Các nước phát triển như Pháp, Anh, Đức cũng nhiều năm đối mặt với tình trạng người tài trong nghiên cứu khoa học đi nhiều hơn đến. Với Việt Nam có chỉ số cạnh tranh tài năng toàn cầu thấp, việc ngăn “chảy máu chất xám” và thu hút người tài lại càng là thử thách lớn.

Khoa học và Phát triển xin giới thiệu bài viết của GS-TSKH Nguyễn Ngọc Trân - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội - về vấn đề này.

Nhân lực có trình độ cao là một hợp phần tạo nên sức cạnh tranh và đổi mới sáng tạo quốc gia. Vì vậy, đó là đối tượng của cạnh tranh toàn cầu. Việc giữ tài năng trong nước và thu hút tài năng từ nước ngoài có ý nghĩa lớn đối với sự phát triển. Xây dựng chính sách, giải pháp để cán cân tài năng có lợi nhất cho đất nước là một nhiệm vụ có tính chiến lược.

Nguồn nhân lực và sức cạnh tranh quốc gia

Trong 12 trụ cột mà Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) dùng để tính chỉ số cạnh tranh toàn cầu (GCI - do WEF công bố hằng năm) có 5 yếu tố liên quan đến nguồn nhân lực: Sức khỏe và giáo dục tiểu học, giáo dục đại học và dạy nghề, hiệu quả của thị trường lao động, sẵn sàng đáp ứng về công nghệ, đổi mới công nghệ. Điểm số đánh giá từ 1 đến 7.

Thách thức trong việc nâng chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam được nhận diện qua phân tích biểu đồ 1. Chỉ số sức khỏe và giáo dục tiểu học cao nhất trong 5 chỉ số. Chỉ số hiệu quả của thị trường lao động giảm liên tục từ năm 2010.

10 luồng di chuyển lớn nhất các nhà sáng chế trên thế giới từ 2001-2010. Nguồn: Wipo 2013, database of migrant inventors

Hai chỉ số sẵn sàng đáp ứng về công nghệ và đổi mới công nghệ - phản ánh giai đoạn phát triển của nền kinh tế, sự tham gia của nguồn nhân lực có trình độ cao vào nền kinh tế - đều dưới điểm trung bình trong suốt 11 năm. Chỉ số giáo dục đại học và dạy nghề tuy tăng đều nhưng điểm số không cao. Chỉ số này có ý nghĩa quan trọng đối với chỉ số GCI bởi lẽ ngoài đóng góp trực tiếp, nó còn tác động gián tiếp thông qua các chỉ số hiệu quả của thị trường lao động và đổi mới công nghệ.

So sánh với các nước ASEAN, chỉ số giáo dục tiểu học của Việt Nam chỉ kém Malaysia và Singapore với khoảng cách khá lớn (5,22 so với 5,759 và 6,573). Singapore có cùng điểm xuất phát năm 2006 với Thái Lan và Việt Nam, kém Malaysia 0,7 điểm, nhưng từ năm 2010 đến 2016, nước này vượt qua Malaysia 0,81 điểm và bỏ xa Việt Nam đến 1,35 điểm.

Chỉ số giáo dục đại học và dạy nghề của Việt Nam chỉ cao hơn Campuchia (4,11 so với 2,884) và cách khá xa các nước ASEAN khác (từ 4,502-6,294). Nếu không có sự chuyển biến cơ bản, quyết liệt và có hiệu quả thì sẽ khó lòng thu hẹp khoảng cách ngay trong ASEAN trong lĩnh vực giáo dục đại học và dạy nghề.

Về chỉ số đổi mới công nghệ, có khoảng cách khá xa giữa Việt Nam với các nước ASEAN. Việt Nam chỉ cao hơn Campuchia - 3,511 so với 3,270, các nước khác có chỉ số này từ 3,537-6,136. Trong khi đó, tri thức đang trở thành động lực ngày càng quan trọng của phát triển kinh tế.

Nguồn nhân lực và đổi mới sáng tạo quốc gia

Chỉ số sáng tạo toàn cầu - Global Innovation Index (GII), do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), Đại học Cornell, Mỹ và Học viện kinh doanh Insead, Pháp xác lập và công bố hằng năm. Năm 2016 được tính từ 7 trụ cột: Thể chế, nguồn nhân lực và nghiên cứu, kết cấu hạ tầng, độ tinh vi của thị trường, độ tinh vi trong kinh doanh, đầu ra về tri thức và công nghệ, đầu ra có tính sáng tạo; điểm số từ 1 đến 100.

Chỉ số phụ đầu vào cho sáng tạo (Innovation Inputs Sub-index - IISI) là trung bình cộng của 5 trụ cột đầu. Chỉ số phụ đầu ra cho sáng tạo (Innovation Outputs Sub-Index - IOSI) là trung bình cộng của 2 trụ cột cuối. GII là trung bình cộng của 7 trụ cột. Chỉ số hiệu suất sáng tạo (Innovation Efficiency Index) là tỷ lệ IOSI/IISI.

Diễn biến của 5 chỉ số về nguồn nhân lực của Việt Nam (điểm số đánh giá từ 1 đến 7).

So sánh với 7 nước ASEAN, năm 2016, chỉ số sáng tạo toàn cầu của Việt Nam đứng sau Singapore, Malaysia và Thái Lan, chỉ số hiệu suất sáng tạo (Inn.Efficiency Ratio - IER) là, 0,84 - xếp thứ 11 trên tổng số 128 nước, cao hơn 6 nước ASEAN khác, kể cả Singapore.

Cuộc chiến giành giật tài năng

Trong 10 năm từ 2001- 2010, 10 luồng di chuyển lớn nhất của các nhà sáng chế trên thế giới, hướng đến Mỹ, sau đó là Nhật, Singapore, Đức (xem hình lớn) - theo dữ liệu của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO).

Theo cùng nguồn dữ liệu, cùng thời gian này, trong 27 nước được phân tích, chỉ có 5 nước là Mỹ, Thụy Sỹ, Singapore, Bỉ và Phần Lan có cán cân các nhà sáng chế đến - đi thặng dư, 3 nước cân bằng là Nhật Bản, Thụy Điển và Hà Lan, còn lại là âm, sâu nhất là 5 nước Trung Quốc, Ấn Độ, Canada, Italy, Nga.

Ở lĩnh vực giảng dạy đại học và nghiên cứu khoa học, theo Tổ chức DZHW (Đức), trong giai đoạn từ 1999-2013, cán cân đến - đi của các giảng viên và nhà nghiên cứu của Mỹ nghiêng dần theo hướng xấu: Từ chỗ thặng dư 79% (1993-2003) giảm còn 4% (2004-2008) rồi xuống -16% (2009-2013). Canada và Trung Quốc có cán cân âm trong thời gian đầu, nhưng đã trở thành thặng dư trong những năm 2009-2013 (Trung Quốc 55%, Canada 10%). Đức, Pháp có cán cân âm suốt 14 năm và diễn biến xấu nhất là Anh với chỉ số từ -20 xuống -55%.

Tại sao các tài năng ra đi? Nguyên nhân thể hiện trong 6 chỉ số trụ cột của chỉ số cạnh tranh tài năng toàn cầu (GTCI) gồm: Tạo điều kiện, thu hút, tăng trưởng, giữ chân, lao động và kỹ năng nghề, kỹ năng sử dụng kiến thức chung; điểm số từ 1 đến 100.

Ở Việt Nam, trong ba năm 2013-2015, ngoài trụ cột 1 tăng đều, 5 trụ cột còn lại đều trồi sụt. Trên tổng số 109 nước, năm 2015, Việt Nam đứng ở thứ hạng 82, Thái Lan 69, Philippines 56, Malaysia 30, Singapore 2. Ở khu vực Đông Nam Á, Việt Nam chỉ cao hơn Indonesia (90) và Campuchia (94).

Theo bảng chỉ số GTCI của 109 nước năm 2015 của WIPO, Đại học Cornell và Viện Insead tính toán, chỉ số này của Việt Nam là 37,73, trong khi Singapore là 71,46, Nhật Bản 60,98, Anh 66,6, Đức 63,85, Mỹ 67,9… Chỉ số thu hút của Việt Nam cũng kém xa các nước này với khoảng cách tương tự.

Ứng phó của quốc gia

“Cuộc chiến” giành giật tài năng giữa các quốc gia ngày càng quyết liệt. Giữ và hút tài năng đòi hỏi chính sách, chiến lược và biện pháp cụ thể. Nhiệm vụ ứng phó của các quốc gia trong bối cảnh đó - theo tác giả - là tạo môi trường thuận lợi để giữ tài năng ở lại và mặt khác thu hút tài năng, sao cho cán cân tài năng giữa phần “chảy đi” và phần “thu hút về” trở nên có lợi nhất cho đất nước về mặt số lượng cũng như về chất lượng.

Chiến lược di chuyển quốc tế của Đức được triển khai từ năm 2014 với nhiều giải pháp cụ thể: Mở trang mạng giới thiệu về học tập và nghiên cứu ở Đức; lập dự án hỗ trợ các trường đại học Đức trong việc mở rộng ra quốc tế; mở cổng thông tin mạng (thuộc Bộ Giáo dục và Nghiên cứu) về nghiên cứu ở Đức, cung cấp bức tranh tổng quan về nghiên cứu khoa học ở Đức, giúp cho các nhà khoa học và nghiên cứu viên các nước quyết định việc hợp tác với các tổ chức nghiên cứu ở Đức, hoặc đến đây làm việc; xây dựng mạng lưới GAIN dành cho các nhà nghiên cứu Đức đang làm việc tại Bắc Mỹ, diễn đàn trao đổi, thông tin về các hội nghị thường niên, các xêmina được tổ chức tại Đức...

Nhìn ra thế giới, trông người và nghĩ đến mình, tác giả mong bài viết này mang đến cho những người có trách nhiệm và những ai quan tâm một ít chất liệu ban đầu để khơi luồng suy nghĩ, từ đó hiến kế với Nhà nước về tầm nhìn, chính sách, chiến lược và những biện pháp để cán cân tài năng có lợi nhất cho đất nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cạnh tranh - trong đó có cạnh tranh tài năng - toàn cầu.