Thời gian vừa qua, tôi nhận thấy Quỹ Nafosted đã có tiếp xúc với vài quỹ về khoa học và công nghệ ở một số nước, nhưng có lẽ vẫn chưa đủ, mà cần mở rộng hợp tác quốc tế hơn nữa để mở rộng tầm ảnh hưởng của mình.

GS.TS Phạm Quang Minh.

Ví dụ nên tiếp xúc với các quỹ như Quỹ Nghiên cứu khoa học Đức (DFG), Fulbright của Mỹ… Để họ thấy được Việt Nam có một quỹ hướng tới tôn chỉ là tài trợ cho những nghiên cứu xuất sắc.

Để mở rộng tầm ảnh hưởng của Quỹ Nafosted, chúng ta không nên chỉ tài trợ cho các nhà nghiên cứu là người Việt, ở trong nước, mà có thể mở rộng tài trợ cho những nghiên cứu của người nước ngoài. Khi đó, những nhà nghiên cứu đã có uy tín quốc tế, được nhận tài trợ có thể sẽ xây dựng được công trình xuất sắc được ghi nhận ở nước ngoài. Bởi vì, như theo dõi của tôi, ít nhất trong 10 năm qua, các giải thưởng ở nước ngoài dành cho các nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn về Việt Nam chỉ được trao giải cho các học giả ngoài Việt Nam, mà chưa có một người Việt Nam nào được giải. Nếu các đề tài do Quỹ Nafosted tài trợ mà có người nước ngoài nghiên cứu hoặc kết hợp với người Việt Nam nghiên cứu và được giải, gây được tiếng vang ở nước ngoài thì sẽ nâng cao uy tín của Quỹ Nafosted.

Ngoài ra, Quỹ Nafosted cũng nên hướng tới khuyến khích những đề xuất nghiên cứu của người Việt Nam hợp tác với nước ngoài và coi đó như là tiêu chí quan trọng để khuyến khích hợp tác quốc tế và hợp tác liên ngành. Điều này là cần thiết bởi vì sự hợp tác của chúng ta với nước ngoài còn rất kém. Ví dụ, trường ĐH KHXH&NV có hơn 200 công bố quốc tế thì chỉ có 5 công bố quốc tế với người nước ngoài, và phần lớn các nghiên cứu cũng chỉ là đơn ngành.