Theo Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh, xung quanh việc kiểm tra chuyên ngành, Bộ KH&CN đóng vai trò là cơ quan chủ trì và "nhạc trưởng" của Luật Đo lường, Luật Tiêu chuẩn, Quy chuẩn kỹ thuật, Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa.

Tuy nhiên, để thực hiện được vai trò “nhạc trưởng”, Bộ KH&CN mong muốn phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban, ngành liên quan trong những chặng đường tiếp theo.


Trong thời gian tới, Bộ KH&CN xác định thực hiện một số giải pháp sau:

1. Tiếp tục thực hiện nghiêm túc, bảo đảm chất lượng và tiến độ thực hiện các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.

2. Phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành tiếp tục hoàn thành các văn bản quy phạm pháp luật quy định rõ cơ chế kiểm tra tiền kiểm, hậu kiểm đối với việc kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa; quy định rõ cơ chế miễn kiểm tra sản phẩm, hàng hóa nhập khẩu; hoàn thiện pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng để các bộ, ngành có căn cứ triển khai.

3. Đầu mối thẩm định quy chuẩn Việt Nam (QCVN) về sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 theo hướng QCVN cần quy định cụ thể biện pháp quản lý, xem xét tính hợp lý hay không hợp lý của các biện pháp này để bảo đảm không gây cản trở không cần thiết đối với thương mại, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, đẩy mạnh cơ chế hậu kiểm và quản lý rủi ro theo đúng chỉ đạo của Chính phủ.

4. Rà soát lại mã HS tương ứng cho các sản phẩm hàng hóa nhóm 2 theo quy định mới trước tháng 12/2017.

5. Kiến nghị Tổ công tác Chính phủ báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành thực hiện: Chủ trì, rà soát danh mục hàng hóa nhóm 2 của bộ, ngành đã ban hành, cương quyết loại bỏ ra khỏi danh mục những hàng hóa chưa có QCVN, chưa xác định được rõ biện pháp quản lý, đồng thời bổ sung mã HS; sửa đổi, bổ sung xác định rõ loại hàng hóa nhập khẩu phải áp dụng biện pháp hậu kiểm, loại hàng hóa nhập khẩu nào phải áp dụng biện pháp quản lý tiền kiểm đối với các QCVN đã ban hành; rà soát sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành có nội dung quy định không phù hợp với Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Luật An toàn thực phẩm (như các nội dung quy định vể công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy và chứng nhận hợp chuẩn, chứng nhận hợp quy; chỉ định tổ chức đánh giá sự phù hợp là cơ quan kiểm tra nhà nước về chất lượng; quy định về năng lực đối với tổ chức đánh giá sự phù hợp).

Ngoài ra, cần đẩy mạnh việc thừa nhận lẫn nhau về kết quả đánh giá sự phù hợp của các tổ chức nước ngoài; chỉ định trực tiếp tổ chức đánh giá sự phù hợp tại nước ngoài thực hiện đánh giá sự phù hợp cho hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nhập khẩu, góp phần giảm thời gian thông quan hàng hóa.