Việc ứng dụng khoa học và công nghệ sẽ giúp doanh nghiệp có được quy trình sản xuất hợp lý hơn, mức độ tự động hóa của dây chuyền sản xuất cao hơn, năng suất lao động sẽ nâng lên so với quy trình cũ.

Trước đây, các nhà đầu tư nước ngoài nghĩ Việt Nam có nhân công giá rẻ, tiền lương thấp. Khi đầu tư vào Việt Nam, họ hy vọng tỷ trọng chi phí cho nhân công trong sản phẩm sẽ thấp và có sức cạnh tranh cao.

Tuy nhiên, dần dần họ nhận ra rằng tiền lương có thể rất thấp, nhưng vì năng suất lao động còn thấp hơn nên thực tế chi phí nhân công của doanh nghiệp ở Việt Nam vẫn cao hơn đầu tư vào các nước khác.

Ví dụ, công nhân Việt Nam có mức lương trung bình bằng 1/5 Singapore, nhưng năng suất lao động chỉ bằng 1/15 của họ (theo Tổ chức Lao động quốc tế). Nghĩa là chi phí nhân công trong sản phẩm sản xuất tại Việt Nam vẫn cao gấp 3 lần so với Singapore.

Ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất sẽ làm tăng mức độ năng suất lao động.

Điều đó khiến các nhà đầu tư nhận ra nhân công giá rẻ không còn là yếu tố hấp dẫn nữa. Tình trạng năng suất lao động thấp hơn nhiều lần so với một số nước trong khu vực là một trong những yếu tố khiến đầu tư nước ngoài vào Việt Nam gần đây có biểu hiện chững lại.

Việc nâng cao năng suất lao động phụ thuộc vào trình độ công nghệ của doanh nghiệp và của mỗi quốc gia. Khi ứng dụng khoa học và công nghệ (KH&CN), chúng ta có được quy trình sản xuất hợp lý hơn, mức độ tự động hóa của dây chuyền sản xuất cao hơn, năng suất lao động sẽ nâng lên so với quy trình cũ.

Trong 5 năm qua, Bộ KH&CN đã có nhiều hoạt động giúp các doanh nghiệp nâng cao năng suất lao động, trong đó có việc hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế ISO.

Đây là quy trình quản lý tiên tiến, hợp lý hóa tất các khâu trong hệ thống sản xuất của một doanh nghiệp - từ khâu quản lý đến tạo ra sản phẩm. Thời gian qua, Bộ KH&CN đã trình Chính phủ các chương trình quốc gia về KH&CN để hỗ trợ các doanh nghiệp trong đổi mới công nghệ và tăng năng suất lao động.

Đáng chú ý là chương trình Đổi mới công nghệ quốc gia, hỗ trợ cho các doanh nghiệp đổi mới công nghệ. Theo đó, tốc độ đổi mới công nghệ phải đạt khoảng 20%/năm để đuổi kịp trình độ các nước trong khu vực và thế giới.

Với chương trình quốc gia Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020, Nhà nước sẽ hỗ trợ để tiếp nhận công nghệ, thuê chuyên gia, huy động các nhà khoa học, viện, trường đồng hành cùng doanh nghiệp; còn doanh nghiệp phải có vốn đối ứng và dự án để đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất lao động.

Bên cạnh đó còn có chương trình quốc gia Phát triển công nghệ cao đến năm 2020, chương trình Sản phẩm quốc gia đến năm 2020, chương trình Hợp tác quốc tế về KH&CN, chương trình Nông thôn, miền núi, chương trình Hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ…

Theo các chuyên gia, nếu chúng ta làm tốt tất cả các công việc đó, Việt Nam sẽ sớm có năng suất lao động cao, nhiều sản phẩm với tính cạnh tranh cao hơn, tự tin bước vào hội nhập cộng đồng kinh tế ASEAN cũng như thế giới.