Những khía cạnh không mấy tốt đẹp của đồng Bitcoin như tỉ giá biến động với tốc độ chóng mặt và sự xuất hiện của những kẻ lợi dụng điều đó để tạo ra những đồng “tiền ảo” lừa đảo người dân theo kiểu bán hàng đa cấp khiến cho Việt Nam có phần dè dặt với tiền mã hóa.

Làm thế nào để vừa khuyến khích những mặt tốt đẹp của tiền mã hóa và công nghệ blockchain đằng sau nó và vừa hạn chế những khuyết thiếu của nó, là bài toán đau đầu không chỉ với Việt Nam mà còn với tất cả các quốc gia trên thế giới.

Bitcoin hay tiền mã hóa (cryptocurrency), rộng hơn là crypto token đưa đến một bài toán kinh điển về việc xử sự như thế nào với một công nghệ mới. Mọi quốc gia đều trải qua năm bước tiếp cận với nó ở góc độ chính sách và pháp luật, bao gồm: bước một, để công nghệ mới “tự thân vận động” mà chưa định danh một luật hoặc chính sách điều tiết cụ thể nào; bước hai đưa ra các chính sách cấm việc mua bán, giao dịch, thể hiện một thái độ “cảnh giác” với công nghệ mới và những hệ quả xấu của nó; bước ba là tìm hiểu và nghiên cứu để làm sao quản lý tốt hơn với công nghệ này; bước bốn là đưa ra khung pháp lý để kiểm soát, phần lớn không phải là luật mới mà chỉ là các văn bản hướng dẫn; bước cuối cùng là cho phép huy động vốn bằng tiền mã hóa (ICO – intial coin offering). Theo đó, Việt Nam đang tiến đến mức ba còn nhiều quốc gia khác như Mỹ, các quốc gia châu Âu và một số nước châu Á đã tiệm cận mức
cuối cùng.

Quan niệm của các nước về tiền mã hóa thể hiện rõ nhất ở cách thức họ đánh thuế các giao dịch sử dụng chúng. Việt Nam đã thể hiện quyết định tương đối rõ ràng về tiền mã hóa thông qua tuyên bố của Ngân hàng Nhà nước rằng không thừa nhận tiền mã hóa là một dạng tiền tệ cũng như một hình thức thanh toán. Trong khi đó, đa số các quốc gia trên thế giới đã nhanh chóng vận dụng những điều kiện luật pháp có sẵn và những thế mạnh trong quản lý kinh tế-xã hội để chấp nhận đây là một hình thức thanh toán và trao đổi thương mại.

Nguồn: Mojix.com

Chẳng hạn như ở Úc, việc trao đổi lấy hàng đổi hàng được chấp nhận rộng rãi bởi pháp luật trong cả giao dịch dân sự lẫn thương mại nên vào năm 2013, nước này đã coi tiền mã hóa là một dạng hàng hóa và đánh thuế gián thu (loại thuế đánh vào người tiêu dùng nhưng được thu trung gian qua tổ chức, doanh nghiệp, chẳng hạn như thuế VAT) cho mỗi giao dịch.

Một số nước thuộc khối EU, thì coi tiền mã hóa là một hình thức thanh toán do tư nhân phát hành nên đánh thuế nó ngang mức hàng hóa nhưng lại không đòi hỏi thuế gián thu. Ở Singapore, nơi đã có nhiều kinh nghiệm trong việc huy động và quản lý vốn đầu tư thì tạo ra hộp cát trong luật (regulatory sandbox), nới lỏng các điều kiện luật pháp hiện hành để thử nghiệm hình thức kêu gọi vốn thông qua việc phát hành tiền điện tử (ICO) trong một quy mô nhỏ, có thể kiểm soát được. Ở Mỹ đánh thuế tiền mã hóa như với tài sản.

Với ICO, quốc gia này chia tiền điện tử thành ba hình thức coin (hình thức thanh toán giống như Bitcoin, Ethereum), utility token (giống như một dạng voucher mà các công ty phát hành cho khách hàng để họ sử dụng dịch vụ của mình), security token (tiền mã hóa mà các công ty phát hành để gọi vốn). Theo đó, coin và security token có khi được coi như một hình thức cổ phiếu và được điều chỉnh bởi luật chứng khoán.

Chị Nguyễn Huỳnh Phương Thảo, cố vấn pháp luật của công ty Infinity Blockchain Lab (một trong những công ty tiên phong ở Đông Nam Á trong việc nghiên cứu và phát triển các sản phẩm liên quan đến công nghệ blockchain), cho biết trong cuộc hội thảo về Blockchain và Big Data tại viện Pháp ngữ diễn ra vào ngày 4/5 vừa qua, “currency” vốn được dịch ra Tiếng Việt là “tiền” nên khá “nhạy cảm” do chỉ được hiểu là phương tiện thanh toán do nhà nước phát hành. Trong khi đó, với những ví dụ ở trên, trên thế giới một số nước đã hợp pháp hóa tiền mật mã và thừa nhận nó như một hình thức thanh toán, nhưng điều đó không có nghĩa là họ coi đây như một loại tiền tệ. Họ thường coi nó như một dạng tài sản, là hàng hóa, ngoại tệ hoặc cổ phiếu. Sự linh hoạt đối với việc điều chỉnh đồng tiền này của các chính phủ thể hiện tinh thần ủng hộ công nghệ - đổi mới sáng tạo và mong muốn thu hút nhiều vốn đầu tư.

Theo chị Thảo, “Các nước không quá khắt khe với tiền mã hóa. Họ chỉ muốn hướng dẫn làm thế nào để định danh các giao dịch nhằm ngăn chặn các hoạt động rửa tiền và tài trợ khủng bố, đồng thời đưa ra một cách đánh thuế rõ ràng”.

Việc thất thoát thuế và sự trỗi dậy của “giới xã hội đen” là nỗi sợ của tất cả các chính phủ khi đối mặt với tiền mã hóa và tính phi tập trung (không cần sự điều hành của một cơ quan trung ương) của nó. Chính vì vậy mà nhiều nước bao gồm Mỹ, Anh, các nước thuộc khu vực EU vàmột sốnước châu Á như Nhật Bản và Hàn Quốc áp dụng quy tắc KYC (know your customer – xác định danh tính người mua hàng) vàAML (anti money laundering – chống rửa tiền) chặt chẽ.

Chẳng hạn như Hàn Quốc đòi hỏi tên tài khoản giao dịch tiền mật mã phải khớp với tên tài khoản ngân hàng nếu muốn gửi tiền vào ví điện tử. Hay Sở Thuế vụ Mỹ (I.R.S) đã thuyết phục được thẩm phán liên bang yêu cầu một trong những sàn giao dịch tiền mật mã nổi tiếng Coinbase phải tiết lộdanh tính khách hàng của 14.000 tài khoản trên đó (tương đương với khoảng chín triệu giao dịch).

Tuy nhiên, những chính sách này đã vi phạm một trong những đặc điểm “ưu việt” của tiền mật mã đó làcho phép người sử dụng nó ẩn danh, dù ở bất kì đâu trên thế giới, miễn là có kết nối internet. Hiện nay, chưa có cách nào cóthể dung hòa giữa mục tiêu quản lý nhà nước với sự tự do của tiền mật mã. Điều đó có nghĩa là những người trao đổi, buôn bán bằng tiền điện tử phải học cách tin vào chính phủ.

Để Chính phủ hành động đúng

Vào tháng 8 năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo. Và theo dự kiến, đến cuối năm 2020, bộ Tư pháp mới hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng sửa đổi, bổ sung các luật liên quan đến nội dung này. Tuy nhiên, chỉ có thể đưa ra những chính sách đúng đắn nếu chính phủ thực sự hiểu về vấn đề này. Vì vậy, thiết lập một tổ tư vấn về tiền mã hóa và những gì liên quan bao gồm những nhà phát triển công nghệ, nhà đầu tư và ngân hàng là điều cần thiết. Bản thân Pháp cũng đang làm điều này.

Theo các chuyên gia trên tạp chí công nghệ Wired, để thúc đẩy công nghệ blockchain, một trong những công nghệ đứng sau tiền điện tử và có thể ứng dụng trong nhiều lĩnh vực, chính phủ cũng không thể tự làm một mình mà phải tìm chuyên gia thực sự. Naval Ravikant, CEO và người sáng lập của AngelList và CoinList tin rằng chỉ có một vài trăm kĩ sư trên thế giới đủ năng lực để viết các giao thức internet thế hệ tiếp theo như blockchain. Blockchain không chỉ là việc lập trình, nó là sự kết hợp của kỹ thuật, kinh tế/ lý thuyết trò chơi, tâm lý học và toán học. Hẳn là có lý do khi các công cụ đằng sau Bitcoin (như hàm băm và chữ kí số) đã được phát minh và ứng dụng cách đây rất lâu nhưng đến năm 2009, Satoshi Nakamoto mới tạo ra được Bitcoin – rất khó để tạo ra một hệ thống hoàn hảo như vậy và thực ra người ta vẫn tranh cãi là nó có thực sự hoàn hảo hay không.