"Thông qua các Quỹ hỗ trợ nghiên cứu và phát triển Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Quốc gia (Nafosted), Quỹ Đổi mới KHCN Quốc gia (Natif), Dự án First... nhà nước đang tạo nhiều “sân chơi” để nhà khoa học trẻ thực hiện khát khao và cống hiến".

Tiến sĩ (TS) Võ Thanh Sang - Trưởng phòng Công nghệ Sinh học Dược, Viện Kỹ thuật Công nghệ Cao, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành – một trong số 9 tài năng trẻ khoa học công nghệ xuất sắc vừa nhận Giải thưởng KHCN Thanh niên Quả Cầu Vàng 2017 đã chia sẻ với Khoa học và Phát triển.

Nói về ý nghĩa của việc nhà nước hỗ trợ tài năng trẻ, TS Sang cho biết, hiện đội ngũ các nhà khoa học trẻ có tiềm năng sáng tạo rất lớn với nhiều ý tưởng có tính đột phá và độc đáo mang lại nhiều giá trị và thành tựu mới.

"Nhận thấy được điều đó, Nhà nước tuy còn nhiều khó khăn nhưng vẫn luôn ưu tiên dành nguồn lực đầu tư cho những ý tưởng nghiên cứu của các nhà khoa học trẻ. Nhà nước luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất để các nhà khoa học trẻ có cơ hội thực hiện ý tưởng nghiên cứu nhằm góp phần phát triển nền khoa học công nghệ của đất nước. Đáng chú ý là Nhà nước đã kịp thời đưa ra các Quỹ hỗ trợ nghiên cứu và phát triển Khoa học và Công nghệ đến với các nhà khoa học trẻ Việt Nam như Quỹ Phát triển KH&CN Quốc gia (Nafosted), Quỹ Đổi mới KHCN Quốc gia (Natif), Dự án Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo thông qua nghiên cứu khoa học và công nghệ (First)..." - TS Sang nhắc tới những địa chỉ đang hỗ trợ tích cực cho các nhà khoa học hoàn thiện ý tưởng nghiên cứu.

Tiến sĩ Võ Thanh Sang (thứ 3 từ trái qua) tại lễ trao giải Quả cầu vàng 2017.
Tiến sĩ Võ Thanh Sang (thứ 3 từ trái qua) tại lễ nhận Giải thưởng KHCN Thanh niên Quả Cầu Vàng 2017

Theo góc nhìn của nhà khoa học trẻ này thì Quỹ Nafosted là một trong số Quỹ Quốc gia dưới sự quản lý của Bộ KH&CN có cơ chế tuyển chọn đề tài công khai, minh bạch và cạnh tranh bình đẳng giữu các ứng viên. Tất cả những người trong cộng đồng khoa học, đặc biệt là những nhà khoa học trẻ đều có cơ hội như nhau trong việc tiếp cận và gửi đề xuất ý tưởng để được xét duyệt cấp kinh phí đầu tư hướng nghiên cứu đeo đuổi.

“Riêng với cá nhân, tôi đã may mắn và vinh dự được Hội đồng khoa học Nafosted đồng ý cấp kinh phí thực hiện đề tài sau khi hồ sơ ý tưởng nghiên cứu đề tài được gửi lên Quỹ và được xét duyệt tháng 4/2017. Với nguồn kinh phí tuy không nhiều nhưng là động lực quan trọng ban đầu làm đòn bẩy cho những công trình nghiên cứu đam mê sau này” – TS Sang nói và bày tỏ mong muốn gửi lời cảm ơn chân thành đến Quỹ vì đã tạo một sân chơi cho những nhà khoa học trẻ có cơ hội thực hiện khao khát nghiên cứu và cống hiến.

Cho rằng trước mắt với các nhà khoa học trẻ vẫn còn rất nhiều khó khăn để có thể triển khai ý tưởng nghiên cứu theo hướng chuyên ngành đam mê, trong đó Sang đặc biệt nhấn mạnh về thiết bị nghiên cứu, về cơ chế tài chính và chế độ đãi ngộ đã vô tình giới hạn niềm đam mê nghiên cứu và gây khó khăn cho việc triển khai thực hiện ý tưởng nghiện cứu khoa học.

Theo đó, TS Sang kiến nghị nhà nước cần tạo thêm nhiều sân chơi hơn như Quỹ Nafosted để các nhà khoa học trẻ có thêm cơ hội thử thách bản thân và triển khai thực hiện ý tưởng nghiên cứu. Đồng thời các Quỹ không nên giới hạn thời gian cũng như số lượng đề tài đã tham gia để các nhà khoa học trẻ vốn có nhiều hoài bão nhiệt huyết và sức trẻ có thể cống hiến nhiều hơn.

Tiến sĩ Võ Thanh Sang là Chủ nhiệm đề tài cấp Nhà nước đang triển khai: "Cơ chế bảo vệ của hợp chất phenolic từ trái Sim (Rhodomyrtus tomentosa) chống lại phản ứng dị ứng và xơ vữa động mạch thông qua con đường tín hiệu thụ thể IgE và histamine, định hướng ứng dụng trong dược phẩm”.

Thành viên nghiên cứu chính đề tài cấp Nhà nước đang triển khai: "Nghiên cứu khả năng ức chế matrix metalloproteinase và thu dọn các gốc tự do của một số dẫn xuất chitooligosaccharides trên hệ thống tế bào”.

Thành viên nghiên cứu đề tài cấp Nhà nước đang triển khai: "Nghiên cứu thành phần hóa học và hoạt tính ức chế quá trình tổng hợp hắc tố của loài ô dược (Lindera myrrha).

Thành viên nghiên cứu chủ chốt 02 đề tài cấp Bộ đang triển khai: "Nghiên cứu sử dụng mỡ động vật cho sản xuất sophorolipids bằng quá trình len men chủng Candida bombicola ứng dụng trong mỹ phẩm, 1/2017-12/2018", của Bộ Công Thương. Và đề tài: "Nghiên cứu sàng lọc các loài thực vật Việt Nam có hoạt tính làm trắng da, chống lão hóa ứng dụng trong mỹ phẩm, 1/2016 -12/2018", của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Chủ nhiệm 02 đề tài cấp cơ sở (01 đề tài đã nghiệm thu xuất sắc, 01 đề tài đang triển khai).

Thành viên nghiên cứu 01 chương trình hợp tác nước ngoài, đang triển khai của Chương trình Vườm ươm - Việt Á: "Xây dựng quy trình phát hiện nhanh kanamycin trong mẫu thực phẩm sử dụng DNA aptamer định hướng phát triển kít phát hiện nhanh kanamycin, 1/2017-12/2017".

Đã có 28 bài báo khoa học (14 bài tác giả chính) đã đăng trên các tạp chí thuộc danh mục ISI, tác giả chính 03 bài báo khoa học đã đăng trên các tạp chí quốc tế. Tác giả chính 05 và đồng tác giả viết 10 chương sách quốc tế.