Sự hiện diện của KH&CN với những công trình và đề tài mang tính nền tảng, từ bảo vệ nguồn gene cho tới xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ mới, chuỗi giá trị các sản phẩm chủ lực đặc thù…vẫn là chưa đủ.

Sản xuất chè ở Yên Bái đa phần vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ và tự phát. Chỉ có một số ít công ty đưa sản phẩm đi xuất khẩu nhưng vẫn chỉ dán nhãn “Made in Vietnam” chung chung mà chưa khẳng định được thương hiệu.
Sản xuất chè ở Yên Bái đa phần vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ và tự phát. Chỉ có một số ít công ty đưa sản phẩm đi xuất khẩu nhưng vẫn chỉ dán nhãn “Made in Vietnam” chung chung mà chưa khẳng định được thương hiệu.

Tưởng chừng sự hiện diện của KH&CN với những công trình và đề tài mang tính nền tảng, từ bảo vệ nguồn gene cho tới xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ mới, chuỗi giá trị các sản phẩm chủ lực đặc thù, sẽ trở thành tác nhân quan trọng đưa Trung du và miền núi phía Bắc (Vùng) vượt khỏi vị thế “vùng trũng” về kinh tế xã hội. Thế nhưng chưa đủ, mà trên thực tế Vùng vẫn loay hoay không giải quyết được bài toán chung của mình, khi các nguồn lực vẫn còn manh mún, rời rạc và thiếu liên kết.

Không kỳ vọng cao siêu mà cần hữu dụng

Vấn đề thúc đẩy liên kết Vùng về KH&CN là một trọng tâm được nhiều giám đốc Sở KH&CN các địa phương kiến nghị và thảo luận trong “Hội nghị Tổng kết, đánh giá 15 năm hoạt động KH&CN thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 01/7/2004 về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2020”, do Bộ KH&CN tổ chức ngày 16/7 tại Hà Nội, với kỳ vọng sẽ giúp giải quyết được những vấn đề chung mà các tỉnh này gặp phải trong việc gia tăng hàm lượng KH&CN, từ đó tăng giá trị sản phẩm và thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị các sản phẩm chủ lực, hình thành các vùng chuyên canh lớn phục vụ xuất khẩu.

Để thực hiện Nghị quyết 37 và kết luận số 26 của Bộ Chính trị khóa XI và các văn bản triển khai của ngành KH&CN và các ngành liên quan, hầu hết các đề tài nghiên cứu trong “Chương trình Quốc gia về Phát triển KH&CN vùng Tây Bắc” và “Chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội nông thôn miền núi, vùng dân tộc thiểu số” đều được hình thành, triển khai theo hướng, ưu tiên tập trung vào các mặt ứng dụng thành tựu KH&CN, đổi mới công nghệ, tăng cường công tác về sở hữu trí tuệ. Các chương trình khác có liên quan như Chương trình KH&CN cấp quốc gia về “Bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gene đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” hiện nay cũng tập trung tới 70% số nghiên cứu hướng vào bảo tồn nguồn gene ở khu vực Trung du và miền núi phía Bắc, bởi đây là vùng có đa dạng nguồn gene cao nhất cả nước và là khu vực đảm bảo sinh thái cho vùng đồng bằng sông Hồng. Hàng chục giống lúa bản địa, các giống dược liệu, gỗ quý, cây ăn quả, vật nuôi bản địa… được nghiên cứu, phục tráng cho đến quy trình chọn lọc, sinh sản, chăm sóc, nuôi dưỡng đã được nghiên cứu, xây dựng mô hình để chuyển giao cho các đơn vị, cá nhân trong vùng. Với đặc trưng của vùng này là tỉ lệ nghèo cao cấp gần 3 lần của cả nước và có nguy cơ ngày càng dãn rộng, thì có gần 30% số dự án thuộc Chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN được triển khai cho các vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn, cũng như các chương trình tập huấn kỹ thuật, chuyển giao mô hình ứng dụng tiến bộ đều đặt mục tiêu phổ biến trực tiếp tới người dân chứ không chỉ dừng ở các mô hình trình diễn hoặc quy mô phòng thí nghiệm.

KH&CN với vùng Trung du và miền núi phía Bắc không kỳ vọng vào những dự án to lớn, công nghệ thật cao, mà phải đi giải quyết những vấn đề hữu dụng như chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm…, theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc

Tuy nhiên, những nỗ lực nhằm đưa ra các sản phẩm đầu vào cho chuỗi giá trị hoặc các mô hình ứng dụng kết quả nghiên cứu KH&CN, mô hình cải tiến công nghệ là chưa đủ. Câu chuyện phát triển chè, một trong những cây đặc sản được đánh giá là có tính chủ lực của hầu hết các tỉnh cho thấy điều đó. Cụ thể, riêng mạn Tây Bắc có gần 200 nhà máy chế biến (trên tổng số khoảng 700 cơ sở quy mô công nghiệp toàn quốc) chè, mà phần lớn trong đó là các loại chè đặc hữu vốn có những đặc trưng riêng biệt như nước đậm vị, thơm, để lại nhiều dư vị ngọt hậu mà không vùng địa lý nào trong nước có thể trồng được. Về mặt sở hữu trí tuệ, các vùng chè đặc sản đều được cấp văn bằng bảo hộ độc quyền về nhãn hiệu tập thể và chỉ dẫn địa lý về nguồn gốc xuất xứ (chè Shan tuyết Mộc Châu, chè Shan tuyết Suối giàng Yên Bái đều tăng và giữ giá sau khi được cấp), thậm chí có những cây chè được cấp chứng nhận cây di sản Việt Nam (cho 220 cây chè cổ thụ tại Hà Giang) nhằm bảo vệ, gìn giữ nguồn gene quý giá.

Trồng dâu tại cao nguyên Mộc Châu. Ảnh: Internet.
Trồng dâu tại cao nguyên Mộc Châu. Ảnh: Internet.

Dù đã có những tiến bộ trong các khâu bảo vệ gene đặc hữu hay sở hữu trí tuệ hoặc thậm chí là những sự đầu tư bài bản nhất định như các mô hình ứng dụng công nghệ mới nhưng chuỗi giá trị chè vẫn chưa thực sự khởi sắc. Trên toàn vùng sản xuất chè đa phần vẫn manh mún, nhỏ lẻ. Bởi chính ngành KH&CN các tỉnh đã nỗ lực trong phạm vi nội bộ tỉnh, ngành của mình, như Giám đốc sở KH&CN Thái Nguyên và Lai Châu đều cho biết có các đề tài tập trung vào những vấn đề này, nhưng chỉ mới xử lý được phần gốc, còn để giải quyết cho toàn chuỗi giá trị, vùng nguyên liệu chè lớn cho toàn vùng thì chưa thể.

Trong tổng số nhà máy kể trên, chưa kể hàng nghìn lò thủ công sao sấy chè đang cạnh tranh khốc liệt và thiếu tổ chức, tập trung nhiều ở tỉnh Yên Bái và Phú Thọ, thì chỉ có 8,2% doanh nghiệp xuất khẩu trực tiếp được sản phẩm đóng gói tinh chế, 28,9% có khả năng xuất khẩu nhưng vẫn dưới dạng chè rời, đóng gói bao bì mềm 30-50 kg. Và không phải tất cả các doanh nghiệp xuất khẩu trực tiếp đều có thương hiệu riêng của mình, tính cả sản phẩm tinh và thô mà mới chỉ có 11,3% doanh nghiệp Tây Bắc gây dựng được thương hiệu sản phẩm, số còn lại thì chỉ dùng dấu hiệu chung nhất là “Made in Vietnam” đi kèm với tên công ty bằng tiếng Anh. Về công nghệ chế biến, thì số nhà máy được trang bị đồng bộ, đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật chỉ chiếm 20%, số nhà máy trung bình 40%, còn lại 40% là các cơ sở chế biến chắp vá, không đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật của quá trình chế biến chè1.

Cần nhạc trưởng điều phối

Câu chuyện dài về sự manh mún trong chuỗi giá trị chè cũng là vấn đề chung gặp phải ở các sản phẩm đặc sản khác của Vùng này, mà các nhà nghiên cứu đã chỉ ra là: có đầu vào nhiều giống cây mới, chất lượng tốt, nhưng trong cả chuỗi giá trị thì tính hiệu quả thấp, quy mô nhỏ lẻ, chưa chuyên nghiệp từ khâu tổ chức sản xuất đến khâu tổ chức tiêu thụ. Trong bối cảnh đó thì ngành KH&CN các địa phương có thể làm gì để hỗ trợ tốt nhất, gia tăng giá trị trong mọi khâu của chuỗi giá trị? Tự ngành KH&CN của các địa phương, từ góc nhìn chỉ riêng của ngành mình khó lòng đem lại câu trả lời.

Các sở KH&CN địa phương có nhu cầu cùng thảo luận trong khối quản lý KH&CN và các ngành khác, nhằm đánh giá chuỗi nói riêng, đánh giá khả năng liên kết KH&CN để giải quyết những vấn đề mà các tỉnh đều có điểm chung, với một đầu mối có “vai trò là người chỉ huy, cầm trịch”, như Giám đốc Sở KH&CN Lai Châu Dương Đình Đức phát biểu. Tuy nhiên tự mỗi địa phương khó lòng trở thành “nhạc trưởng”, theo Giám đốc sở KH&CN Thái Nguyên Phạm Quốc Chính. Bởi chính địa phương cũng chưa giải quyết được vấn đề liên kết của tỉnh mình với tỉnh “láng giềng”. Đơn cử, hiện nay Thái Nguyên đã trồng thử nghiệm thành công quế Lạng Sơn, quýt Bắc Kạn nhưng chưa hình thành vùng chuyên canh lớn có mối gắn kết với hai tỉnh đó. Thái Nguyên cùng tuyến du lịch với Tuyên Quang nhưng chưa liên kết được về tour tuyến du lịch mà “khách tới Thái Nguyên hoặc Tuyên Quang rồi lại đi về”, cùng có sản phẩm gà đồi giống như Bắc Giang và đều được cấp bảo vệ nhãn hiệu nhưng vẫn có tình trạng mang gà từ tỉnh nọ sang tỉnh kia bán dưới thương hiệu của nhau. “Lý gì lại không tạo ra một vùng sản xuất hàng hóa lớn?”, bởi ngay cả tỉnh mạnh về thương hiệu gà đồi như Bắc Giang, thì các công ty lớn cũng chỉ sản xuất được 20% lượng thịt gà thương phẩm để bán, xuất khẩu, còn lại thì cũng chỉ bán gà lông ra thị trường. Nhưng để liên kết vùng, không chỉ cần nguồn kinh phí cho “ra tấm ra món” cũng như đội ngũ chuyên gia giỏi mà còn cần tới sự định hướng của Bộ KH&CN và các bộ ngành liên quan ở Trung ương. Chứ “các tỉnh không thể tự làm [liên kết] được”, ông Phạm Quốc Chính nói.

Một trong những “nguồn nguyên liệu” mới để thúc đẩy liên kết cũng như điều phối, đó là liên thông về cơ sở dữ liệu, mà kỳ vọng lớn đặt vào dữ liệu của Hệ tri thức Việt số hóa tới đây. Trước khi khai thác được cơ sở dữ liệu đó, thì hiện nay, theo thông tin của ông Nguyễn Văn Liễu, Vụ trưởng vụ Phát triển KH&CN địa phương, Bộ KH&CN đã hoàn thiện cơ sở dữ liệu cấp quốc gia về toàn bộ các đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu, khả năng ứng dụng triển khai và cung cấp tài khoản cho các sở KH&CN để sử dụng. Tuy nhiên, ngay cả khi dữ liệu về đến từng sở KH&CN vẫn là chưa đủ, nó vẫn quá khu trú so với một phạm vi rộng lớn hơn là người dân vùng này, với đặc thù là vùng lõm về kinh tế xã hội, nhiều nơi biệt lập về địa lý và luôn thiếu thốn thông tin. “Doanh nghiệp có biết không? Người dân có biết không? Hay chỉ là hệ thống chúng ta biết cơ sở dữ liệu này thôi?” ông Dương Đình Đức đặt câu hỏi và đề nghị “chúng ta cần minh bạch và cung cấp thông tin [cho người dân và doanh nghiệp]. Cần thiết thì làm hội thảo”. Nếu không hỗ trợ người dân thông tin cũng như hướng dẫn một cách trực tiếp, thì người dân trung du miền núi phía Bắc vẫn loay hoay với trồng cây gì, nuôi con gì hơn là tìm được cách thức tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Đơn cử, ông Dương Đình Đức kể, trường hợp Lai Châu, có 5000 hecta chuối trước đây vẫn bán tiểu ngạch sang thị trường dễ tính nhất là Trung Quốc, nhưng hiện nay người dân đang rất chật vật vì chưa biết chuẩn bị những gì khi Trung Quốc siết chặt quy định về nguồn gốc xuất xứ.

Để liên kết vùng, không chỉ cần nguồn kinh phí cho “ra tấm ra món” cũng như đội ngũ chuyên gia giỏi, mà còn cần tới sự định hướng của Bộ KH&CN và các bộ ngành liên quan ở Trung ương.

Để có được những định hướng liên kết cho toàn vùng, không chỉ cần dữ liệu các nhiệm vụ KHCN, mà các cơ quan quản lý cần có các đánh giá tiềm lực KH&CN vùng. Trước hết, vì đây là vùng yếu về tiềm lực kinh tế và đầu tư cho KH&CN của từng tỉnh còn hạn chế (mà tại Hội nghị, các Giám đốc Sở KH&CN đều cho biết kinh phí ngân sách đầu tư cho KH&CN của tỉnh đều chưa bao giờ đạt 1% ngân sách), nên về mặt tài chính, cần làm rõ “so sánh mức độ đầu tư cho KH&CN của vùng Tây Bắc so với các vùng khác, theo các thời điểm khác nhau. Mức đầu tư đó xứng đáng chưa?”, theo ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương. Mặt khác, nguồn nhân lực, khả năng của các tổ chức KH&CN trong vùng, khả năng đóng góp của KH&CN với phát triển kinh tế xã hội trong vùng cần được đánh giá, với các con số cụ thể. Cụ thể, Tổ soạn thảo Báo cáo tổng kết cho Nghị quyết 37 cần các con số như “tỉ lệ đóng góp TFP của vùng, số lượng các sản phẩm mang thương hiệu quốc gia được xây dựng của vùng, giá trị của các sản phẩm ứng dụng CNC, tốc độ đổi mới công nghệ của vùng, rồi các di sản văn hóa của vùng, về năng lực, nhân lực KHCN”, ông Nguyễn Hồng Sơn nói.

Đây sẽ là căn cứ để đưa ra được các dự báo về nhu cầu nguồn nhân lực, nhu cầu công nghệ (đặc biệt là các công nghệ mới trong bối cảnh chuyển đổi số của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư), nhu cầu nguồn lực từ ngân sách nhà nước và tỉ lệ các nguồn lực khác nếu có để từ đó đưa ra định hướng giải pháp thúc đẩy đầu tư cho KH&CN vùng. Đặc biệt, ngành KH&CN cũng cần đánh giá được các chính sách phát triển KH&CN của vùng Tây Bắc đã thực sự phù hợp với bối cảnh đặc thù của vùng hay chưa. Nhất là “trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Bộ KH&CN đã có 4 kịch bản chuyển đổi số, thì với vùng Tây bắc này có kịch bản như thế nào? Vai trò của các đại học vùng, các cơ sở nghiên cứu của vùng trong kịch bản ấy là gì”, ông Sơn nói.

Chú thích:
1. Nguồn số liệu từ đề tài nghiên cứu “Chuỗi cung ứng sản phẩm nông lâm đặc sản xuất khẩu của các tỉnh khu vực Tây Bắc”, Mã số: KHCN-TB.06X/13-18 thuộc “Chương trình KH&CN phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc”.