Với phương châm “Học để làm” và thông qua việc làm để nâng cao trình độ, tập thể khoa học ở Viện nghiên cứu hạt nhân (NCHN) đã vượt qua rất nhiều khó khăn, thử thách vừa bảo đảm vận hành lò an toàn, vừa xây dựng nên bốn phương hướng R&D chính có đầy đủ đội ngũ khoa học, cơ sở thí nghiệm và thị trường.

GS Phạm Duy Hiển. Ảnh: KH&PT
GS Phạm Duy Hiển. Ảnh: KH&PT

Bối cảnh

Ba mươi năm trước, nhân đi công tác qua Moskva tôi nhận được lệnh trực tiếp từ Phó Chủ tịch Hội Đồng Bộ trưởng Trần Quỳnh yêu cầu ghé lại Ủy ban Năng lượng nguyên tử (UBNLNT) Liên Xô ký duyệt “Nhiệm vụ thiết kế” cho công trình cải tạo và nâng cấp lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt. Nói là cải tạo và nâng cấp, song thực ra, cơ sở hạt nhân cũ với lò TRIGA MARK II do hãng General Atomic (Mỹ) chế tạo chỉ còn khối bê tông bao bọc thùng lò và vòm nhà tròn xinh xắn do KTS Ngô Việt Thụ thiết kế. Nhiên liệu đã kịp rút đi trước ngày giải phóng, những thứ lỉnh kỉnh khác trở nên vô dụng, được chúng tôi tháo gỡ cất kỹ trong khi thải phóng xạ.

Sau chưa đầy mười phút tiến hành các thủ tục ký kết (bởi mọi chi tiết kỹ thuật đã được hai bên bàn thảo từ trước), tôi rời khỏi trụ sở được canh gác hết sức nghiêm ngặt của UBNLNT Liên Xô mà lòng nặng trĩu. Lững thững một mình trên đại lộ Lê-nin đến đoạn vắt ngang qua sông Moskva óng ánh dưới nắng chiều và tòa tháp Đại học Lômônôxốp hiện lên trên nền trời (nơi đây khoa học hạt nhân đã đón nhận gần 20 năm về trước), tôi chợt nhận ra gánh nợ nặng nề trên vai mình và các đồng nghiệp – một ngành khoa học công nghệ hạt nhân của đất nước đang ở phía trước.

Mục tiêu

Khi nhận nhiệm vụ chỉ huy xây dựng, vận hành và khai thác LPUHN ĐL, bên cạnh tôi là những đồng nghiệp thuộc loại ưu tú và sung sức nhất lúc bấy giờ, về chuyên môn lẫn phẩm chất, được đào tạo nhiều năm ở Liên Xô và Pháp. Có điều, không ai trong chúng tôi được học chuyên sâu về lò phản ứng. Không dễ gì học sâu vào công nghệ hết sức nhạy cảm này, cho dù ngày ấy ta với Liên Xô là anh em chí cốt. Lại thêm một khó khăn cực lớn nữa là Liên Xô chỉ nhận giúp ta xây lò phản ứng trong khi rất nhiều phương tiện thiết bị và phòng thí nghiệm để khai thác lò phục vụ quốc tế dân sinh luôn bị gạt ra khỏi bàn đàm phán. Trưởng đoàn Liên Xô thường chỉ vào bản Hiệp định được ký kết giữa hai Chính phủ với dòng chữ cộc lốc “khôi phục lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt” trong số hàng loạt hạng mục công trình ưu tiên khác lúc bấy giờ như thủy điện, dầu khí v.v.. Thành ra, khi lò chạy, neutron sinh ra rồi để nó tự chết đi mà không sử dụng được để điều chế chất phóng xạ, không thể rút chúng ra khỏi bốn kênh dẫn luôn được bịt kín. Đất nước lúc này đang trải qua thời kỳ khốn khó nhất.

Cơn bão “giá, lương, tiền” ập vào hai bữa ăn hằng ngày, thiết bị linh kiện nghiên cứu khoa học không sao mua được do chính sách cấm vận của Hoa Kỳ. Cho nên sau những tiếng u ra và sâm banh nổ giòn trong ngày khánh thành là những đêm trằn trọc. Chả lẽ, tốn ngần ấy tiền của công sức chỉ để hằng ngày thắp lên và chiêm ngưỡng ngọn lửa xanh óng ánh qua sáu mét nước trong suốt dưới đáy lò thôi ư? Không! Mục tiêu đặt ra trước mắt chúng tôi là trong một giờ thời gian ngắn nhất phải thử nghiệm tất cả những gì mà một lò phản ứng hạt nhân công suất tương đối thấp có thể làm được, qua đó xây dựng đội ngũ, nâng cao trình độ hướng đến những mục tiêu lâu dài hơn là điện hạt nhân. Muốn thế, và trên hết lò phản ứng lai ghép công nghệ hai siêu cường hạt nhân độc nhất vô nhị này trên thế giới phải được vận hành an toàn không thể chủ quan sơ sẩy để xảy ra bất cứ sự cố nhỏ nào. Nhưng lấy đâu ra thiết bị để khai thác lượng neutron cực mạnh từ lò phản ứng?

Lúc này Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế IAEA là nguồn cũng cấp thiết bị duy nhất mà ta không thể mua được do chính sách cấm vận của Hoa Kỳ. Phần còn lại tự thiết kế, lắp ráp, chẳng những để khai thác lò tại chỗ mà còn cho những cơ sở sử dụng chất phóng xạ do lò cung cấp. Có lần đi dự hội nghị khoa học quốc tế, các đồng nghiệp nước ngoài ngạc nhiên thấy tôi đi mua linh kiện ở chợ mang về cho phòng điện tử hạt nhân lắp máy đo phổ phóng xạ. ở nước họ, người ta cứ gọi điện thẳng đến hãng, mua hẳn các thiết bị hoặc các block, rồi lắp các block ấy lại thành thiết bị.

Hai phương châm tự đào tạo

Mục tiêu đặt ra trên đây quả là quá lớn đối với một đội ngũ gồm phần lớn sinh viên mới tốt nghiệp đại học. May mắn, họ có một số đầu đàn đầy trách nhiệm, quyết tâm và đam mê. Tất cả đều lao vào học, học để làm, thông qua công việc (làm) để nâng cao trình độ (học). Đây chính là phương châm làm khoa học công nghệ “ Learning by doing” phổ biến ở các nước đi sau.

Làm để học (Learning by doing) là phương châm quán triệt để đào tạo và xây dựng đội ngũ. Với phương châm này, bất cứ kỹ thuật hạt nhân nào thích hợp với lò phản ứng công suất thấp mà không đòi hỏi đầu tư cao lắm đều được thử nghiệm, từ khâu thiết kế, lắp ráp rồi vận hành cho đến ứng dụng đại trà trong trường hợp có nhu cầu của thị trường. Xưởng cơ khí do Liên Xô trang bị để phục vụ quá trình lắp ráp lò phản ứng được phát huy tác dụng. Ngoài ra, một xưởng lắp ráp điện tử nhỏ cũng được xây dựng để đáp ứng yêu cầu lắp ráp các thiết bị điện tử hạt nhân.

Nhưng học ai và bằng cách nào? Trong điều kiện thiếu “thầy”, cách học khả dĩ nhất là bắt chước (imitation). Bắt chước và vận dụng sáng tạo những gì được mô tả trong các tài liệu khoa học có trong tay hoặc những gì tai nghe mắt thấy trong những dịp may mắn được tiếp xúc với các cơ sở nghiên cứu ở nước ngoài. Thời ấy chưa có internet nên những thông tin hiếm hoi trên các tài liệu khoa học là vô giá. Các đề án viện trợ kỹ thuật của IAEA đã giúp thêm tri thức, thiết bị vật tư hiện đại, nhất là từ các nước phương Tây mà trước những năm tám mươi ta hoàn toàn không có điều kiện tiếp cận.Nhờ đó mà mặc dù kinh phí khoa học ít ỏi, nhiều phòng thí nghiệm đã được dựng lên sau một thời gian ngắn và có thể hoạt động ngay (vào những năm cuối thập kỷ tám mươi, Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt với quân số ngót 300 người chỉ được nhà nước cấp khoảng sáu, bảy trăm triệu đồng hằng năm để chi cho toàn bộ hoạt động, kể cả lương, ít hơn mười lần mức kinh phí hiện nay với quân số chưa đầy hai phần ba). Theo phương châm bắt chước có sáng tạo, Viện NCHN Đà Lạt đã sản sinh ra hơn 50 công trình khoa học được công bố trên các tạp chí quốc tế, chưa kể đến hàng trăm công trình báo cáo ở các hội nghị quốc tế trong và ngoài nước.

Có thể nói chỉ trong vòng sáu năm sau khi khánh thành lò phản ứng, tập thể khoa học ở Viện NCHN Đà Lạt vừa bảo đảm vận hành lò an toàn, vừa xây dựng lên bốn phương hướng R&D chính có đầy đủ đội ngũ khoa học, cơ sở thí nghiệm và thị trường. Các phương hướng này đã trở thành độc đáo, truyền thống của Viện NCHN Đà Lạt, làm cho Viện trở thành một địa chỉ tin cậy, một thương hiệu có uy tín, mặc dù đội ngũ khoa học luôn biến động và giảm đi rất nhiều so với ngày đầu. Năm 1991, sau khi thăm Việt Nam, TS Hans Blix, Tổng giám đốc IAEA đã nói với các nhà lãnh đạo nước ta rằng lò phản ứng Đà Lạt là một trong những lò phát huy hiệu quả tốt nhất trong các nước đang phát triển.

Tự lực vươn lên xây dựng các phòng thí nghiệm khai thác lò phản ứng

Liên Xô chỉ giúp ta xây lò phản ứng, còn sử dụng nó để làm gì thì chưa được bàn đến trong quá trình đàm phán. Lò xây xong mà trong gian nhà lò và xung quanh không có các thiết bị nghiên cứu và khai thác. Mãi đến khi lò bắt đầu vận hành, Liên Xô mới chấp nhận nghiên cứu thiết kế cơ sở sản xuất dược chất phóng xạ và phòng thí nghiệm phân tích kích hoạt neutron. Nhưng rồi bản thiết kế của Liên Xô cũng không được Viện NCHN thông qua, do quá đồ sộ, tốn kém và phải mất ít nhất bốn năm mới xây dựng xong. Chả lẽ trong thời gian đó để lò nằm yên và hàng trăm cán bộ khoa học lại phải tiếp tục xông ra công trường xây dựng? Vào thời ấy, chủ trương bác bỏ một thiết kế của Liên Xô là việc làm rất không bình thường. Song chính nhờ chủ trương đó, mà cán bộ của Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt mới tự lực vươn lên xây dựng các phòng thí nghiệm khai thác lò phản ứng.

Đó là thời kỳ mà mọi người, từ trên xuống dưới, đều tự đào tạo mình để trưởng thành.

Trích bài viết của GS Phạm Duy Hiển nhân dịp kỷ niệm 35 năm Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt được đưa vào vận hành (20/3/1984 - 20/3/2019).