Lượng đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp tăng chóng mặt là điều dễ đong đếm nhất khi Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) bước sang tuổi 35.

Nếu như lượng đơn đăng ký trong suốt 10 năm đầu thành lập (từ 1981-1991)chỉ dừng ở con số 607 thì chỉ tính riêng năm 2016 đã có 5.228 đơn đăng ký sáng chế trong tổng số 58.217 đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp (tăng 14,2% so với năm 2015).

Vận động từng xí nghiệp bảo vệ tài sản vô hình

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Vân - Trưởng phòng Nhãn hiệu số 1, Cục SHTT, lượng đơn tăng cho thấy nhận thức của công chúng về bảo hộ tài sản trí tuệ đã thay đổi. Họ đã hiểu rõ hơn, thấy được tầm quan trọng và vai trò của SHTT.

Đã 32 năm, bà Thanh Vân vẫn nhớ như in những ngày đầu đảm nhận công việc ở Cục Sáng chế (tiền thân của Cục SHTT ngày nay), khi mỗi tháng chỉ có vài đơn đăng ký được gửi đến. Hồi đó, bảo hộ sáng chế hay nhãn hiệu còn là một khái niệm rất mơ hồ. Các xí nghiệp, công ty nhà nước dù lớn cỡ Caosu Sao Vàng, Xàphòng Hà Nội... đều nghĩ rằng chẳng có gì đáng lo bởi không ai cạnh tranh, trong khi những người làm công tác SHTT lại nhìn thấy những vấn đề thực sự đáng ngại.

“Khi đó nhiều xí nghiệp sản xuất độc quyền nhưng không có nghĩa là an toàn đối với thương hiệu khi ra thị trường. Vì vậy chúng tôi - các cán bộ Cục Sáng chế - đã phải đến từng tập đoàn lớn, tổng công ty, xí nghiệp của nhà nước để hướng dẫn, tư vấn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, để họ hiểu nhãn hiệu là gì, nó quan trọng như thế nào, phải làm gì để đăng ký bảo hộ…” - bà Vân kể. “Lãnh đạo Nhà máy Caosu Sao Vàng đã nhìn ra vấn đề và tổ chức cuộc thi sáng tác nhãn hiệu, chọn được nhãn hiệu có chữ SV và hình ngôi sao làm đại diện cho mình. Chúng tôi đã giúp họ đăng ký nhãn hiệu này. Còn Xí nghiệp May 10 sau đó cũng tổ chức thi thiết kế nhãn hiệu và đăng ký mẫu nhãn hiệu duy trì suốt 30 năm qua”.

Vào những năm 1993-1994, sự lớn mạnh của nhãn hiệu kem đánh răng Dạ Lan - sản phẩm làm mưa làm gió trên thị trường Việt Nam - được “ông lớn” Unilever để ý. Họ đã đàm phán để mua nhãn hiệu này với giá 3 triệu USD nhưng sau đó không tiếp tục sản xuất kem đánh răng Dạ Lan.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Việt Thanh (thứ hai từ trái qua), Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Đinh Hữu Phí (thứ tư từ phải qua) và Tổng Giám đốc Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới Francis Gurry (thứ 3 từ phải qua) thăm phòng Sáng chế 2, Cục Sở hữu trí tuệ. Ảnh: Lê Phượng

Theo bà Vân, câu chuyện này tuy có nhiều điều không rõ nhưng có thể thấy thương hiệu có giá trị rất lớn đối với doanh nghiệp. Về phía chủ cũ của Dạ Lan, dù tiếc về “cái chết” của nhãn hiệu đình đám thì cũng không thể làm gì khi đã chuyển quyền sở hữu. “Đây không phải là câu chuyện hiếm gặp khi doanh nghiệp chưa thấy hết được giá trị của tài sản vô hình” - bà Vân nhìn nhận.

Tuy nhiên, theo thời gian, cùng với nỗ lực của những người làm công tác SHTT trong việc vận động, nâng cao dần nhận thức của cộng đồng, xây dựng hành lang pháp lý, xã hội đã quan tâm nhiều hơn đến SHTT. Từ những “đốm lửa” nhỏ ban đầu mà họ nhen lên, ngày càng có nhiều xí nghiệp, nhà máy đăng ký nhãn hiệu. Từ chỗ không có đơn để xử lý, bây giờ áp lực của bà Vân và các đồng nghiệp là làm sao để xử lý đơn nhanh nhất, hiệu quả nhất.

Thẩm định - "cái khó ló cái khôn"

Ông Nguyễn Quang Tuấn - Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Kiểu dáng công nghiệp - kể, cách đây 12 năm khi ông mới đến nhận công tác, các thẩm định viên tra cứu kiểu dáng công nghiệp bằng bìa có dán hình ảnh kiểu dáng đã được bảo hộ: “Các cơ quan SHTT thế giới gửi công báo cho Việt Nam về những kiểu dáng đã được công bố. Chúng tôi phải cắt hình ảnh từ đó dán lên các tờ bìa, sắp xếp theo trình tự phân loại để các thẩm định viên mở từng ngăn ô, lật từng bìa ra để tra cứu, so sánh”.

Từ năm 2004, công nghệ thông tin (CNTT) được triển khai trong nhiều hoạt động của Cục. Phòng Kiểu dáng công nghiệp tạo công cụ để tra cứu trên máy tính, đầu tiên là bằng Excel, sau đó lập trình để tra cứu từ cơ sở dữ liệu do các cơ quan SHTT thế giới gửi và chiết xuất thành công cụ tra cứu riêng. Rồi hệ thống quản trị đơn sở hữu công nghiệp (IPAS) được triển khai, Phòng CNTT được thành lập để vận hành. Năm 2005, Cục đưa vào sử dụng hệ thống tiếp nhận đơn thống nhất phục vụ đồng thời tại Hà Nội và TPHCM, Đà Nẵng.

“Tôi chứng kiến sự đổi thay rất lớn từ tra cứu thủ công đến tự động hóa cao hơn, sự gia tăng nhanh chóng về số đơn đăng ký. Hồi đó mỗi năm chỉ có khoảng 1.200-1.300 đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp, nay thì mỗi năm có khoảng 3.000 đơn” - ông Tuấn chia sẻ và cho biết việc tra cứu hiện vẫn chiếm trên 50% thời gian xử lý đơn. Trong khi cơ quan SHTT của các nước tiên tiến được trang bị công cụ rất mạnh, tích hợp nhiều cơ sở dữ liệu của các nước từ nhiều nguồn như sách, báo, tạp chí, Internet... vào công cụ duy nhất, thì thẩm định viên Việt Nam phải tra cứu ở nhiều kho dữ liệu, sử dụng nhiều công cụ để xử lý một đơn.

Mỗi công cụ có một giao diện, cách thức đưa ra lệnh tìm kiếm riêng nên việc tra cứu rất phức tạp. Gần đây, các thẩm định viên của Cục SHTT được mua một công cụ tích hợp cơ sở dữ liệu của một số nước nên thời gian tra cứu giảm đi; nhưng với những kiểu dáng chưa hề có trong cơ sở dữ liệu đó, họ vẫn phải tìm qua Google.

Theo ông Tuấn, việc phải thường xuyên sáng tạo trong điều kiện hạn hẹp khiến thẩm định viên Việt Nam có những kinh nghiệm “đặc hữu”: “Có lần chúng tôi nhận được đơn đăng ký về dải phân cách giao thông, khi tra cứu không thấy nơi nào nộp đơn tương tự, các kho dữ liệu và trên mạng không hề có cụm từ khóa “dải phân cách giao thông”.

Từ khóa trong các kho dữ liệu dựa vào các chỉ số phân loại quốc tế gồm tên kiểu dáng, người nộp đơn... nhưng áp dụng tìm kiếm với đơn này không thành công. Chúng tôi thử sử dụng một từ khóa không liên quan là “chỉnh trang nhân dịp ngày đại lễ” thì tìm được dữ liệu. Nhiều bài báo về chuẩn bị đại lễ 1.000 năm Thăng Long đã nhắc tới việc chỉnh trang đô thị và có hình ảnh dải phân cách dù trong bài không có cụm từ “dải phân cách giao thông”. Còn vô vàn ví dụ khác về sự sáng tạo khi gặp từ khóa không theo quy chuẩn, cho thấy nỗ lực vượt khó của các thẩm định viên trong việc ghi dấu Việt Nam trên bản đồ SHTT thế giới.