Một mạng lưới mới mang 38 viện nghiên cứu vốn tồn tại độc lập với nhau trong nhiều thập kỷ, hoạt động trong cùng một cơ cấu để tăng thêm tính cạnh tranh trong quá trình tham gia vào nghiên cứu ở châu Âu, đồng thời thu hút các nhà khoa học Ba Lan ở nước ngoài trở về.

Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki tới Trung tâm nghiên cứu hạt nhân quốc gia (NCBJ). Nguồn: www.premier.gov.pl
Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki tới Trung tâm nghiên cứu hạt nhân quốc gia (NCBJ). Nguồn: www.premier.gov.pl

Mạng lưới nghiên cứu Łukasiewicz (Łukasiewicz Research Network) là đã được Chính phủ Ba Lan thành lập với mục tiêu thúc đẩy hệ sinh thái nghiên cứu và đổi mới sáng tạo ở Ba Lan và tăng cường sự tham gia của quốc gia này với các chương trình của châu Âu.

Thúc đẩy khoa học ứng dụng và cải cách giáo dục đại học

Bản thân việc lấy lên Jan Józef Ignacy Łukasiewicz, nhà dược học, kỹ sư, thương nhân thành công trong thế kỷ 19 làm tên cho mạng lưới gồm 38 viện trải rộng trên 11 thành phố đã thể hiện rõ mong muốn tạo ra nhiều sản phẩm ứng dụng, đóng vai trò hỗ trợ chuyển giao công nghệ, gắn kết nghiên cứu với doanh nghiệp, đưa ra các giải pháp cạnh tranh trong các lĩnh vực tự động hóa, hóa chất, y sinh, công nghệ thông tin, khoa học vật liệu và sản xuất tiên tiến.

Để xây dựng mạng lưới này, Chính phủ Ba Lan đã cử đoàn tới Phần Lan học hỏi, nơi thành công về đổi mới sáng tạo với việc chính phủ thành lập Trung tâm nghiên cứu kỹ thuật (VTT) với mục tiêu phụ trách các chương trình nghiên cứu về ứng dụng ở quy mô lớn để thúc đẩy các doanh nghiệp, các viện nghiên cứu trong nước tăng trình độ, đủ khả năng tham gia các chương trình do EU tài trợ. Bên cạnh đó, Ba Lan cũng tìm hiểu mô hình tài trợ cho nghiên cứu ứng dụng của Đức thông qua hệ thống các viện Fraunhofer.

Sau khi Mạng lưới Łukasiewicz thành lập vào tháng 4/2019, chính phủ đã thống nhất về cấu trúc hoạt động của nó và mang 38 viện nghiên cứu với gần 8000 thành viên, vốn tồn tại độc lập với nhau trong nhiều thập kỷ vào vận hành một cách đồng bộ.

Công việc đã diễn ra một cách trình tự. Trước khi sắp xếp lại các viện nghiên cứu ứng dụng, một năm trước, Ba Lan đã cải tổ lại hệ thống giáo dục đại học thông qua Hiến pháp Khoa học nhằm giúp các trường có nhiều cơ hội tự chủ hơn, qua đó có thể tự do nghiên cứu và đơn giản hóa thủ tục trong nghiên cứu. Một trong những mục tiêu trong tương lai của các trường đại học Ba Lan là có thêm nhiều danh tiếng học thuật quốc tế và có thể thu hút sinh viên nước ngoài tới học tập.

Một sáng kiến khác do chính phủ thiết lập năm 2017 là Cơ quan Trao đổi học thuật quốc gia (NAWA) và tạo thêm một quỹ dành riêng cho các nhà khoa học ở nước ngoài về nước làm trong các viện nghiên cứu quốc gia để “khuyến khích các nhà khoa học Ba Lan trở về”, Łukasz Wojdyga, giám đốc NAWA nói. Trong các gói hỗ trợ có lương, trợ cấp, kinh phí thành lập phòng thí nghiệm, thiết lập nhóm nghiên cứu… Sau khi hoàn tất những công việc chuẩn bị này, các nhà nghiên cứu còn được khuyến khích gửi hồ sơ xin tài trợ từ chính phủ hoặc các chương trình của EU.

Kết quả là năm 2018, NAWA đã cung cấp kinh phí cho 22 nhà khoa học và mở một cuộc kêu gọi hồ sơ vào tháng 3/2019 nhằm mục tiêu hỗ trợ thêm 25 nhà nghiên cứu khác.

Chưa vội mừng

Trong buổi lễ chúc mừng các viện nghiên cứu lọt vào top Nhóm nghiên cứu xuất sắc của châu Âu, tổ chức tại Trung tâm nghiên cứu hạt nhân quốc gia (NCBJ) tại Otwock-Świerk, Thủ tướng Ba Lan cho rằng, các nhà khoa học của đất nước đang đóng một vai trò quan trọng trong việc kết nối chuỗi nghiên cứu toàn cầu. Trong danh sách 13 nhóm nghiên cứu giành tổng kinh phí đầu tư 195 triệu euro từ chương trình Horizon 2020, Ba Lan có 3 nhóm tại trường Đại học KH&CN AGH tại Kraków, Viện nghiên cứu Công nghệ vật liệu điện tử và Trung tâm nghiên cứu hạt nhân quốc gia.

Tuy nhiên rõ ràng là vẫn còn quá sớm để khẳng định là các nỗ lực này đều đã thành công. Các nhà khoa học thì thận trọng còn Chính phủ Ba Lan rất lạc quan. Khi được hỏi là liệu các cuộc cải cách và các sáng kiến sẽ giúp thu hẹp khoảng cách giữa Ba Lan và các quốc gia giàu có ở phương Tây không thì Gaczyński, Phó Giám đốc Phụ trách Đổi mới Sáng tạo và Phát triển tại Bộ Khoa học và Giáo dục đại học trả lời “có chứ, dứt khoát là vậy!”.

Theo quan điểm của ông, cấu trúc nghiên cứu theo kiểu cũ, kinh viện, lạc hậu và xa cách xã hội, ở Ba Lan, đã khiến các viện nghiên cứu khó hợp tác với những mạng lưới nghiên cứu lớn ở EU. Một cấu trúc mới và một bộ máy mới khiến cho “việc hợp tác sẽ trở nên dễ dàng hơn”, ông nhấn mạnh.

Janusz Bujnicki, giám đốc Phòng Thí nghiệm tin sinh học tại Viện Nghiên cứu Phân tử và Sinh học tế bào quốc tế tại Warsaw và là thành viên của nhóm tư vấn khoa học cấp cao của EC, cũng nghĩ rằng tốt hơn cả là công việc ở các viện nghiên cứu nên quy về một mối. Tuy nhiên, ông chỉ ra, “vẫn còn phải xem là liệu các quy tắc mới trong đánh giá và tài trợ cho các viện nghiên cứu này có khuyến khích họ thay đổi tầm nhìn R&D không”.

Hiện Mạng lưới Łukasiewicz cùng với VTT của Phần Lan và Fraunhofer của Đức đang cùng bàn bạc để mở chung một tài trợ cho các dự án đổi mới sáng tạo ở cả ba quốc gia, mặt khác nó đang bắt đầu gắn kết chặt chẽ hơn với các viện nghiên cứu cơ bản của Viện Hàn lâm Khoa học Ba Lan qua nhiều dự án nghiên cứu chung.

Không riêng gì Ba Lan, một số quốc gia Đông Âu khác cũng đang cải cách nghiên cứu và đổi mới sáng tạo, ví dụ Hungary, nơi chính phủ đang bị chỉ trích là trao quyền tự do học thuật của Viện Hàn lâm Khoa học sang một cơ quan do chính phủ thành lập quản lý. Trong trường hợp của Ba Lan, Gaczyński cho biết, chính quyền tránh những sai lầm tương tự khi thảo luận rất chặt chẽ với các viện nghiên cứu và doanh nghiệp để phác thảo ra bộ khung và cơ chế hoạt động của một hệ sinh thái mới. “Từng cải cách phải được bàn thảo với các bên tham gia”, ông nói.

Tuy chưa thể đánh giá hiệu quả của các hoạt động khuyến khích này của chính phủ nhưng mới đây, đã có một số tín hiệu ban đầu: một nhóm nghiên cứu từ trường Đại học Nicolaus Copernicus ở thành phố Toruń đã phát triển được một loại vật liệu từ tảo biển có thể làm nguyên liệu cho một số loại dược phẩm và mỹ phẩm. Dự án này được Bộ Khoa học và Giáo dục đại học cho là đóng vai trò quan trọng trong khoa học y học, do đó nhóm nghiên cứu đã nhận được một khoản đầu tư trị giá 21 triệu từ Quỹ Khoa học Ba Lan. Giáo sư Boguslaw Buszewski, một thành viên của nhóm nghiên cứu nói, trong tương lai nó sẽ được sử dụng làm vật liệu chuyên chở thuốc qua đường máu để đến thẳng các khối u, một cơ hội tốt để thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu.