Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Giám đốc Ban quản lý dự án ĐHN Ninh Thuận - cho biết, EVN đang nỗ lực triển khai công tác chuẩn bị hạ tầng cơ sở, chuẩn bị nguồn nhân lực xây dựng và vận hành hai nhà máy ĐHN đầu tiên ở Việt Nam.

Nỗ lực cho cơ sở hạ tầng

Liên quan đến công tác chuẩn bị xây dựng dự án Điện hạt nhân (ĐHN) Ninh Thuận 1 và 2, Chính phủ giao Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), Bộ Công Thương làm chủ đầu tư 4 dự án: Dự án nội địa hoá trong xây dựng thiết kế và chế tạo thiết bị nhà máy ĐHN tại Ninh Thuận; dự án trung tâm KH&CN hạt nhân; đề án thông tin và tuyên truyền về phát triển ĐHN ở Việt Nam và dự án di dân tái định cư của hai dự án nhà máy ĐHN tại Ninh Thuận.
Mô hình các nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam
Mô hình các nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam

Chính phủ cũng giao Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư, quản lý 6 dự án thành phần, bao gồm: Dự án ĐHN Ninh Thuận 1 và 2 công suất 4.000MW; dự án hạ tầng phục vụ thi công các nhà máy ĐHN tại Ninh Thuận; dự án khu quản lý, vận hành, khu chuyên gia và trụ sở ban quản lý dự án EVN; dự án trung tâm quan hệ công chúng về ĐHN và dự án đào tạo nguồn nhân lực cho các dự án này.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Giám đốc Ban quản lý dự án ĐHN Ninh Thuận - cho biết, EVN đang nỗ lực triển khai công tác chuẩn bị hạ tầng cơ sở, chuẩn bị nguồn nhân lực xây dựng và vận hành hai nhà máy ĐHN đầu tiên ở Việt Nam.

Về công tác đánh giá địa điểm, ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết “đã tuân thủ” theo thông tư 28/2011 của Bộ KH&CN quy định về yêu cầu an toàn hạt nhân đối với địa điểm nhà máy ĐHN. Sau khi đã thực hiện việc điều chỉnh quy hoạch, Ban quản lý dự án đã phối hợp với tỉnh Ninh Thuận tổ chức lễ công bố quy hoạch Nhà máy ĐHN Ninh Thuận 1 và công bố quy hoạch điều chỉnh vào ngày 6/7/2015.

Về tiến độ xây dựng nhà máy ĐHN đầu tiên, ngoài các hướng dẫn của IAEA, công tác chuẩn bị còn căn cứ vào các luật của Việt Nam, bao gồm Luật Xây dựng, Luật Năng lượng nguyên tử. Vì vậy, phải thực hiện từng bước dự án đầu tư liên kết kỹ thuật, hồ sơ mời thầu, xây dựng vận hành. Với quy mô, tầm quan trọng của dự án, với cơ cấu thành phần của hồ sơ và các quy định liên quan của Nghị định 70, dự kiến cuối 2019 sẽ có thiết kế kỹ thuật được phê duyệt, sau đó là thủ tục đấu thầu để lựa chọn nhà thầu. Dự kiến tiến độ đưa vào vận hành nhà máy là khoảng năm 2027 hoặc 2028.

An toàn và nhân lực: từng bước hiện thực hóa

Về Nhà máy ĐHN Ninh Thuận số 2, việc chọn địa điểm xây dựng cũng được tiến hành tương tự Ninh Thuận 1 và đến nay, tất cả hồ sơ cơ bản đã hoàn thành. Địa điểm được dịch chuyển về phía tây - nam khoảng 300m và cao trình 15m.

Việc lựa chọn địa điểm xây dựng Nhà máy ĐHN tuân thủ yêu cầu an toàn. Ảnh: NH
Việc lựa chọn địa điểm xây dựng Nhà máy ĐHN tuân thủ yêu cầu an toàn. Ảnh: NH

Theo cơ quan tư vấn, vị trí đảm bảo an toàn về địa chất, không vi phạm nguyên tắc loại trừ theo thông tư 28 của Bộ KH&CN. Quy hoạch đã được công bố vào ngày 16/7/2015.

Đến nay, hệ thống điện phục vụ công tác thi công Nhà máy ĐHN Ninh Thuận 1 đã hoàn thành, gồm đường dây 110kV mạch kép qua xã Phước Nam và Phước Dinh, huyện Thuận Nam và một trạm biến áp 110/22kV, 25MVA đặt tại thôn Sơn Hải 1, xã Phước Dinh trong khu vực xây dựng Nhà máy ĐHN Ninh Thuận 1.

Dự án hạ tầng phục vụ thi công các nhà máy ĐHN tại Ninh Thuận đã được khởi công ngày 12/12/2014 với 110kV và đường dây 110kV dự kiến hoàn thành vào tháng 12/2016.

Dự án quản lý, vận hành, khu chuyên gia và trụ sở ban quản lý được xây dựng tại phường Mỹ Bình, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm. EVN đang tổ chức lựa chọn nhà thầu thi công xây dựng, đền bù giải phóng mặt bằng và sẽ hoàn thành trong giai đoạn 2016-2017.

Dự án trung tâm quan hệ công chúng về ĐHN được xây dựng trên tổng diện tích 2ha nhằm mục đích giới thiệu tổng quan về năng lượng, về các loại hình chuyển đổi năng lượng ra điện năng và giải đáp những vấn đề liên quan đến ĐHN. Dự kiến dự án sẽ hoàn thành trong giai đoạn 2016-2017.

Theo ông Hùng, đào tạo nguồn nhân lực là vấn đề quan trọng đối với nhà máy ĐHN. Thời gian qua, EVN đã triển khai chiến lược, kế hoạch đào tạo đáp ứng nhu cầu vận hành và quản lý 2 nhà máy ĐHN với khoảng 2.400 người cho quy mô 4 tổ máy; trong đó 1.100 người cho quy mô 2 tổ máy và lực lượng quản lý vận hành khoảng 200 người.

Cũng theo ông Hùng, việc đào tạo này được thực hiện theo nhiều nguồn, có kết hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo để đào tạo sinh viên tốt nghiệp từ các trường có chuyên ngành ĐHN ở Liên bang Nga.

Đến năm 2015, có 323 sinh viên theo học ở Nga, trong đó 244 sinh viên đã cam kết làm việc cho EVN. EVN cũng đã hợp tác với IAEA thông qua các hội thảo đào tạo trực tiếp và gián tiếp.

Kết quả hợp tác đào tạo với Nhật Bản là 15 kỹ sư tốt nghiệp Đại học Tokai. Trong tương lai, mỗi năm có 20 kỹ sư tham gia khóa đào tạo ở Nhật Bản. Ngoài ra, một số khóa đào tạo nội bộ cũng đã được xây dựng để củng cố kiến thức về ĐHN cho tất cả thành viên ban quản lý.

Công tác thông tin đại chúng về ĐHN cũng được Ban quản lý dự án thực hiện xuyên suốt từ năm 2010 tới nay. Việc truyền thông được thực hiện thông qua hội nghị, triển lãm, tổ chức các đoàn đi thăm quan lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt để người dân nhận thức được rằng sự an toàn được đảm bảo theo quy định. Một quy chế phối hợp tuyên truyền tại nơi xây dựng nhà máy cũng được thực hiện.

Dự án Nhà máy ĐHN Ninh Thuận 1 có địa điểm tại thôn Vĩnh Trương, xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận. Diện tích chiếm đất trên bờ là 443ha, trên biển là 440ha, cao trình nhà máy là trên 12m so với mực nước biển. Nhà máy ĐHN Ninh Thuận 1 áp dụng công nghệ VEER 1.200 (AES 2006) thuộc thể loại lò hiện đại, đã được kiểm chứng bảo đảm an toàn.