Không chỉ biết đến như một nơi khởi nguồn ngành bán dẫn, Viện Nghiên cứu công nghệ công nghiệp (ITRI) còn là một tổ chức đã thay đổi động lực của nền kinh tế Đài Loan. Một trong những lí do tạo nên ảnh hưởng của ITRI đó là khả năng chuyển giao tri thức tới khối công nghiệp và viện trường.

Robot IVS (có hệ thống nhận diện) do ITRI phát triển đang chơi cờ với hội chợ công nghệ IFA năm 2018.
Robot IVS (có hệ thống nhận diện) do ITRI phát triển đang chơi cờ với hội chợ công nghệ IFA năm 2018.

ITRI có khoảng 6000 nhân viên, mỗi năm nộp hơn 1000 đơn đăng ký sáng chế và số bằng độc quyền sáng chế được cấp bằng một nửa con số đó. Họ cũng chuyển giao công nghệ cho hơn 500 doanh nghiệp, còn việc tư vấn và triển khai dịch vụ công nghệ thì nhiều vô kể, lên đến hàng chục nghìn hợp đồng hằng năm.

Sau năm 2000, các kết quả R&D do chính phủ tài trợ được chuyển quyền sở hữu toàn bộ cho tổ chức thực hiện nghiên cứu. Do đó, ITRI bắt đầu tiến hành đánh giá giá trị của các sở hữu trí tuệ. Các pa-tăng có hiệu quả và giá trị được đặt hàng dựa trên tiềm năng sử dụng và được phân thành ba loại: A-tiềm năng để sử dụng hoặc đã được sử dụng, B-giá trị sử dụng vừa phải, và C-tương đối thiếu giá trị sử dụng.

Để đạt được mục tiêu hỗ trợ sự phát triển bùng nổ của các tiêu chuẩn công nghệ công nghiệp, ITRI gắn bó chặt chẽ các yêu cầu của ngành công nghiệp và nỗ lực phổ biến các kết quả R&D. ITRI cũng chuyển giao nhân sự vào các thời điểm thích hợp để thành lập các công ty trong ngành công nghiệp công nghệ đang nổi, tích cực áp dụng các kết quả R&D trong công nghiệp. Điều này mang lại các lợi ích kinh tế. Phương pháp thương mại hóa công nghệ của ITRI bao gồm: phổ biến thông tin, chuyển giao công nghệ, cấp phép pa-tăng, tách ra thành lập công ty mới, phát triển các hợp đồng với tư nhân, và các trung tâm ươm tạo đổi mới sáng tạo.

(1) Phổ biến thông tin

Mục đích của ITRI là áp dụng kết quả R&D của các dự án công nghệ trong ngành công nghiệp để đem lại lợi ích kinh tế. Vì vậy, trong năm 1987, ITRI đã soạn thảo “Quy trình Phổ biến và Triển khai Công nghệ ITRI.” Sau đó, dựa vào tài liệu này, ITRI soạn thảo các hướng dẫn chi tiết chẳng hạn như các nguyên tắc thu phí chuyển giao công nghệ, thủ tục hoạt động, hợp đồng chuyển giao công nghệ, v.v. Công nghệ được phổ biến cho các ngành công nghiệp một cách công khai và công bằng, đặt nền tảng cho ngành công nghiệp hiện thời cũng như các công nghệ mới. Quy trình để phổ biến thông tin bao gồm việc thông báo về sự phát triển của ITRI cho ngành công nghiệp, phổ biến thông tin mới cho các bên quan tâm hoặc các bên được chỉ định thông qua các hội nghị và giới thiệu kết quả. Nếu cần thiết, ITRI cũng cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho các nhà máy. ITRI cũng xuất bản các bài báo trong các ấn phẩm chuyên ngành, tham gia các hội nghị chuyên ngành, và tổ chức các hoạt động công khai giải thích kết quả nghiên cứu vì lợi ích của ngành công nghiệp.

(2) Chuyển giao công nghệ

Chuyển giao công nghệ bao gồm cấp phép, bán hoặc các hình thức chuyển nhượng quyền sở hữu kết quả R&D khác. Về nguyên tắc, chuyển giao công nghệ được thực hiện một cách công bằng, công khai, thông qua việc cấp phép không độc quyền, và không miễn phí. Khách hàng là các doanh nghiệp Đài Loan sẽ được ưu tiên hơn là quốc tế.

Đối với kế hoạch chuyển giao công nghệ, các hạng mục chuyển giao được xác định bởi các yêu cầu công nghiệp và đặc điểm riêng của từng loại công nghệ, chẳng hạn như nội dung, phạm vi áp dụng, quy cách, đặc điểm phân biệt, khả năng cạnh tranh, ưu tiên phát triển đột phá, tình trạng xin cấp phép, và thị trường của công nghệ đó. ITRI cũng xem xét cả điều kiện cơ bản cần có của công ty tiếp nhận công nghệ và các kênh liên lạc của ITRI. Những vấn đề này được xem xét để đạt mục tiêu chuyển giao công nghệ thành công.

Màn hình OLED bẻ cong 6 inch của ITRI ra măt vào năm 2014 tạo cơ hội để Đài Loan cạnh tranh với Hàn Quốc trong lĩnh vực này.
Màn hình OLED bẻ cong 6 inch của ITRI ra măt vào năm 2014 tạo cơ hội để Đài Loan cạnh tranh với Hàn Quốc trong lĩnh vực này.

Việc định giá công nghệ của ITRI dựa vào giá trị thị trường của công nghệ này tại một số thời điểm quan trọng trong quá khứ, tiềm năng thị trường và khả năng cạnh tranh sau khi thương mại hóa, các nguồn công nghệ thay thế, năng lực tiếp nhận của doanh nghiệp, các chi phí liên quan đến phát triển R&D, số lượng khách hàng tiềm năng sẵn sàng tiếp nhận kết quả R&D, hiệu quả giá trị thị trường của công nghệ, v.v.

(3) Cấp phép pa-tăng

Ngay từ đầu, ITRI đã nhấn mạnh quyền sở hữu trí tuệ. Việc sản xuất, kiểm soát, và sử dụng sở hữu trí tuệ vừa có thể nâng cao giá trị của ITRI trong mắt các bên khác, và cũng có thể bảo vệ kết quả nghiên cứu của ITRI. Sở hữu trí tuệ bao gồm pa-tăng, thiết kế sản phẩm, các chỉ số quy trình công nghiệp, bản quyền, và báo cáo kỹ thuật, v.v. Việc sở hữu pa-tăng là một chỉ số cụ thể thể hiện đột phá kỹ thuật và kết quả nghiên cứu. Các pa-tăng cũng là những yếu tố chính trong chuyển giao công nghệ và có vai trò như là một đối tượng thương lượng trong việc trao đổi công nghệ với các bên khác. Từ năm 1987, số pa-tăng của ITRI đã tăng lên nhanh chóng. Năm 1993, MOEA ủy quyền cho ITRI tham gia cấp phép chéo pa-tăng trong các lĩnh vực và trong một khoảng thời gian nhất định với người khổng lồ của Hoa Kỳ - AT&T, với ưu đãi cho các hợp đồng của các công ty trong nước.

Căn cứ vào phạm vi sở hữu pa-tăng, việc cấp phép có thể được chia thành độc quyền và không độc quyền. Cấp phép độc quyền sẽ tạo ra những hạn chế trong việc mua, bán pa-tăng. Vì vậy, trong quá khứ, người ta chủ yếu thường sử dụng cấp phép không độc quyền. Tuy nhiên, năm 1999, do Đài Loan muốn thúc đẩy các dự án công nghệ tiên tiến và sáng tạo, nên họ chấp nhận nhiều cơ hội cấp phép độc quyền hơn. Ngoài ra, ITRI được nhà nước ủy quyền sử dụng và quản lý sở hữu trí tuệ, nên việc tổ chức, quy định, và thủ tục đã được điều chỉnh và sửa đổi với hy vọng mang lại lợi ích lớn nhất cho tổ chức này. Ví dụ, việc thu phí bảo hiểm cấp phép công nghệ được điều chỉnh, và các khoản thưởng cho việc sử dụng pa-tăng tăng lên. Cách này có thể phổ biến rộng rãi hơn các công nghệ tiên tiến và sáng tạo thông qua TDP (time driven priority – nghĩa là chỉ được độc quyền sáng chế trong một khung thời gian xác định), và cũng để tăng cường dịch vụ công nghệ công nghiệp.

Đồng thời, ITRI cũng thành lập Trung tâm Dịch vụ Chuyển giao Công nghệ có nhiệm vụ quản lý hợp lý các kết quả sở hữu trí tuệ của từng đơn vị nghiên cứu. Hơn nữa, các thủ tục liên quan đến dịch vụ chuyển giao công nghệ đã được sửa đổi, và hệ thống thông tin quản lý (MIS) đối với quyền và kết quả IP được cập nhật. Việc phân tích và bố trí các pa-tăng từ các dự án công nghệ tiên tiến và sáng tạo được tăng cường, đồng thời việc bảo vệ các quyền IP trong các công nghệ đang nổi (như thương mại điện tử và công nghệ sinh học) trở thành tiêu điểm. Sự tập trung này nhằm nâng cao chất lượng và số lượng quyền IP liên quan đến ITRI và thiết lập nền tảng dịch vụ công nghiệp khi công nghệ được chuyển giao.

Trước đây, cấp phép pa-tăng không được coi trọng mà chủ yếu ITRI tập trung vào mảng chuyển giao các pa-tăng đã được đăng kí. Ví dụ, trong năm 2000, trên gần 700 trường hợp chuyển giao, cấp phép pa-tăng, chỉ có 1/10 trong số đó liên quan đến cấp phép. Trước đó, ITRI đã thông qua một chiến lược ứng dụng pa-tăng với tiêu chí số lượng quan trọng hơn chất lượng, do đó, quy mô pa-tăng vẫn thiếu hụt. Sau khi kết quả R&D do chính phủ tài trợ được thẩm định và được chuyển giao cho từng viện/trung tâm nghiên cứu, các viện/trung tâm này có trách nhiệm ứng dụng pa-tăng và chịu phí duy trì.

(4) Các doanh nghiệp spin-off

Đối với các đơn vị nghiên cứu sở hữu công nghệ chín muồi và có các tài nguyên phù hợp, thành lập công ty spin-off là một hình thức thương mại hóa công nghệ quan trọng. Các doanh nghiệp spin-off có thể thu hút đầu tư và tiếp tục hình thành một ngành công nghiệp mới. ITRI là nguồn lực lớn nhất đối với các doanh nghiệp spin-off trong nước. Lần đầu tiên ITRI thành lập một doanh nghiệp spin-off vào năm 1980, đó là công ty United Microelectronics Corp (UMC). Mục đích của doanh nghiệp spin-off này là ứng dụng các kết quả nghiên cứu quan trọng và đẩy nhanh tiến độ chuyển giao cho ngành công nghiệp. Năm 1990, “Quy trình lập kế hoạch công ty spin-off” được chính thức công bố. Mục tiêu là đẩy nhanh tốc độ chuyển giao kết quả cho ngành công nghiệp và thực hiện sản xuất và công nghiệp hóa.

Các doanh nghiệp spin-off thành lập theo cách sau: Một số dự án nghiên cứu nhất định đã có kết quả và được công bố công khai. Tuy nhiên, ngành công nghiệp có thể ứng dụng các kết quả này vào thực tế vẫn chưa tồn tại, hoặc không có công ty nào có khả năng ứng dụng công nghệ. Do đó, không có phương tiện chuyển giao các kết quả và đạt được những tác động ban đầu mong muốn. Ngoài ra, việc thương mại hóa các kết quả này mang lại lợi ích rõ ràng cho ngành công nghiệp trong nước. Cuối cùng, thời gian là điều cốt yếu: lợi ích lớn nhất sẽ đến từ việc ứng dụng nhanh chóng và an toàn. Nếu kết quả và việc ứng dụng các công nghệ này có thể tạo ra một ngành công nghiệp mới trong nước, cần sớm đầu tư mạnh mẽ về nhân lực và vốn để duy trì chất lượng và tốc độ tăng trưởng. Việc cung cấp nguồn nhân lực chủ yếu từ các đơn vị nghiên cứu có kết quả. ITRI thành lập các công ty spin-off mới để đảm bảo sự tăng trưởng của cả ngành công nghiệp mới và công nghiệp quốc gia, nhằm ngăn ngừa độc quyền hay các hiệu ứng góc thị trường do các ngành công nghiệp liên quan tác động đến việc sử dụng sản phẩm.

(5) Phát triển hợp đồng với khu vực công nghiệp

Các công ty có thể xem xét năng lực kỹ thuật và các yêu cầu, v.v. và quyết định tham gia nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sau nghiên cứu, hoặc thậm chí có thể hợp đồng với ITRI để phát triển công nghệ hoặc các dịch vụ công nghiệp cụ thể. Ngoài ra, ITRI cũng có thể hợp đồng với các doanh nghiệp trong quá trình nghiên cứu để thực hiện R&D hoặc chế tạo các thành phần cần thiết cho R&D mà ITRI không phải là đơn vị phù hợp để đầu tư. Cách tiếp cận này cũng tăng cường mối quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa ITRI và ngành công nghiệp.

(6) Trung tâm ươm tạo

Để thực hiện việc thương mại hóa, ITRI cung cấp không gian làm việc cho khu vực công nghiệp và hỗ trợ doanh nghiệp sáng tạo. Viện hy vọng có thể thúc đẩy sự ra đời của các doanh nghiệp mới nổi tại thị trường trong nước. ITRI cung cấp nhân sự, công nghệ, tri thức, phương tiện, thiết bị thí nghiệm, quản lý công nghệ, tư vấn thành lập doanh nghiệp, an toàn công nghiệp, và các điều kiện làm việc thường ngày - tất cả các yếu tố thiết yếu cho việc thành lập doanh nghiệp mới. Tóm lại, ITRI tìm cách cung cấp một môi trường lý tưởng cho khu vực công nghiệp phát triển các ngành công nghiệp mới. Môi trường lý tưởng này tạo cơ hội cho các công ty, nâng cao khả năng cạnh tranh. Các dịch vụ bổ sung bao gồm chuyển giao công nghệ và tư vấn, đào tạo cán bộ, và không gian để tổ chức các hội nghị quốc tế.

Các trung tâm ươm tạo tập trung vào cán bộ kỹ thuật hoặc doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) có năng lực R&D công nghệ và dự định tìm một công ty đối tác hoặc thâm nhập vào một lĩnh vực kinh doanh mới. ITRI mong muốn cung cấp một môi trường R&D xuất sắc để hỗ trợ sản xuất thương mại hóa, đào tạo quản lý, và đầu tư vốn. Mục tiêu là giảm thiểu nguy cơ trong giai đoạn đầu hình thành doanh nghiệp hoặc trong quá trình chuyển sang một lĩnh vực mới. “Trung tâm ươm tạo” giúp tăng số người tiếp nhận các dịch vụ của ITRI. Chiến lược trước đây là tập trung vào các doanh nghiệp đang tồn tại, trong khi phương pháp tiếp cận mới là cung cấp dịch vụ trong quá trình tạo ra doanh nghiệp, cho phép người sáng lập công ty công nghệ sử dụng môi trường R&D của ITRI trong các giai đoạn phát triển ban đầu của công ty. Các dịch vụ của ITRI đã được mở rộng, phát triển thêm các chức năng từ hỗ trợ kỹ thuật cho tới dịch vụ doanh nghiệp, đào tạo quản lý, và đầu tư vốn.

Trung tâm Ươm tạo của ITRI bắt đầu nhận đơn vào ngày 2/4/1996. Bất kỳ tổ chức nào đáp ứng được các tiêu chuẩn là đang quy hoạch cán bộ kỹ thuật để thành lập các công ty công nghệ cao hoặc các công ty mới dưới 18 tháng - đều có thể nộp đơn. Các câu hỏi hướng dẫn nộp đơn đăng ký bao gồm: các sản phẩm hay dịch vụ có dựa trên công nghệ hay không, có kế hoạch hoạt động thực tế hay không, có đội ngũ có năng lực hay không, có cơ sở đầy đủ về tài chính để xử lý các chi phí cơ bản trong quá trình ươm tạo hay không? Trung tâm Ươm tạo cũng tập hợp các nguồn lực bên ngoài, chẳng hạn như dịch vụ hỗ trợ của Phòng SME tại MOEA, vốn đầu tư từ Hiệp hội Đầu tư Vốn Mạo hiểm Đài Loan, và hỗ trợ viết kế hoạch kinh doanh của các trường đại học tham gia hợp tác. Trung tâm Ươm tạo sử dụng các biện pháp này cho phép doanh nghiệp tập trung vào chuyên môn của họ, nâng cao tỷ lệ thành công trong việc thành lập doanh nghiệp.

Trích từ chương “Sự hình thành các cơ chế đổi mới công nghiệp thông qua viện nghiên cứu” của quyển “Viện Nghiên cứu công nghệ công nghiệp: Trí tuệ hiện hữu”, Nguyễn Thu Oanh dịch. Báo KH&PT đã biên tập để người đọc tiện theo dõi.