Để ngành chăn nuôi đứng vững trong thị trường nội địa, đồng thời mở rộng ra thị trường thế giới, việc ứng dụng công nghệ cao và liên kết chuỗi là việc cần làm ngay hiện nay, giúp giải quyết công ăn việc làm cho người lao động và nâng cao nguồn thu cho nông dân.

Sử dụng hệ thống chuồng kín, làm mát trong các trại chăn nuôi lợn - Ảnh: Tú Mai
Sử dụng hệ thống chuồng kín, làm mát trong các trại chăn nuôi lợn - Ảnh: Tú Mai

Ít áp dụng công nghệ cao, thiếu liên kết chuỗi

Theo ông Tạ Văn Tường, Giám đốc Trung tâm chăn nuôi Hà Nội, trong những năm qua, thành phố Hà Nội đã có định hướng phát triển chăn nuôi theo hướng ổn định, bền vững, hiệu quả như đã hình thành các vùng chăn nuôi chuyên canh, tập trung (đến nay đã xây dựng được 69 xã chăn nuôi trọng điểm). Hàng năm, các xã trọng điểm và trại chăn nuôi quy mô lớn cung cấp cho thị trường 160 nghìn tấn thịt hơi, 610 triệu quả trứng và 870 nghìn lợn giống, 35 triệu gia cầm, thủy cầm giống… Quy hoạch giết mổ gia súc, gia cầm, tổ chức lại sản xuất theo hướng hình thành các chuỗi liên kết, gắn chăn nuôi với tiêu thụ sản phẩm, tập trung sản xuất con giống chất lượng cao.

Thực tế cho thấy, hiện nay, các trại chăn nuôi trên địa bàn Hà Nội mới chủ yếu ứng dụng một phần công nghệ cao. Cụ thể, tỷ lệ sử dụng trang thiết bị ứng dụng công nghệ cao đối với các trang trại chăn nuôi bò sữa có 78% sử dụng hệ thống chống nóng và 85% trại chăn nuôi bò sữa có máy vắt sữa. Đối với bò thịt có 47% trại chăn nuôi đã sử dụng hệ thống chống nóng; trong chăn nuôi lợn cũng có 40% trang trại, hộ chăn nuôi sử dụng hệ thống chuồng kín, làm mát, tỷ lệ này là 35% đối với chăn nuôi gà.

Mặc dù đạt được một số kết quả nhất định, song nông nghiệp công nghệ cao ở Hà Nội còn bộc lộ nhiều hạn chế, do một số nguyên nhân như chi phí đầu tư ứng dụng công nghệ cao phải cần đến nguồn vốn đầu tư lớn, nguồn nhân lực tham gia vào hoạt động chăn nuôi còn hạn chế về trình độ chuyên môn…

Việc phát triển chăn nuôi gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm cũng đã được bắt đầu triển khai từ năm 2012. Đến nay, Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội đã tư vấn, xây dựng được 19 chuỗi liên kết chăn nuôi tiêu thụ sản phẩm, với hơn 3,4 nghìn thành viên tham gia, tổng cộng có 30 điểm giao dịch, hơn 1,3 nghìn đại lý, điểm tiêu thụ sản phẩm. Trung bình mỗi ngày, các chuỗi liên kết tham gia tiêu thụ 392 nghìn quả trứng; 22,35 tấn thịt lợn; 10,75 tấn gia cầm, 150 kg thịt bò, 100 tấn sữa. Các chuỗi liên kết trên tạo công ăn việc làm cho trên 4 nghìn lao động với trên 3 nghìn trại, trang trại tham gia và cung cấp cho các siêu thị (BigC, Metro, Vinmart, Fivimart…).

Tuy nhiên, sự gắn kết giữa các chuỗi liên kết hiện nay vẫn còn hạn chế, chưa phát huy được hết tiềm lực của các chuỗi. Điều đó thể hiện trong gắn kết giữa người chăn nuôi với người chăn nuôi gây ảnh hưởng đến việc xây dựng kế hoạch sản xuất chăn nuôi, chất lượng cũng như sản lượng sản phẩm chăn nuôi. Hay trong liên kết giữa doanh nghiệp và người chăn nuôi cũng chưa có sự hợp tác từ khâu lên kế hoạch sản xuất kinh doanh, mới chỉ dừng lại hợp tác ở giai đoạn tiêu thụ sản phẩm, do đó người chăn nuôi vẫn chưa chủ động trong khâu chăn nuôi, còn doanh nghiệp bị động trong khâu tiêu thụ sản phẩm…

Ngoài ra, hiện nay các chính sách về liên kết chuỗi từ chăn nuôi đến tiêu thụ sản phẩm còn hạn chế: các tỉnh, thành phố chưa có cơ chế, chính sách riêng cho việc xây dựng và phát triển các chuỗi liên kết chăn nuôi tiêu thụ sản phẩm nên đã gây trở ngại lớn đến các hoạt động cần kinh phí để triển khai xây dựng chuỗi liên kết.

Trước tình hình Việt Nam chuẩn bị tham gia Hiệp định đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), việc hội nhập vừa giúp ngành chăn nuôi có cơ hội tiếp cận được với khoa học công nghệ mới, giống mới, sản phẩm mới cũng như làn sóng đầu tư mới vào ngành chăn nuôi, chế biến. Tuy nhiên, ngành chăn nuôi cũng sẽ gặp những “tổn thương” do thuế suất nhập khẩu các mặt hàng thịt sẽ giảm từ 5% xuống còn 0%, càng nới rộng khoảng cách về giá cả sản xuất sản phẩm trong nước với nhập khẩu.

Thực tế hiện nay, giá sản xuất ra 1 kg sản phẩm của Việt Nam cao hơn một số nước trên thế giới. Cụ thể như chi phí sản xuất thịt gà tại Malaysia 1,15 USD/kg; Ấn Độ 1,1 USD/kg; Hàn Quốc 1,34 USD/kg… trong khi của Việt Nam là 1,6 USD/kg, giá thịt bò hơi từ Australia nhập khẩu về đến Việt Nam cũng chỉ từ 2,4-3 USD/kg, trong khi giá sản xuất trong nước là 65-75 nghìn đồng/kg; giá sản xuất ra sản phẩm thịt lợn tại Mỹ đã rẻ hơn ở Việt Nam khoảng 40%. Giá thành sản xuất sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam cao hơn thế giới do giá thức ăn tại Việt Nam cao hơn thế giới từ 15-20% vì 50% nguyên thức ăn là nhập khẩu.

Xác định ứng dụng công nghệ cao là giải pháp then chốt

Vì vậy, để nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế thành công, việc ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi và tổ chức liên kết chăn nuôi-tiêu thụ là hai giải pháp quan trọng mang tính chất quyết định tới sự thành công của việc phát triển chăn nuôi trong thời kỳ hội nhập.

Vì ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi được coi là khâu then chốt, đột phá nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm chăn nuôi từ 15-20%, từ đó giúp giảm giá thành sản xuất sản phẩm tăng sức cạnh tranh của sản phẩm chăn nuôi Hà Nội với các sản phẩm nhập khẩu. Và việc tổ chức lại sản xuất chăn nuôi theo chuỗi giá trị, chuỗi ngành hàng, thông qua liên kết con giống với hộ chăn nuôi thương phẩm, sẽ giúp chủ động về số lượng cũng như chất lượng con giống; liên kết giữa hộ chăn nuôi với nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi sẽ góp phần hạ giá thành sản phẩm 7-9%, do không phải thông qua đại lý cấp 1,2,3…

Và khi các chuỗi liên kết được hình thành thì sẽ truy xuất được nguồn gốc sản phẩm, xây dựng nhãn hiệu, tăng cường quảng bá thông tin tuyên truyền về sản phẩm, giúp gia tăng giá trị cho sản phẩm, và làm tăng sức cạnh tranh.

Bên cạnh việc ứng dụng công nghệ cao và liên kết chuỗi, Hà Nội còn thực hiện tái cơ cấu theo hướng chuyển dịch từ chăn nuôi quy mô nhỏ sang quy mô lớn; chuyển đổi hoặc thu hút doanh nghiệp, trang trại chăn nuôi con giống theo hướng xây dựng tháp giống. Chuyển dịch từ chuỗi chăn nuôi, chế biến, giết mổ tiêu thụ sản phẩm truyền thống cắt đoạn sang chuỗi liên kết chăn nuôi chế biến tiêu thụ sản phẩm hoàn chỉnh có nhãn hiệu sản phẩm, sản phẩm chăn nuôi được chế biến theo quy trình hiện đại với sản phẩm là thịt mát, thịt cấp đông và chế biến sâu. Truy xuất được nguồn gốc sản phẩm và sản xuất thực phẩm an toàn có nguồn gốc xuất xứ sẽ là lợi thế và giúp chăn nuôi Hà Nội đứng vững trước sóng TPP.

Theo số liệu của Cục thống kê Hà Nội năm 2014, tổng đàn trâu có 24 nghìn con, đàn bò 140,5 nghìn con. Tổng sản lượng thịt hơi gia súc, gia cầm xuất chuồng đạt 390 nghìn tấn, sản lượng sữa bò tươi đạt 32 nghìn tấn, sản lượng trứng gia cầm các loại 1,1 tỷ quả. Giá trị sản xuất chăn nuôi theo giá hiện hành đạt 20.235 tỷ đồng (chiếm 50% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp).