Việt Nam có dân số 91,5 triệu dân, việc ứng dụng năng lượng nguyên tử sẽ ngày càng nhiều hơn để đáp ứng nhu cầu phát triển. Từ ứng dụng trong công nghiệp, nông nghiệp, tới y tế… đều gắn bó mật thiết với đời sống mỗi người dân.

Phát biểu khai mạc “Hội thảo quốc gia lần II về ứng dụng năng lượng nguyên tử phục vụ phát triển kinh tế - xã hội” sáng 13/10, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc đã nhấn mạnh vai trò của việc ứng dụng năng lượng nguyên tử phục vụ phát triển kinh tế cũng như nâng cao chất lượng đời sống của người dân. Hội thảo do Cục Năng lượng Nguyên tử tổ chức trong 2 ngày 13-13/10 tại Hà Nội.

Thứ trưởng Phạm Công Tạc phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: Huy Hùng.
Thứ trưởng Phạm Công Tạc phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: Huy Hùng.

Tại hội thảo, các báo cáo từ đại diện các ngành công nghiệp, nông nghiệp, y tế… đã đánh giá những thành tựu đạt được trong giai đoạn 2011-2016 cũng như nêu bật kết quả nghiên cứu và ứng dụng năng lượng nguyên tử phục vụ trực tiếp, hiệu quả cho phát triển kinh tế - xã hội.

Theo Thứ trưởng Phạm Công Tạc, nhìn lại đóng góp của năng lượng nguyên tử cho sự phát triển của con người có thể nói, đây là một ngành rất mới. “Thế giới sẽ khó hình dung được nếu như không có những ứng dụng từ năng lượng nguyên tử. Đối với những nước phát triển, việc ứng dụng năng lượng rất rộng, song các nước đang phát triển như Việt Nam việc ứng dụng cũng đang ngày càng phổ biến và mỗi người dân dần ý thức được điều đó” – Thứ trưởng nhấn mạnh.

Dẫn con số của Tổng cục Thống kê về dân số hiện tại của Việt Nam 91,5 triệu dân, Thứ trưởng Phạm Công Tạc cho rằng đây sẽ là “thị trường” tiềm năng cho việc ứng dụng năng lượng nguyên tử.

Báo cáo tại hội thảo, TS. Hoàng Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Năng lượng nguyên tử cũng đưa ra nhiều con số minh họa cho những kết về phát triển, ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ trong các lĩnh vực: y tế, nông nghiệp, công nghiệp, tài nguyên và môi trường giai đoạn 2011-2016.

TS Hoàng Anh Tuấn báo cáo tại hội thảo. Ảnh: Huy Hùng.
TS Hoàng Anh Tuấn báo cáo tại hội thảo. Ảnh: Huy Hùng.

Theo đó, trong y tế, ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ được sử dụng chủ yếu ở ba lĩnh vực là y học hạt nhân, xạ trị và điện quang.

Về y học hạt nhân, hiện cả nước có 32 cơ sở y học hạt nhân, chủ yếu tập trung ở các tỉnh/thành phố lớn (về số lượng đáp ứng được 65% so với mục tiêu đến năm 2015 của Chiến lược). Trang bị của y học hạt nhân có 43 thiết bị xạ hình (35 máy SPECT và SPECT/CT, 8 PET/CT), đạt tỷ lệ khoảng 0,47 máy/1 triệu dân. Để đáp ứng mục tiêu của Chiến lược đến năm 2020 đạt tỷ lệ 01 thiết bị xạ hình/1 triệu dân, cần trang bị thêm khoảng 60 máy xạ hình.

“Các kỹ thuật xạ hình bằng SPECT & SPECT/CT đối với ung thư và di căn, các bệnh tim mạch, hệ tiêu hoá, xương khớp, hô hấp... đã và đang được thực hiện có kết quả cho hàng ngàn bệnh nhân mỗi năm. Một số bệnh viện có số bệnh nhân xạ hình SPECT trung bình từ 2000 - 3000 ca/năm” – TS Tuấn dẫn thông tin.

Hay như trong nông nghiệp việc ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ được triển khai 4 trong tổng số 6 lĩnh vực, bao gồm: chọn tạo giống cây trồng; nông hóa, thổ nhưỡng; bảo vệ thực vật; bảo quản và chế biến.

Trong công nghiệp việc ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ cũng rất phong phú. Thực tế ứng dụng kỹ thuật Tracer trong công nghiệp và các ngành tế - kỹ thuật đã đạt được một số kết quả bao gồm việc thiết lập được công nghệ khảo sát cho các pha dầu, nước và khí với hơn 20 chất khác nhau, xây dựng các được các thuật toán và chương trình tính toán mô phỏng được IAEA và nhiều nước đánh giá cao; triển khai kỹ thuật đánh dấu trên các mỏ dầu ở Việt Nam và xuất khẩu dịch vụ sang nước ngoài như Kuwait, Angola và gần đây đang mở kênh dịch vụ sang Malaysia và các nước trong khu vực.

Nhằm đẩy mạnh các hoạt động quản lý, nghiên cứu và ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, Cục Năng lượng nguyên tử đã đưa ra một số các giải pháp, trong đó có việc tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách và kiện toàn quản lý nhà nước.

“Hiện nay, Bộ KH&CN được giao chủ trì xây dựng Luật NLNT sửa đổi, theo kế hoạch sẽ trình Quốc hội xem xét, ban hành vào năm 2018. Ngoài những nội dung cần sửa đổi, bổ sung liên quan đến đảm bảo an toàn, an ninh và thanh sát hạt nhân, cần nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung một số nội dung liên quan đến cơ chế, chính sách, biện pháp thúc đẩy phát triển khoa học và công nghệ hạt nhân, ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ trong các ngành kinh tế xã hội” – TS Tuấn cho biết.

Bên cạnh đó đẩy mạnh đầu tư nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ hạt nhân, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cũng như tăng cường hợp tác trong nước và quốc tế cũng được TS Tuấn nêu rõ trong phần kiến nghị giải pháp.