Thứ trưởng Phạm Công Tạc cho biết, việc xây dựng thông tư quy định việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng đang được Bộ KH&CN tiến hành một cách cẩn trọng.

Quy định nhằm quản lý máy móc, thiết bị đã qua sử dụng nhưng vẫn đồng hành với chính sách đầu tư thu hút doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam. Hình ảnh mang tính minh họa.
Quy định nhằm quản lý máy móc, thiết bị đã qua sử dụng nhưng vẫn đồng hành với chính sách đầu tư thu hút doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam. Hình ảnh mang tính minh họa.
Điều này nhằm đảm bảo không nhập thiết bị thải loại, tiêu tốn nhiên liệu, ô nhiễm môi trường vào Việt Nam nhưng vẫn đảm bảo khuyến khích doanh nghiệp chân chính phát triển kinh tế, đóng góp cho xã hội.
Quy định mở
Việc sửa đổi thông tư 20/2014/TT-BKHCN quy định việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng đã được Bộ KH&CN nhiều lần lấy ý kiến trong các bản dự thảo khác nhau. Thứ trưởng Phạm Công Tạc cho hay, điều này chứng tỏ “mức độ khó” và tính chất quan trọng của thông tư này. Chính vì tính chất phức tạp của việc xây dựng thông tư kể trên nên Bộ KH&CN đang làm rất cẩn trọng.
Bà Trần Tuyết Nhung - Vụ phó Vụ Đánh giá - Thẩm định và Giám định công nghệ - cho biết, những thay đổi quan trọng nhất nằm ở điều 6 (điều 6 trong dự thảo lần thứ chín thông tư thay thế thông tư 20/2014/TT-BKHCN). Đó là những yêu cầu cụ thể của việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng.
Thứ nhất, tuổi thiết bị không vượt quá 10 năm. Thứ hai, được sản xuất theo tiêu chuẩn phù hợp với quy định của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) hoặc Tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) hoặc tiêu chuẩn của các nước G7 về an toàn, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường. Bà Nhung cho biết: “Nếu thiết bị, dây chuyền công nghệ có đủ hai tiêu chuẩn trên sẽ tự động được nhập khẩu vào Việt Nam”.
Bên cạnh đó, dự thảo thông tư còn đưa ra những quy định trong các trường hợp đối với dự án đầu tư nước ngoài (FDI) hoặc trường hợp nhập khẩu thiết bị thuộc diện “bất khả kháng”.
Theo đó, đối với thiết bị đã qua sử dụng của dự án FDI, nếu có danh mục thiết bị đã qua sử dụng được ghi trong hồ sơ dự án đầu tư và được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt hoặc chấp thuận đăng ký đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư thì không phải áp dụng điều kiện “10 năm tuổi”.
Trong trường hợp cần thiết - tùy thuộc đặc thù của từng ngành, lĩnh vực được phân công quản lý, bộ trưởng các bộ, thủ trưởng cơ quan ngang bộ ban hành quyết định yêu cầu về tuổi thiết bị thấp hơn hoặc cao hơn 10 năm và thông báo cho Bộ KH&CN biết để thống nhất quản lý.
Bà Trần Tuyết Nhung cho rằng: “Đối với doanh nghiệp FDI, chúng ta theo nguyên tắc quản lý một lần, không quản lý chồng chéo.
Tất nhiên, chúng ta mong muốn dưới 10 năm càng tốt, nhưng nếu trước khi nhập vào Việt Nam thì đã được xem xét. Trong quá trình xem xét, nếu liên quan nhiều đến KH&CN, cơ quan cấp phép đầu tư có thể lấy ý kiến của Bộ KH&CN và sở KH&CN trước khi cấp phép. Đó là quy định mở nhằm thu hút đầu tư nước ngoài đầu tư nghiêm túc sản xuất, kinh doanh ở Việt Nam”.
Không phân biệt đối xử với doanh nghiệp trong nước
Quy định riêng cho doanh nghiệp FDI có thể nhập dây chuyền, thiết bị tuổi đời có thể quá 10 năm đặt ra băn khoăn có hay không việc phân biệt đối xử với các doanh nghiệp trong nước?
Về vấn đề này, bà Trần Tuyết Nhung giải thích: “Điều khoản quy định riêng cho doanh nghiệp FDI trong điều 6, tôi không cho đó là sự phân biệt đối xử với doanh nghiệp trong nước.
Các nhà đầu tư FDI chỉ được miễn điều kiện tuổi thiết bị 10 năm khi ngay từ khi lập dự án đầu tư, khi đã có danh mục máy móc thiết bị đã qua sử dụng lên cơ quan xét duyệt. Trong quá trình xem xét chấp thuận đầu tư, cơ quan có thẩm quyền về đầu tư sẽ phải xin ý kiến Bộ KH&CN hoặc sở KH&CN nếu thấy rằng danh mục máy móc đó cần phải xem xét”.
Quy định kể trên nhằm quản lý máy móc, thiết bị đã qua sử dụng nhưng vẫn đồng hành với chính sách đầu tư thu hút doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam. Theo Vụ Đánh giá - Thẩm định và Giám định công nghệ, vấn đề này đã được quy định trong Luật Đầu tư năm 2006.
Theo đó, Bộ KH&CN và các sở KH&CN vẫn thường xuyên phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các sở kế hoạch và đầu tư thẩm định các dự án đầu tư có liên quan đến KH&CN để việc cấp giấy phép đầu tư phù hợp với quy định hiện hành.
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cũng vừa có ý kiến chỉ đạo về việc sửa đổi thông tư số 20/2014/TT-BKHCN. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ KH&CN lưu ý việc quy định thời hạn sử dụng; chất lượng máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng; thẩm quyền và thủ tục xử lý thông quan, nhập khẩu phải bảo đảm tính khả thi, thuận lợi đối với các doanh nghiệp.
Đặc biệt, đối với yêu cầu phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cần thực hiện theo đúng quy định của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật năm 2006.
Đối với những trường hợp đặc biệt, yêu cầu quy định rõ trách nhiệm của Bộ KH&CN và bộ quản lý ngành, lĩnh vực thống nhất xem xét, quyết định. Đồng thời, xem xét quy định thêm việc cấm nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng mà các nước đã công bố loại bỏ do lạc hậu, chất lượng kém, gây ô nhiễm môi trường.
Bà Trần Tuyết Nhung cho biết: “Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ KH&CN đang tiếp tục rà soát, chỉnh sửa, hoàn thiện dự thảo sửa đổi thông tư số 20 để sớm ban hành thông tư mới trong thời gian sắp tới”.
CHƯƠNG II: YÊU CẦU VỀ NHẬP KHẨU THIẾT BỊ ĐÃ QUA SỬ DỤNG
Điều 5. Yêu cầu chung
Thiết bị đã qua sử dụng khi nhập khẩu phải phù hợp với các yêu cầu về an toàn, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường theo quy định pháp luật hiện hành.
Điều 6. Yêu cầu cụ thể
1. Thiết bị đã qua sử dụng được nhập khẩu khi đáp ứng các tiêu chí sau:
a) Tuổi thiết bị không vượt quá 10 năm.
b) Được sản xuất theo tiêu chuẩn phù hợp với quy định của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN), Tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) hoặc tiêu chuẩn của các nước G7 về an toàn, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường.
2. Đối với thiết bị đã qua sử dụng thuộc các dự án đầu tư nước ngoài (FDI), bao gồm:
a) Dự án thuộc diện quyết định chủ trương đầu tư.
b) Dự án thuộc diện phải thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mà không thuộc diện quyết định chủ trương đầu tư.
Nếu có danh mục thiết bị đã qua sử dụng được ghi trong hồ sơ dự án đầu tư và được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt hoặc chấp thuận đăng ký đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư thì không phải áp dụng điều kiện quy định tại khoản 1 điều này.
3. Đối với linh kiện, phụ tùng, bộ phận thay thế đã qua sử dụng: Chỉ được nhập khẩu khi doanh nghiệp sản xuất có nhu cầu sửa chữa, thay thế với thiết bị đang được vận hành tại doanh nghiệp.
4. Trong trường hợp cần thiết, tùy thuộc đặc thù của từng ngành, lĩnh vực được phân công quản lý, bộ trưởng các bộ, thủ trưởng cơ quan ngang bộ ban hành quyết định yêu cầu về tuổi thiết bị khác với quy định tại điểm a, khoản 1 điều 6 thông tư này đối với thiết bị đã qua sử dụng (thấp hơn hoặc cao hơn 10 năm) và thông báo cho Bộ Khoa học và Công nghệ biết để thống nhất quản lý.