Cách tiếp cận vaccine COVID hiện tại – sử dụng nguồn cung có hạn để bảo vệ nhóm dân số ít chịu rủi ro ở một vài quốc gia, trong khi các nền kinh tế thu nhập thấp và trung bình thì mòn mỏi chờ đợi – hoàn toàn không hề hợp lý. Nỗ lực tiêm chủng toàn cầu chỉ có thể thành công khi đảm bảo được tính công bằng và dựa trên ba trụ cột.

.

Trong khi Mỹ thừa vaccine thì người dân ở các nước nghèo lại đang mòn mỏi chờ đợi.

Đại dịch chỉ thật sự kết thúc khi tất cả, bao gồm người dân ở những nước nghèo nhất, đều được tiêm vaccine. Việc tiêm chủng trên quy mô toàn cầu là niềm hy vọng lớn nhất để ngăn chặn tình trạng lây nhiễm, bảo vệ mạng sống cũng như sinh kế của người dân. Con người sẽ không thể phát triển hết tiềm năng khi chưa được quay lại học tập, làm việc, du lịch và hòa nhập xã hội trong sự tin tưởng rằng họ đã an toàn.

Nhu cầu phân phối vaccine rộng khắp vì thế lại càng trở nên cấp thiết. Dịch đã làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng khi tấn công nhóm người nghèo và dễ bị tổn thương nhất. Phụ nữ, trẻ em, người nghèo và lao động trong khu vực phi chính thức ở các nước đang phát triển phải trả giá đắt do bị tước sinh kế, trường học đóng cửa và tiêu dùng xã hội khẩn cấp bị gián đoạn. Cái hố này lại càng rộng ra khi việc triển khai tiêm chủng ở các nước đang phát triển bị chậm trễ, đặt hàng trăm triệu người già và nhóm dễ tổn thương trước nguy cơ. Tôi đã không ngừng kêu gọi những quốc gia có đủ nguồn cung vaccine hãy chi viện cho các nước nghèo càng sớm càng tốt, thông qua những chương trình phân phối sẵn có.

Một vài quốc gia đã hoàn thành và vượt xa mục tiêu tiêm chủng cho công dân thuộc nhóm rủi ro cao nhất của họ, trong khi nhiều nước khác hiện vẫn chưa nhận được liều nào – còn xa mới đủ để chủng ngừa rộng rãi cho nhóm dễ bị tổn thương. Các quốc gia nghèo nhất thường có khả năng tiêm chủng giới hạn, và vì thế sẽ mất nhiều tháng để những nhóm rủi ro cao nhất được trích ngừa đầy đủ.

Cách tiếp cận này thực sự rất không hợp lý. Nhiều người sẽ bỏ mạng, kinh tế toàn cầu sẽ phục hồi và tăng trưởng không đồng đều. Ngay cả các nước đã đạt tỷ lệ tiêm chủng cao cũng vẫn sẽ gặp rủi ro trước những biến thể mới nếu các quốc gia đang phát triển không có cơ hội tiếp cận vaccine tốt hơn. Việc tiêm chủng rộng rãi cho những nhóm dễ bị tổn thương càng chậm trễ thì nguy cơ nghèo đói cùng cực sẽ càng tăng trong giai đoạn 2021 – 2022, kéo theo khủng hoảng xã hội và y tế trong tương lai.

Nhiệm vụ quan trọng đối với mọi nước bây giờ là cần sớm thực hiện chiến dịch tiêm chủng trên quy mô lớn. Tuy nhiên, các quốc gia có nguồn lực hạn chế và hệ thống y tế mong manh lại gặp khó khăn đặc biệt trong công tác hậu cần. Đợt bùng phát dịch mới đây ra thảm họa cho Ấn Độ, tình trạng lây nhiễm mới và số ca tử vong gia tăng ở Mỹ Latin là lời cảnh tỉnh nghiệt ngã rằng người nghèo trên khắp thế giới vẫn là nhóm hứng chịu nhiều đau khổ nhất.

Nỗ lực tiêm chủng toàn cầu thành công cần dựa trên ba trụ cột. Trước hết, những nước có đủ nguồn cung vaccine nên chia sẻ ngay cho nhóm dễ bị tổn thương, thông qua quyền tùy chọn, thực hành hướng dẫn tiêm chủng, truyền đạt thông tin rõ ràng đến nhà sản xuất rằng họ có thể gửi hàng sớm mà không bị rủi ro pháp lý. Hoặc các quốc gia có thể thực hiện cam kết tài trợ vaccine thông qua COVAX (Cơ chế tiếp cận vaccine COVID-19 toàn cầu) do cộng đồng quốc tế xây dựng nhằm phân phối vaccine công bằng hơn cho những nước nghèo.

Ngân hàng Thế giới (WB) đã duyệt chi nguồn tài chính cho 22 quốc gia đang phát triển, và kỳ vọng sẽ có thêm nhiều nước nữa từ giữa năm nay, dưới một quy trình khẩn trương mà chúng tôi từng áp dụng để hỗ trợ đối phó COVID khẩn cấp trong năm 2020. Khoản tiền 12 tỷ USD này có thể thúc đẩy tốc độ triển khai tiêm chủng thông qua các hệ thống chăm sóc y tế quốc gia, thanh toán tiền mua hàng và vận chuyển vaccine khi cần. Những hợp đồng chuẩn hóa và minh bạch là rất quan trọng để đảm bảo vaccine được phân phối công bằng. Thông qua COVAX – dự kiến sẽ chủng ngừa cho khoảng 20% dân số thuộc nhóm dễ bị tổn thương ở các nước, nguồn tài trợ của WB có thể được sử dụng để mua và phân phối vaccine tới nhiều người hơn.

Thứ hai, những hợp đồng được ký kết giữa các chính phủ, công ty dược phẩm và những tổ chức tham gia vào quá trình sản xuất, phân phối vaccine cần phải minh bạch để đảm bảo nguồn tài trợ được điều phối tốt, đồng thời nước thụ hưởng có thể lên kế hoạch tiếp nhận và triển khai hiệu quả. Điều này cũng rất quan trọng để khuyến khích khu vực tư nhân đầu tư mở rộng nguồn cung.

Trên tinh thần đó, WB vừa ra mắt một nền tảng cổng thông tin trực tuyến, cung cấp đầy đủ thông tin về các dự án, bao gồm hoạt động tài trợ cho từng quốc gia. Nền tảng này cũng tích hợp những kết quả được đúc kết từ các cuộc đánh giá mức độ sẵn sàng sử dụng vaccine mà chúng tôi đã thực hiện tại hơn 140 quốc gia trong nửa năm qua – hợp tác chặt chẽ cùng Gavi, Liên minh Vaccine Alliance, Quỹ Global Fund, WHO và UNICEF. Chúng tôi kêu gọi sự vào cuộc của những nhà sản xuất vaccine, người mua và các bên trung gian, đồng thời thỉnh cầu các bên kiểm soát nguồn cung vaccine đã được phê duyệt chuyển chúng tới những chương trình đáng tin cậy và được tài trợ tốt.

Trụ cột thứ ba là cần tăng cường năng lực sản xuất vaccine. Tập đoàn International Finance Corporation (IFC) trực thuộc WB đã đầu tư hơn 800 triệu USD vào lĩnh vực chăm sóc y tế, bao gồm cả sản xuất vaccine. Và thêm 1,2 tỷ USD nữa chuẩn bị được giải ngân thông qua kênh Global Health Platform – mục tiêu tài trợ 4 tỷ USD để giúp đáp ứng nhu cầu cấp thiết về vaccine, thiết bị và dịch vụ y tế. IFC đang tích cực hợp tác cùng nhiều chính phủ và doanh nghiệp trong giai đoạn đầu của các dự án sản xuất dược phẩm khả thi về mặt thương mại, bao gồm cả vaccine COVID.

Đại dịch lần này đã lấn át hệ thống y tế thế giới, ngay cả ở những quốc gia phát triển nhất. Vì vậy, chúng ta cần nhanh chóng củng cố năng lực y tế, không phải chỉ để hoàn thành nhiệm vụ tiêm chủng mà còn là ngăn chặn, điều trị và đảm bảo các dịch vụ y tế thiết yếu được cung cấp đầy đủ.

Đây sẽ là chiến dịch tiêm chủng lớn chưa từng có trong lịch sử về quy mô, tốc độ và mức độ phức tạp. Mục tiêu của chúng ta là chiến dịch cần được triển khai nhanh nhất, rộng nhất và an toàn nhất có thể; học hỏi từ những gì đã làm được và chưa làm được; đồng thời tăng cường sự chuẩn bị cùng năng lực chịu lỗi cho các cuộc khủng hoảng có khả năng xảy ra trong tương lai.

(*) Bài viết của Ngài David Malpass, chủ tịch World Bank.