các mức độ khác nhau luôn có sự dè dặt hay đặt câu hỏi về mức độ tin cậy của thông tin khoa học được công bố.

Đây một phần là do hệ quả kinh nghiệm của họ đối với các thông tin khoa học thiếu chính xác, nhưng phần lớn nằm ở khe truyền thông (communications gap) giữa các nhà khoa học và công chúng. Khi đó, một tác phẩm báo chí khoa học sẽ có hiệu quả khi nó truyền tải tới công chúng về những vấn đề có tác động rộng và ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của họ.