Hiện nay có nhiều cá nhân, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp như cố vấn, huấn luyện viên khởi nghiệp, cơ sở ươm tạo, không gian làm việc chung… Nhìn vào các thành phần dần hình thành đầy đủ, tôi thấy lạc quan về sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam hiện nay.

Gần đây, Chính phủ đã ban hành các chính sách và luật pháp tạo điều kiện thuận lợi cho khu vực khởi nghiệp, như “Đề án hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ có hiệu lực thi hành từ 1/1/2018 và gần đây là dự thảo về Quỹ Đầu tư mạo hiểm cho khởi nghiệp sáng tạo.

Về mặt vốn, tài chính hỗ trợ khởi nghiệp, Việt Nam cũng bắt đầu xuất hiện các nhà đầu tư thiên thần, hình thức gọi vốn cộng đồng, tập đoàn đầu tư mạo hiểm trong nước, bên cạnh các quỹ đầu tư đã mạo hiểm nước ngoài.

Ông Trần Hữu Đức - Giám đốc Quỹ đầu tư mạo hiểm FPT Ventures.
Ông Trần Hữu Đức - Giám đốc Quỹ đầu tư mạo hiểm FPT Ventures.

Thêm vào đó, hiện nay cũng có nhiều cá nhân, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp như cố vấn, huấn luyện viên khởi nghiệp, cơ sở ươm tạo, các không gian làm việc chung để thử nghiệm, xây dựng sản phẩm mẫu… Nhìn vào các thành phần dần hình thành đầy đủ, tôi thấy lạc quan về sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam hiện nay.

Tuy nhiên để có được những startup tốt hơn và huy động được lượng vốn đầu tư lớn từ nước ngoài, tôi nghĩ chúng ta cần làm tốt hơn năm yếu tố sau:


1.
Những người làm công nghệ không phải lúc nào cũng nắm rõ các vấn đề xã hội. Chính vì vậy, cần hình thành các kênh kết nối giữa những tổ chức nhà nước, doanh nghiệp đang gặp các vấn đề trong điều hành, sản xuất, kinh doanh với những người làm công nghệ để tạo ra những giải pháp đổi mới sáng tạo. Nhất là trong thời điểm hiện nay, có rất nhiều vấn đề về y tế, giáo dục, giao thông vận tải mà Nhà nước nên tạo điều kiện cho các startup tham gia giải quyết.

2. Để có những giải pháp tốt, startup tốt, cần có nguồn nhân lực tốt. Một trong những giải pháp trước mắt là thu hút những nhân tài Việt Nam ở nước ngoài.

3. Cần có nghiên cứu, báo cáo đánh giá cụ thể và thường kỳ về mức độ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam để xác định những gì đã làm tốt, những gì chưa làm được; xây dựng các chương trình hỗ trợ cần phải tập trung vào những điểm gì. Với cách làm như hiện nay, “mỗi người một góc”, “biết việc của mình” mà không thể nhìn được bức tranh toàn thể có thể dẫn đến lãng phí nguồn lực.

4. Cần khuyến khích các doanh nghiệp lớn cố vấn, ươm tạo, sử dụng dịch vụ và thậm chí mua lại các startup. Điều này không chỉ tạo ra văn hóa “người đi trước hướng dẫn người đi sau”, nâng cao năng lực quản trị của các startup mà còn tạo cơ hội thoái vốn cho những nhà đầu tư, khiến thị trường đầu tư mạo hiểm của Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn.

5. Cần tăng cường hợp tác khu vực trong việc ươm tạo, tổ chức sự kiện,… để các startup Việt Nam có cơ hội và điều kiện mở rộng quy mô thị trường.