Đề án xây dựng chuỗi cung cấp rau, thịt, gạo an toàn trên địa bàn tỉnh Long An đã được triển khai thực hiện.

Đây được xem là mô hình có tính đột phá và bền vững cho sản xuất nông nghiệp. Chuỗi bắt đầu từ khâu cung ứng vật tư nông nghiệp đến sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ, có thể truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Chuỗi thực phẩm an toàn Long An

Trong năm 2016, tỉnh Long An đã thí điểm xây dựng chuỗi liên kết thực phẩm an toàn trên sản phẩm rau, thịt gà, gạo.

14-30-30_nh-1-bi-chuoi-thuc-phm-long-nSản xuất rau an toàn theo chuỗi giá trị tại HTX Phước Hiệp, Cần Giuộc

Trong đó có 3 mô hình rau: mô hình rau của HTX rau an toàn Phước Hòa (huyện Cần Đước), Phước Hiệp (huyện Cần Giuộc), Tân Hiệp (huyện Đức Hòa) với diện tích 16ha; 1 mô hình thịt gà được chế biến, giết mổ tại Nhà máy thực phẩm Ba Huân (huyện Đức Hòa) và cơ sở sản xuất tại Cty TNHH Chăn nuôi Phú Gia với số lượng 960.000 con/năm; 1 mô hình gạo của Cty Cổ phần Đầu tư – Nghiên cứu và Xuất khẩu gạo thơm Ita – Rice với diện tích 237ha tại huyện Đức Hòa và Đức Huệ.

Qua 1 năm thực hiện, các cơ sở tham gia đều có sự gắn kết theo mô hình chuỗi từ khâu sản xuất ban đầu đến sơ chế, chế biến đóng gói, vận chuyển và kinh doanh thực phẩm; được chứng nhận VietGAP, HACCP. Đặc biệt, thực phẩm an toàn sẽ có logo, nhãn mác, tem để người tiêu dùng dễ dàng nhận diện sản phẩm.

Hiện chuỗi cung ứng gà thịt được sản xuất tại Cty TNHH Chăn nuôi Phú Gia với số lượng mở rộng lên đến 1,2 triệu con và được giết mổ, chế biến tại nhà máy thực phẩm Ba Huân Long An. Thực phẩm được kinh doanh, buôn bán tại Cty TNHH Aeon Bình Dương, Cty TNHH Thực phẩm GN Long An, hệ thống siêu thị Co.opmart, hệ thống thức ăn nhanh của Lotteria, Jollibee, sạp Ba Huân Bình Điền...

Đối với chuỗi gạo, huyện Đức Hòa, Đức Huệ được chọn là vùng trồng lúa với diện tích 237ha được chứng nhận VietGAP, xay xát, chế biến, đóng gói tại Công ty CP Đầu tư Nghiên cứu và xuất khẩu gạo thơm Ita-Rice và được kinh doanh, phân phối tại Trung tâm phân phối của công ty tại số 117-119 Pasteur, TP.HCM, hệ thống siêu thị Sài Gòn Co.op, Big C, Aeon và trên 70 hệ thống siêu thị mini (Maximart, Foodcomart...) trên toàn quốc.

Chuỗi cây rau được sản xuất theo quy trình VietGAP, sản xuất an toàn trên địa bàn các huyện Cần Đước, Cần Giuộc, Đức Hòa với diện tích 17,75ha, được sơ chế, đóng gói tại 3 hợp tác xã rau an toàn: Phước Hòa, Phước Hiệp, Tân Hiệp và được kinh doanh, buôn bán trên địa bàn trong, ngoài tỉnh.

Ông Kiều Anh Dũng, GĐ HTX Rau an toàn Phước Hòa, cho biết: Hợp tác xã có vùng sản xuất rau 6,05ha tại xã Phước Vân, Long Hòa, huyện Cần Đước, tỉnh Long An, được chứng nhận VietGAP và tiếp tục mở rộng thêm 2,7ha rau đạt chứng nhận VietGAP. Sản phẩm rau được sơ chế, đóng gói tại xã Phước Vân, huyện Cần Đước; nhà sơ chế đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về điều kiện an toàn thực phẩm, được Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản kiểm tra, chứng nhận nhà sơ chế đủ điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm, xếp loại A.

Hằng ngày HTX cung cấp từ 1,2 – 1,5 tấn rau, chủ yếu là các loại rau ăn lá, rau gia vị như cải ngọt, cải xanh, mồng tơi, rau dền, rau muống, húng quế, húng cây, rau ngót, rau lang… cho thị trường TP.HCM: Trung tâm phân phối Satra, Cty Vissan, một số bếp ăn nhà trẻ và tại chợ phường 2, TP.Tân An…

Theo ông Dũng, khi xây dựng chuỗi thực phẩm, các ngành cần kiểm soát từ gốc trong chuỗi thực phẩm, nông sản đó chính là kiểm soát chặt chẽ từ khâu sản xuất ban đầu. Đặc biệt phải có nhận diện sản phẩm theo chuỗi qua logo “Sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn”. Có như vậy sản phẩm sạch, sản xuất theo chuỗi của HTX mới đứng vững được. Hiện tại, hợp tác xã phối hợp tổ chức 1 điểm bán rau an toàn (theo tiêu chuẩn VietGAP) được kiểm soát theo chuỗi tại chợ phường 2, TP.Tân An, trung bình mỗi ngày bán được khoảng 100kg rau các loại.

Hướng đến sản xuất thực phẩm an toàn

Từ nhiều năm qua, Long An được xem là một trong những địa phương cung cấp nguồn nông sản đa dạng cho thị trường TP.HCM. Tuy nhiên, vì còn nhiều hạn chế mà nông sản Long An thường xuyên đứng bên ngoài cửa hàng, siêu thị.

Để có cơ sở kiểm soát, quản lý lương thực, thực phẩm từ gốc, Long An đã và đang nỗ lực xây dựng vùng sản xuất tập trung; ứng dụng khoa học - công nghệ cao, cơ giới hóa sản xuất.

Bên cạnh đó, sẽ tiến tới triển khai quản lý theo chuỗi thực phẩm an toàn. Đây được xem là mô hình có tính đột phá và bền vững cho sản xuất nông nghiệp. Chuỗi bắt đầu từ khâu cung ứng vật tư nông nghiệp đến sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ, có thể truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Từ nay đến năm 2020, Long An sẽ ưu tiên thu hút đầu tư để hình thành từ 10-12 DN công nghệ cao, đồng thời thành lập từ 1-2 cơ sở ươm tạo công nghệ cao và lai tạo 2-3 giống cây trồng, vật nuôi bằng công nghệ cao.

Trong năm 2016, Chi cục quản lý chất lượng nông lâm thủy sản Long An đã cấp giấy chứng nhận GlobalGAP trên sản phẩm thanh long, lúa với diện tích sản xuất 278,1ha; có 26 cơ sở (hợp tác xã, tổ hợp tác, công ty) được cấp giấy chứng nhận VietGAP trên sản phẩm rau, lúa, chanh, thanh long với diện tích 645,7ha; Dự án LIFSAP triển khai thực hiện trên 38 nhóm GAHP (gồm 30 nhóm chăn nuôi heo và 8 nhóm chăn nuôi gà) với 718 hộ, có 642 hộ chăn nuôi được chứng nhận GAHP, xây dựng 24 chợ thực phẩm an toàn với 703 sạp thịt đủ điều kiện ATTP, nâng cấp 9 cơ sở giết mổ đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông-lâm-thủy sản, có trên 25 cơ sở áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến (HACCP, GMP, SSOP, BRC...).

Chỉ tiêu đến cuối năm 2017, trên địa bàn tỉnh, tỷ lệ mẫu giám sát vi phạm quy định về tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong rau, củ, quả; tồn dư hóa chất, kháng sinh trong các loại sản phẩm thịt, thủy sản; ô nhiễm sinh học trong thịt giảm 10% so với năm 2016. Tỷ lệ cơ sở sản xuất, kinh doanh nông-lâm-thủy sản được kiểm tra đạt yêu cầu về điều kiện bảo đảm ATTP (xếp loại A, B) tăng 10% so với năm 2016.