Khi Việt Nam hội nhập sâu, gia nhập TPP và FTA, việc đối mặt với những thách thức lớn về sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn đo lường chất lượng, đổi mới KH&CN... sẽ trở nên ngày càng bức thiết.

Trong thời gian gần đây, dự luận đặc biệt quan tâm tới vấn đề nhập khẩu thiết bị cũ, giải pháp nào để Việt Nam không trở thành "bãi rác công nghiệp"... Để hiểu rõ hơn vấn đề này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Đỗ Hoài Nam – Vụ trưởng Vụ thẩm định, đánh giá và giám định công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ).

Thông tư 20 năm 2014 có nhiều điểm bất lợi cho doanh nghiệp, Chính phủ yêu cầu sửa đổi. Xin Vụ trưởng cho biết hướng sửa đổi hiện nay như thế nào và tiến độ ban hành Thông tư mới?

Ông Đỗ Hoài Nam:Sau khi có kiến nghị của doanh nghiệp về các vướng mắc và sự phối hợp của các bộ, ngành chưa được chặt chẽ trong quá trình chuẩn bị triển khai thực hiện Thông tư 20, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã tạm ngưng hiệu lực của Thông tư 20. Đến nay, sau quá trình trao đổi với các bộ, ngành, các doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp, VCCI... Bộ KH&CN đã sửa đổi Thông tư số 20 với 1 số nội dung cơ bản như sau: Yêu cầu về tuổi thiết bị không vượt quá 10 năm, tính từ năm sản xuất đến năm nhập khẩu; Các thiết bị này được sản xuất theo tiêu chuẩn phù hợp với quy định của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hoặc tiêu chuẩn quốc gia hoặc tiêu chuẩn của các nước G7 về an toàn, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường.

Ngoài ra, căn cứ tính chất đặc thù của ngành lĩnh vực, Bộ trưởng các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực quyết định việc quy định yêu cầu khác với yêu cầu cụ thể quy định tại Thông tư này và chịu trách nhiệm về quyết định đó.

Ông Đỗ Hoài Nam – Vụ trưởng Vụ thẩm định, đánh giá và giám định công nghệ

Ông Đỗ Hoài Nam – Vụ trưởng Vụ thẩm định, đánh giá và giám định công nghệ

Riêng đối với các dự án FDI, trong trường hợp doanh nghiệp nước ngoài chuyển cả dây chuyền công nghệ đang sản xuất từ nước ngoài về VN nếu trong hồ sơ dự án đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của Luật Đầu tư đã có kèm theo danh mục máy móc thiết bị dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng sẽ được nhập khẩu mà không phải áp dụng điều kiện nêu trên. Cơ quan có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư và cấp chứng nhận đăng ký đầu tư (nếu cần) có thể xin ý kiến của cơ quan quản lý KH&CN trước khi quyết định. Sau khi nhập khẩu doanh nghiệp không được phép bán hoặc chuyển nhượng dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng cho doanh nghiệp khác hoặc dự án khác.

Để đảm bảo thuận lợi cho doanh nghiệp khi thông quan: Dự thảo Thông tư cũng quy định doanh nghiệp có thể đưa thiết bị cũ về bảo quản và phải hoàn thành các thủ tục thông quan trong thời hạn theo quy định của Luật Hải quan.

Về tổ chức giám định, dự thảo quy định bao gồm tổ chức giám định trong nước (hoạt động theo Luật Thương mại, tổ chức giám định nước ngoài hoạt động theo luật các nước sở tại nơi tổ chức giám định đăng ký hoạt động giám định).

Về thời gian hiệu lực của Thông tư, dự kiến 6 tháng sau khi thông tư được ban hành để các doanh nghiệp và các cơ quan có liên quan chuẩn bị các điều kiện để thực hiện thông tư.

Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc muốn đầu tư sản xuất tại Việt Nam bằng cách di chuyển cả nhà máy về Việt Nam, nếu áp dụng yêu cầu tuổi thiết bị nhập khẩu không quá 10 năm theo Thông tư này sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch này, vậy các doanh nghiệp này có cơ hội để tiếp tục đầu tư tại Việt Nam không? Vì các nhà máy này được lắp đặt quá 10 năm ở nước ngoài.

Ông Đỗ Hoài Nam: Khi lập hồ sơ dự án đầu tư tại Việt Nam, cần liệt kê rõ danh mục thiết bị cũ dự kiến nhập khẩu, để được các cơ quan có thẩm quyền xem xét ngay giai đoạn này. Sau khi được quyết định chủ trương đầu tư hoặc cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc thông báo đầu tư, doanh nghiệp được nhập khẩu thiết bị cũ mà không phải áp dụng điều kiện về tuổi thiết bị. Tuy nhiên sau khi nhập khẩu, dây chuyền công nghệ, thiết bị này sẽ không được bán, chuyển nhượng cho đối tác khác ở Việt Nam.

Trường hợp không liệt kê danh mục thiết bị cũ trong hồ sơ dự án, doanh nghiệp phải đáp ứng điều kiện như các trường hợp khác (tuổi thiết bị không vượt quá 10 năm).

Ngoài ra, nếu các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực quy định yêu cầu cho lĩnh vực đặc thù (tuổi thiết bị thấp hơn hoặc cao hơn 10 năm) thì doanh nghiệp thực hiện theo quy định của Bộ đó.

Trường hợp bất khả kháng mà cần nhập khẩu để duy trì sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp cần nộp hồ sơ về Bộ KHCN để xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Các công nghệ, máy móc, dây truyền,.. cũ, đã qua sử dụng và lạc hậu có năng suất thấp và hao tốn đầu vào. Vậy tại sao Bộ không cấm hoặc tăng thuế cao để hạn chế tối đa việc nhập và sử dụng các công nghệ, máy móc đó?

Ông Đỗ Hoài Nam: Về vấn đề quản lý máy móc thiết bị, dây truyền công nghệ đã qua sử dụng từ những năm 97 - 98, Bộ KH&CN và Môi trường đã có các Quyết định số 2019 và 491 quy định những yêu cầu chung về kỹ thuật đối với việc nhập khẩu thiết bị đã qua sử dụng trong đó đã quy định tuổi của thiết bị không quá 5 năm và chất lượng còn lại phải từ 80% trở lên. Tuy nhiên, đến năm 2003 các quyết định này đã bị bãi bỏ và qua theo dõi hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp, Bộ KH&CN nhận thấy nhiều doanh nghiệp nhập khẩu máy móc thiết bị, dây truyền công nghệ đã qua sử dụng, trong đó có nhiều máy móc thiết bị lạc hậu gây ô nhiễm môi trường.

Nghị định số 187 hướng dẫn thi hành Luật Thương mại đã ban hành danh mục các hàng hóa cấm nhập khẩu trong đó có các máy móc thiết bị, ngoài những máy móc thiết bị thuộc danh mục cấm các Bộ ngành cũng đã ban hành danh mục các máy móc thiết bị hàng hóa thuộc nhóm 2 (hàng hóa có khả năng gây mất an toàn) theo quy định của Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa.

Tuy nhiên, trên thực tế nhiều máy móc thiết bị dây truyền công nghệ, tuy đã qua sử dụng nhưng vẫn có thể sử dụng để sản xuất và kinh doanh hiệu quả trong điều kiện các doanh nghiệp VN còn có khó khăn về vốn đầu tư. Chính vì vậy, cần phải ban hành quy định về quản lý nhập khẩu máy móc thiết bị đã qua sử dụng để vừa tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhưng vẫn ngăn chặn được việc nhập khẩu các máy móc thiết bị dây truyền công nghệ lạc hậu vào VN.

Rõ ràng các doanh nghiệp nhập khẩu thiết bị hiểu rõ tác hại rất lớn của việc nhập các thiết bị cũ kỹ, lạc hậu vào Việt Nam. Tuy nhiên vì lợi nhuận nên họ bất chấp thực hiện thậm chí cản trở việc hình thành các hàng rào kỹ thuật. Với rào cản như vậy liệu có thể giải quyết được bài toán mà Bộ KH&CN đưa ra hay không?

Ông Đỗ Hoài Nam: Mọi người đều biết nếu nhập khẩu máy móc thiết bị càng cũ thì lợi nhuận của doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu càng cao. Với các quy định về yêu cầu kỹ thuật chung đối với máy móc thiết bị đã qua sử dụng năm 1997 - 1998 cho đến năm 2003 đã phần nào ngăn chặn được các máy móc thiết bị cũ có công nghệ lạc hậu vào VN.

Từ năm 2012, với thông báo số 2527 về việc tạm ngừng nhập khẩu máy móc thiết bị đã qua sử dụng và chỉ thị số 17 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý kiểm soát máy móc thiết bị nhập khẩu của doanh nghiệp đã ngăn chặn được các máy móc thiết bị cũ, lạc hậu mà các nước đã công bố loại bỏ.

Với các quy định tại Thông tư sửa đổi Thông tư số 20, chắc chắn chúng ta sẽ quản lý được việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng có công nghệ lạc hậu (thế hệ công nghệ cũ), có khả năng gây mất an toàn, tiêu tốn nhiều năng lượng nhiên liệu và tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.