“Để Khu công nghệ cao (CNC) Hòa Lạc có thể tiếp nhận, trình diễn và chuyển giao công nghệ thành công rất cần sự giúp sức, chung tay của đại diện khoa học - công nghệ Việt Nam tại nước ngoài”.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Đại Dương - Trưởng ban quản lý Khu CNC Hòa Lạc - đã nhấn mạnh điều này trong buổi gặp mặt đại diện khoa học - công nghệ Việt Nam ở nước ngoài tổ chức ngày 22/12 tại Khu CNC Hòa Lạc.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Đại Dương phát biểu tại buổi giao lưu. Ảnh: Ngũ Hiệp
Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Đại Dương phát biểu tại buổi giao lưu. Ảnh: Ngũ Hiệp

Cần có ngân hàng thông tin về khoa học, công nghệ

Phát biểu tại buổi gặp, Thứ trưởng Phạm Đại Dương cho biết, đến nay các yếu tố khách quan tạo nên sự thành công của Khu CNC Hòa Lạc đã có: Công tác giải phóng mặt bằng đã cơ bản hoàn thành, cơ sở hạ tầng trong khu sẽ được hoàn thiện vào năm 2018, cơ chế đặc thù của Khu CNC Hòa Lạc cũng đã được xây dựng.

Ông Lâm Thanh - Giám đốc ban Khoa học và Công nghệ tại Khu CNC Hòa Lạc - cho rằng tiếp nhận, trình diễn và chuyển giao công nghệ là hoạt động hai chiều giữa Việt Nam và quốc tế. Trên thực tế, chúng ta có cơ sở dữ liệu khoa học, công nghệ (KHCN) lớn, lượng người làm khoa học, công nghệ nhiều nhưng lại chưa có được ngân hàng thông tin về khoa học và công nghệ, cũng như chưa biết sử dụng sức mạnh của mạng xã hội để những người làm KHCN có thể tìm kiếm, kết nối, giao lưu với nhau.

“Vì vậy, các đại diện KHCN Việt Nam tại nước ngoài sẽ trở thành cầu nối đưa thông tin về khu CNC tới doanh nghiệp các nước. Ngoài ra, các đại diện có thể cung cấp cho ban quản lý thông tin về những sự kiện KHCN lớn để chuyển cho các doanh nghiệp trong khu CNC” - ông Thanh nói. Bên cạnh đó, ban quản lý đề nghị đại diện KHCN giới thiệu các doanh nghiệp, doanh nhân, quỹ đầu tư chuyên về khoa học - công nghệ muốn đầu tư vào Việt Nam, tìm kiếm đối tác hợp tác. Ông Lâm Thanh cũng mong muốn các đại diện khoa học - công nghệ Việt Nam tại nước ngoài cung cấp thông tin về mô hình tổ chức, chính sách hoạt động của các khu CNC tại các nước mình đang công tác, từ đó tìm ra những phương thức phù hợp để áp dụng vào Việt Nam.

Cần số liệu cụ thể

Chia sẻ với những mong muốn của Ban quản lý Khu CNC Hòa Lạc, nhiều đại diện KHCN Việt Nam tại nước ngoài gợi ý những thông tin cần thiết trong quá trình chuyển giao công nghệ.

Ông Việt Khôi - Trưởng đại diện khoa học và công nghệ Việt Nam tại Tokyo, Nhật Bản - nói: “Một trong những vướng mắc trong chuyển giao công nghệ nằm ở chỗ các doanh nghiệp đưa ra yêu cầu công nghệ không rõ ràng”.

Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Khắc Tuấn - đại diện KHCN ở New Delhi, Ấn Độ - cho rằng: “Ấn Độ có thế mạnh về công nghệ sản xuất pin năng lượng mặt trời, vắcxin, có mô hình thung lũng Silicon… Tuy nhiên, các đối tác Việt Nam cần đưa ra yêu cầu cụ thể, số liệu rõ ràng”.

Đề đạt rõ hơn nguyện vọng, ông Nguyễn Ninh Hồng Quang - Phó Giám đốc Văn phòng Chuyển giao công nghệ, đơn vị trực tiếp quản lý việc tiếp nhận, trình diễn và chuyển giao công nghệ - chia sẻ: “Chúng tôi muốn được biết đến CNC của các nước. Bên cạnh đó, ban quản lý sẽ tạo kênh thông tin trao đổi trực tiếp để biết các doanh nghiệp cần gì, từ đó hình thành cơ chế đặt hàng: Gửi tới các đại diện KHCN những nhu cầu công nghệ sau khi xác thực để nhờ họ tìm kiếm, kết nối tới những địa chỉ cụ thể mà mình quan tâm”. Ngoài ra, ông Quang cho biết, Văn phòng Chuyển giao công nghệ mong muốn được thông tin về các buổi hội thảo và những buổi giới thiệu công nghệ của doanh nghiệp tại nước ngoài để học hỏi và tiếp nhận công nghệ.

Theo Thứ trưởng Phạm Đại Dương, từ năm 2016 trở đi là thời điểm thuận lợi để thực hiện hai nhiệm vụ cơ bản: Kêu gọi đầu tư với các doanh nghiệp, viện nghiên cứu của các nước có tiềm năng trong lĩnh vực dịch vụ và công nghệ; tiếp nhận, trình diễn và chuyển giao công nghệ để phát huy tiềm năng phát triển KHCN của đất nước. “Cả hai nhiệm vụ này rất cần có sự giúp sức, hỗ trợ, chung tay của đại diện KHCN Việt Nam tại nước ngoài” - Thứ trưởng Phạm Đại Dương nhấn mạnh.

Thời gian qua, công tác xúc tiến đầu tư đã tập trung thu hút đầu tư các dự án công nghệ cao trong và ngoài nước, chú trọng thu hút và triển khai các dự án hạ tầng xã hội cho Khu công nghệ cao Hòa Lạc như các dự án nhà ở, trường học, bệnh viện, dịch vụ...; cấp phép cho các dự án đầu tư vào Khu công nghệ cao Hòa Lạc đáp ứng yêu cầu.
Năm 2015, Ban Quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 4 dự án mới với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 326,7 tỷ đồng trên tổng diện tích 2,45 ha. Như vậy, tính đến nay, Khu công nghệ cao Hòa Lạc đã có 69 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký là 55.395 tỷ đồng trên tổng diện tích 329 ha. Các lĩnh vực đầu tư bao gồm sản xuất và kinh doanh phần mềm, công nghệ thông tin, sinh học, y học, điện tử, tự động hoá, sản xuất thiết bị viễn thông và kinh doanh hạ tầng…