“Chúng tôi nhận thấy bất cập lớn nhất trong hoạt động kiểm tra chuyên ngành lâu nay là tư duy “bắt nhầm còn hơn bỏ sót”. Việc Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) thay đổi tư duy, giảm mạnh số mặt hàng phải kiểm tra trước khi thông quan là rất ấn tượng”.

Ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - nói.

Ngoài ông Tuấn, nhiều ý kiến khác cũng đánh giá cao nỗ lực tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và sự tiên phong của Bộ KH&CN trong vấn đề này sau khi nghe báo cáo mà ông Bùi Thế Duy - Chánh Văn phòng Bộ KH&CN - trình bày ngày 20/10 trước Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ kiểm tra việc thực hiện các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng giao Bộ KH&CN và công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.

Hậu kiểm 91% số sản phẩm hàng hóa

Ông Bùi Thế Duy cho biết, hiện danh mục các mặt hàng phải kiểm tra thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ KH&CN gồm có 24 nhóm sản phẩm hàng hóa. Trước đây, toàn bộ số mặt hàng này được kiểm tra trước thông quan, nhưng nay 22 nhóm (chiếm 91%) đã chuyển sang kiểm tra sau thông quan. Hiện chỉ còn lại 2 nhóm sản phẩm hàng hóa (chiếm 9%) phải kiểm tra trước thông quan là xăng dầu và khí dầu mỏ hóa lỏng.

Nhiều biện pháp đã được Bộ KH&CN áp dụng để rút ngắn thời gian kiểm tra chuyên ngành. Trước đây, thời gian từ khi doanh nghiệp đăng ký kiểm tra đến khi có thông báo kiểm tra nhà nước về chất lượng (bao gồm cả thời gian chứng nhận hợp quy và thời gian thực hiện thủ tục kiểm tra) trung bình là 23 ngày.

Hiện nay, khoảng thời gian này được rút ngắn: 1,26 ngày với nhóm sản phẩm khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG), 6,01 ngày với nhóm sản phẩm điện - điện tử, xăng và nhiên liệu diesel là 3,99 ngày, đồ chơi trẻ em là 8,23 ngày và thép là 9,71 ngày. Trong đó, thời gian dành cho hoạt động kiểm tra tương ứng với từng nhóm chỉ là 1 và 1,28 ngày.

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: HM
Bộ trưởng Chu Ngọc Anh phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: HM

Đặc biệt, từ ngày 1/10/2017, khi thông tư số 07/2017/TT-BKHCN có hiệu lực thi hành đối với các hàng hóa chuyển sang hậu kiểm, thời gian cơ quan kiểm tra xác nhận người nhập khẩu đã đăng ký kiểm tra chất lượng hàng hóa nhập khẩu để thông quan đối đa là 1 ngày.

“Như vậy, thời gian kiểm tra dự kiến giảm xuống chỉ từ 0,5 đến 1 ngày” - ông Bùi Thế Duy nhấn mạnh. Riêng đối với sản phẩm xăng dầu, LPG, thời gian thực hiện kiểm tra chất lượng theo quy định là 3 ngày làm việc, nhưng thời gian kiểm tra thực tế hiện nay chỉ là 1,26 ngày.

Xã hội hóa mạnh về đánh giá sự phù hợp

Báo cáo do ông Bùi Thế Duy trình bày tại buổi làm việc cũng cho thấy, để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu, nhiều hàng hóa đã được công nhận, thừa nhận kết quả kiểm tra chuyên ngành về chất lượng, an toàn thuộc lĩnh vực KH&CN.

Bộ KH&CN đã ký kết thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau trong ASEAN về thiết bị điện - điện tử (ASEAN EE MRA), các hiệp định và thoả thuận với Ukraine, Đài Loan, Belarus, Hàn Quốc; thông báo thừa nhận kết quả đánh giá sự phù hợp của 2 tổ chức đánh giá sự phù hợp của Nhật Bản.

Bộ cũng đã thúc đẩy các tổ chức đánh giá sự phù hợp được chỉ định thực hiện cơ chế thừa nhận kết quả kỹ thuật, chấp nhận kết quả đánh giá sự phù hợp từ nước xuất khẩu đối với 42 tổ chức thử nghiệm (thuộc các nước: Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan, Nhật Bản) đối với các sản phẩm, hàng hóa thuộc phạm vi quản lý của Bộ KH&CN (LPG, thép...).

Bộ cũng đẩy mạnh việc đánh giá tại nguồn (tại cơ sở sản xuất nước ngoài) đối với hơn 32 doanh nghiệp thuộc các nước Nhật Bản, Thái Lan, Indonesia, Trung Quốc, Hàn Quốc...

Ông Mai Tiến Dũng - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ - đánh giá, Bộ KH&CN đã có quyết tâm rất cao, mẫu mực trong việc thực hiện cải cách: “Nhiều nơi còn tình trạng độc quyền trong đánh giá sự phù hợp, kiểm nghiệm, nhưng Bộ KH&CN không vấp phải điều này mà xã hội hóa rất mạnh, có thể nói là ưu việt nhất”.

Theo ông Đậu Anh Tuấn, việc tiền kiểm sẽ khiến doanh nghiệp phải gánh chi phí rất lớn. Nhập khẩu một lô thép có thể mất gần nửa tháng trời - theo phản ánh của doanh nghiệp. Tình trạng độc quyền của các cơ sở xác nhận, đánh giá sự phù hợp cũng gây rất nhiều khó khăn.

Ông Tuấn cho rằng, tình trạng độc quyền này rất phổ biến, nên việc Bộ KH&CN thực hiện xã hội hóa hoàn toàn hoạt động đánh giá sự phù hợp phục vụ hoạt động kiểm tra chuyên ngành, chỉ định tới 69 tổ chức đánh giá sự phù hợp để phục vụ quản lý nhà nước đối với sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 là rất đáng khích lệ.

Còn ông Ngô Minh Hải - Phó Cục trưởng Cục Giám sát, quản lý về hải quan, Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính - đánh giá, thông tư 07/2017 của Bộ KH&CN đã giải quyết căn bản các vướng mắc theo yêu cầu của Nghị quyết 19 và mở đường cho việc áp dụng quản lý rủi ro, hậu kiểm đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.

“Chúng tôi đánh giá rất cao quy định này và trên thực tế từ khi áp dụng quy định mới, về cơ bản hải quan không bị vướng. Cho đến nay, trong các bộ, mới chỉ có Bộ KH&CN chính thức thực hiện yêu cầu của Chính phủ là cắt giảm ít nhất 50% danh mục hàng hóa phải kiểm tra trước thông quan, thậm chí bộ cắt tới 96%” - ông Ngô Minh Hải nói.

Phó Cục trưởng Cục Giám sát, quản lý về hải quan cũng đề nghị Bộ KH&CN trong thời gian tới tiếp tục rà soát lại các quy định, bởi nhiều văn bản trước đó chưa thống nhất với nội dung đổi mới trong các văn bản gần đây, cần sửa đổi, bổ sung.

Cũng đánh giá cao các biện pháp mà Bộ KH&CN đã và đang thực hiện, Phó Giáo sư - tiến sỹ Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam - cho rằng, trong lĩnh vực tiêu chuẩn, quy chuẩn, Bộ KH&CN là trụ cột chính. Theo ông, bộ cần phối hợp được với các bộ, ngành liên quan khác trong việc xây dựng bộ tiêu chuẩn tốt để đảm bảo các doanh nghiệp chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm, hàng hóa của mình.

“Siết chặt quy chuẩn thì các doanh nghiệp làm ăn đàng hoàng mới phát triển được. Bộ KH&CN với vị thế "cầm cờ" nên chọn một số sản phẩm trọng điểm quốc gia để triển khai vấn đề này” - Phó Giáo sư Trần Đình Thiên nói và gợi ý, với vai trò chủ chốt trong đánh giá chất lượng sản phẩm, thiết bị, Bộ KH&CN cần có tư duy chiến lược để đáp ứng yêu cầu quản lý do thực tiễn đặt ra.