Mới đây, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ký kết chương trình phối hợp hoạt động KH&CN.

Theo đó, hai bên sẽ xây dựng đề xuất đặt hàng và triển khai các nhiệm vụ, dự án KH&CN phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, an toàn mà việc phát triển hệ thống mạng lưới quỹ gene quốc gia gồm ngân hàng gene cây trồng, vật nuôi, thuỷ sản… là một trong các nội dung được chú trọng. Đây cũng là vấn đề được các ngành, các cấp rất quan tâm trong thời gian qua.

TS Vũ Ngọc Sơn - Viện Nghiên cứu chăn nuôi quốc gia.

Việt Nam là quốc gia có đa dạng sinh học cao, riêng nguồn gene vật nuôi bản địa có 93 giống, trong đó gần 40% đã được khai thác và phát triển ra sản xuất. Các nguồn gene này đã phát triển rộng, có quần thể đàn lớn và rất lớn nên công tác bảo tồn tạm thời chưa cần lo lắng. 60% số nguồn gene còn lại có quần thể nhỏ, một số có nguy cơ mất nguồn gene cao, cần được chú ý bảo tồn, lưu giữ. Để tối ưu hiệu quả, việc bảo tồn và khai thác nguồn gene phải luôn đổi chỗ cho nhau tùy thuộc vào độ lớn của quần thể mà nguồn gene tồn tại.

Có 2 phương pháp bảo tồn: Bảo tồn tại chỗ - nghĩa là bảo vệ nguồn gene trong môi trường sống tự nhiên của chúng, tức các khu bảo tồn, hay đồng ruộng, rừng trồng đối với nông, lâm nghiệp và bảo tồn chuyển chỗ - nghĩa là di dời các loài khỏi môi trường sống tự nhiên để lưu giữ, nhân nuôi vô tính, bằng việc đưa vào các vườn thực vật, động vật, bể nuôi thuỷ sản, các bảo tàng hay ngân hàng gene…

Hầu hết các nguồn gene hiện nay đều được bảo tồn tại chỗ. Việc bảo tồn chuyển chỗ chỉ thực hiện đối với nguồn gene có nguy cơ tuyệt chủng hoặc đang ở trạng thái nguy hiểm cao như lợn ỉ, vịt bầu Bến, ngỗng cỏ...

Tuy nhiên, việc bảo tồn tại chỗ với nguồn gene là con vật sống có bất cập là nguy cơ tạp giao lớn lại rất dễ bị mất giống do thiên tai, dịch bệnh… Vì vậy, để duy trì nguồn gene với tình trạng tốt và an toàn, cần đẩy mạnh tư vấn cho người dân về công tác phòng bệnh như tiêm phòng, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng và nhân giống… thông qua các hội chăn nuôi hoặc chính quyền địa phương - điều đã được thực hiện nhưng chưa đủ sâu rộng.

Để thực hiện tốt các giải pháp đó, Nhà nước cần đầu tư kinh phí nhiều hơn và cần có một cơ sở cấp quốc gia để thực hiện công tác bảo tồn nguồn gene này.