Các nhà đầu tư vẫn cảm thấy “thiếu” và “cần” ngay giữa ngày hội khởi nghiệp quy tụ đến gần 300 trăm startup công nghệ đa dạng ngành nghề được Ban tổ chức lựa chọn cẩn thận.

Điều mà chúng tôi nghe được nhiều nhất ở Techfest 2019, Ngày hội khởi nghiệp Quốc gia, từ đại diện các tập đoàn lớn của Việt Nam, các nhà đầu tư, các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực là "chúng tôi tìm kiếm các startup công nghệ số, các ý tưởng đột phá" và lĩnh vực này hay lĩnh vực kia "còn nhiều khoảng trống lắm". Họ vẫn cảm thấy “thiếu” và “cần” ngay giữa một ngày hội khởi nghiệp quy tụ đến gần 300 trăm startup công nghệ đa dạng ngành nghề, được Ban tổ chức lựa chọn cẩn thận, chưa kể các startup đến dự nhưng không đăng ký gian hàng.

Sinh viên Đại học Bách Khoa chuẩn bị cho cuộc đua DeepRacing, đua các xe chạy dựa trên mô hình học máy, tại Techfest 2019.

Cơn khát các sản phẩm công nghệ số

Trong lĩnh vực viễn thông, “các Telco (tập đoàn viễn thông) đều có tiềm lực về tài chính, kênh thanh toán, mạng lưới phân phối rộng, v.v… nhưng những Telco lâu năm như VNPT vận hành một bộ máy rất cồng kềnh, chúng tôi cần những ý tưởng sáng tạo, áp dụng được những công nghệ của các bạn vào hệ thống để làm sao giảm được chi phí đầu tư, chi phí vận hành,” ông Hà Trung Dũng, Ban chiến lược sản phẩm của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), nói. “VNPT có hơn 30 triệu thuê bao di động, chúng tôi có thể hỗ trợ startup được cả về khách hàng, tài chính và kiến thức, nhưng chúng tôi cần những ý tưởng mới, mô hình kinh doanh mới.”

Một nguồn tin của Báo Khoa học và Phát triển mới đây cũng cho biết Viettel, nhà mạng lớn nhất của Việt Nam, đang tỏ ra rất nhiệt tình trong việc mua lại Medlink, startup phát triển website và ứng dụng di động kết nối các nhà thuốc và công ty dược vừa giành giải nhất tại Vietchallenge 2019.

Trên thế giới, các tập đoàn viễn thông lớn như SoftBank, nhà mạng của Nhật, cũng bỏ ra rất nhiều tiền để có chân trong các công ty và startup công nghệ trong mọi lĩnh vực chứ không riêng viễn thông (tuy nhiên SoftBank gần như không đầu tư vào các startup giai đoạn sớm).

Trong lĩnh vực tài chính, "Ngân hàng muốn chuyển đổi số và xây dựng công nghệ số thì không thể xây dựng một bộ máy cồng kềnh, tuyển nhiều người để xây dựng sản phẩm, chuyển đổi quy trình,” ông Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch HĐQT Liên Việt Postbank, nói. “Cho nên chắc chắn các ngân hàng đi theo hướng thứ hai, liên kết với đơn vị bên ngoài, các startup fintech. Đây là cả một thị trường rất lớn cho các bạn làm sản phẩm, kết hợp với ngân hàng để triển khai sản phẩm của mình.”

Ngành logistics cũng còn “khối lượng công việc khổng lồ mà startup có thể giải quyết”, theo ông Đào Trọng Khoa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA). Đây cũng là ngành mà Việt Nam xuất hiện một vài startup “có tiếng” như Abivin, Fastgo, Logivan. Tuy nhiên nếu bước vào một bưu cục của bất kỳ công ty giao hàng nào, bạn sẽ ngạc nhiên về khối lượng công việc vẫn đang được làm thủ công, từ xếp dỡ, kho bãi, dán nhãn, vận đơn, v.v… VLA đang “kêu gọi” startup đủ năng lực hợp tác thực hiện nhiều dự án, trong đó có nghiên cứu và phát triển các giải pháp số hóa các hoạt động cốt lõi của dịch vụ logistics, vì so với các ngành khác tốc độ chuyển đổi số của ngành logistics còn diễn ra khá chậm.

Nhìn rộng hơn, Việt Nam có khoảng 143 triệu thuê bao di động, số người dùng internet và số người dùng mạng xã hội khoảng 60 triệu, chiếm khoảng 64% dân số, đây là cơ hội để triển khai các công nghệ số và chuyển đổi số. Chúng ta cũng có nhân lực để khai thác cơ hội này, với số lượng sinh viên kỹ thuật nằm trong top 15 trên thế giới, vậy vướng mắc ở đâu trong việc tạo ra các sản phẩm công nghệ số?

Làm ra quan trọng hơn gia công

Phần lớn (48%) nhân lực trong lĩnh vực ICT của Việt Nam đang làm “gia công sản phẩm” chứ không phải “làm sản phẩm”, theo thống kê của Navigos Group Vietnam. “Việc chuyển từ gia công sang làm sản phẩm rất khó khăn, vì nó liên quan đến vấn đề mindset (tư duy), cách chúng ta triển khai các dự án và tư duy đổi mới sáng tạo,” PGS. TS. Tạ Hải Tùng, Giám đốc Trung tâm Quốc tế Nghiên cứu và Phát triển Công nghệ định vị sử dụng vệ tinh (NAVIS) thuộc Đại học Bách Khoa Hà Nội, nói. Gia công sản phẩm thì ngay lập tức giải quyết được nhiều bài toán về lực lượng lao động, nhưng giá trị gia tăng không nhiều và nếu không có các sản phẩm mới, hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam sẽ bỏ lỡ cơ hội tiếp nhận đầu tư.

“Nếu chúng ta tiếp tục chỉ lắp ráp thì không giải được bài toán năng suất lao động và thoát bẫy thu nhập trung bình,” Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nói khi tuyên bố chiến lược “Make in Vietnam” giữa năm nay, và ông cũng kêu gọi các sản phẩm “sáng tạo tại Việt Nam, làm ra tại Việt Nam, thiết kế tại Việt Nam, sản xuất tại Việt Nam”.

Để có nhiều “người làm sản phẩm” hơn, đòi hỏi phát triển nghiên cứu (các nhóm nghiên cứu mạnh hay các phòng thí nghiệm) ở các trường đại học, sinh viên ngay từ trường đại học đã có điều kiện học thông qua nghiên cứu và hình thành tư duy đổi mới sáng tạo, chứ không phải tư duy gia công, cũng như kiến thức nền tảng để tạo ra công nghệ mới, theo TS. Tạ Hải Tùng.

“Trong việc này, tôi đánh giá vai trò quỹ đầu tư của nhà nước là lớn nhất. Các nghiên cứu cơ bản (tại trường đại học) sẽ khó chuyển giao công nghệ ngay, nên sự đầu tư của nhà nước là rất quan trọng,” ông nói. “Tại Việt Nam, ngân sách nhà nước cho nghiên cứu khoa học tương đối hạn chế và đa phần là chi cho hệ thống chứ chưa chi trực tiếp cho các nhóm hay các đề tài nghiên cứu”, và như những trao đổi ngay tại Techfest thì có vẻ như cách đầu tư này đang để lại một cơn khát với các sản phẩm công nghệ mới.