“Sau khi hội nhập hàng hóa Việt Nam có cạnh tranh được hay không, doanh nghiệp Việt có tồn tại được hay không chính là phụ thuộc vào chất lượng sản phẩm hàng hoá và giá thành. Trong khâu đó, hoạt động tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng đóng vai trò quyết định”.

Đây là một trong những điểm được Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Nguyễn Quân nhấn mạnh đối với hoạt động của Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng (TĐC) trong quá trình phát triển kinh tế chung và đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập.

Ấn tượng qua từng con số

Báo cáo về kết quả hoạt động, ông Nguyễn Nam Hải - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TĐC - chia sẻ, 2015 là năm đánh dấu nhiều sự kiện quan trọng trong hoạt động của TĐC. Với quyết tâm vượt mọi khó khăn, tổng cục đã hoàn thành nhiệm vụ được giao, thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

“Năm qua, công tác quản lý nhà nước về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật đã được đổi mới, chủ động hơn để hỗ trợ cho các bộ, ngành trong công tác xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật chuyên ngành. Công tác soạn thảo và ban hành các TCVN, QCVN được đẩy mạnh, tăng về số lượng, chất lượng và tỷ lệ hài hòa quốc tế ngày càng được cải thiện. Công tác quản lý nhà nước về chất lượng, đo lường tại địa phương được chú trọng; đã kịp thời phát hiện gian lận trong mua bán xăng dầu, kinh doanh vàng trang sức mỹ nghệ kém chất lượng, hàng đóng gói sẵn; kiểm tra các sản phẩm điện - điện tử, đồ chơi trẻ em, mũ bảo hiểm... Điều này góp phần đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, tạo được niềm tin của nhân dân đối với các cơ quan quản lý nhà nước” - ông Hải cho biết.

Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng Trần Văn Vinh phát biểu tại Hội nghị tổng kết năm 2015.
Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng Trần Văn Vinh phát biểu tại Hội nghị tổng kết năm 2015.

Trong năm qua, các đơn vị sự nghiệp thuộc tổng cục đã thực hiện tốt nhiệm vụ phục vụ quản lý nhà nước, đáp ứng kịp thời các yêu cầu của tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp trong việc kiểm tra, thử nghiệm, chứng nhận... Minh chứng cho hiệu quả của hoạt động này là số tiền đóng góp cho ngân sách nhà nước năm 2015 từ các nguồn thu dịch vụ lên tới gần 82 tỉ đồng. Theo Bộ trưởng Nguyễn Quân, con số này thể hiện tính tự chủ của đơn vị sự nghiệp, yếu tố đang ngày càng được coi trọng. “Việc giảm chi thường xuyên, tăng thu dịch vụ giúp chúng ta có nguồn kinh phí trang trải, đồng thời đóng góp cho ngân sách nhà nước. Đây là điều rất có ý nghĩa” - Bộ trưởng nói.

Sát cánh cùng doanh nghiệp

Năm 2016 và những năm tiếp theo, cùng với Bộ KH&CN và cả nước, Tổng cục TĐC sẽ phải đối mặt với thách thức khi Việt Nam hội nhập rất sâu rộng vào ASEAN và thế giới. “Chúng ta ký Hiệp định thương mại tự do (FTA) với Liên minh châu Âu và kết thúc đàm phán Hiệp định TPP nên thách thức đặt ra rất lớn, nhất là vấn đề sở hữu trí tuệ và chất lượng sản phẩm hàng hóa. Những cam kết của Việt Nam trong TPP, FTA rất cao. Khi tham gia các tổ chức này, đòi hỏi của quốc tế đối với chúng ta rất lớn trong khi đất nước còn nghèo, GDP cũng như tiềm lực của Việt Nam còn thấp. Thế nhưng trong một cuộc chơi sòng phẳng là sự bình đẳng, không có sự châm chước, nhất là với chất lượng hàng hóa. Người tiêu dùng mua hàng chất lượng tốt chứ không vì nước đó nghèo mà phải chấp nhận chất lượng thấp mà giá thành cao. Vì thế khi đàm phán TPP, khâu vướng mắc nhiều nhất, phải thảo luận nhiều nhất, đấu tranh dai dẳng nhất chính là sở hữu trí tuệ và chất lượng sản phẩm hàng hóa” - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Mã số, mã vạch sẽ giúp người tiêu dùng nhận biết chất lượng sản phẩm. 	Ảnh: Loan Lê
Mã số, mã vạch sẽ giúp người tiêu dùng nhận biết chất lượng sản phẩm. Ảnh: Loan Lê

Thực tế này cho thấy, Tổng cục sẽ phải đảm đương một mặt trận lớn. Theo Bộ trưởng Nguyễn Quân, ngoài việc ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn hài hòa với quốc tế, chúng ta phải kiểm soát, nâng cao chất lượng hàng hóa thế nào, hỗ trợ cho doanh nghiệp đổi mới công nghệ, bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa, sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, chỉ dẫn địa lý ra sao là vấn đề cốt tử, nếu làm không tốt sẽ thua ngay trên sân nhà. Chúng ta không còn hàng rào thuế quan, ngay cả hàng rào kỹ thuật cũng rất linh hoạt nên sẽ phải hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước đủ sức cạnh tranh bình đẳng với doanh nghiệp nước ngoài.

Cũng khẳng định vai trò của Tổng cục TĐC, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Việt Thanh cho rằng, trong bối cảnh sôi động của nền kinh tế, vai trò của Tổng cục TĐC được thể hiện không chỉ qua hoạt động đơn thuần chuyên môn mà còn phải đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển. Trong đó, tiêu chuẩn là yếu tố thúc đẩy phát triển nền kinh tế, là yếu tố để cạnh tranh, phương tiện chống nhập siêu khi các doanh nghiệp nước ngoài mang sản phẩm tràn vào Việt Nam. Vì vậy, việc xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn giúp doanh nghiệp Việt Nam cạnh tranh đã thể hiện rõ nét hơn vai trò của Tổng cục TĐC.

“Năm 2016 là năm đầu tiên của giai đoạn 2016-2020, rất quan trọng vì chúng ta đã hội nhập tích cực, sâu rộng. Thực tế trong quá trình đàm phán TPP, hai lĩnh vực đặt ra là TĐC và sở hữu trí tuệ gắn rất chặt với giai đoạn hội nhập. Thêm nữa, trong đường lối của Đảng và Nhà nước đã xác định rõ doanh nghiệp làm trọng tâm, là chủ thể đổi mới KH&CN. Do đó, hoạt động của Tổng cục TĐC cũng phải hướng tới doanh nghiệp, coi doanh nghiệp là đối tượng phục vụ, nhất là khi Hiệp định TPP chính thức có hiệu lực” - Thứ trưởng Trần Việt Thanh yêu cầu.

Là đơn vị lớn trực thuộc Bộ KH&CN, Tổng cục TĐC đảm đương nhiều nhiệm vụ quan trọng. Từ hoạt động tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, đo lường, quản lý chất lượng đến đánh giá sự phù hợp, mã số, mã vạch, thanh - kiểm tra chất lượng sản phẩm hàng hóa… đều liên quan trực tiếp đến hoạt động của doanh nghiệp. Tổng cục trưởng Trần Văn Vinh cho biết, trong 10 nhiệm vụ trọng tâm được đặt ra cho thời gian tới, tổng cục xác định đẩy mạnh xây dựng các tiêu chuẩn. Các tiêu chuẩn này phải bám sát nhu cầu doanh nghiệp, tức là doanh nghiệp sản xuất hàng hóa gì, yêu cầu trong năm 2016 ra sao, việc xuất - nhập khẩu các mặt hàng này như thế nào… Dựa vào đó, Tổng cục TĐC sẽ phối hợp với các bộ, ngành lập kế hoạch tổng thể và ban hành tiêu chuẩn để kịp thời ứng dụng với các sản phẩm hàng hóa.

Ngoài ra, công tác đánh giá hợp chuẩn, hợp quy cũng sẽ được chú trọng hơn. Cụ thể, sẽ tập trung sửa đổi Nghị định 127, Nghị định 132 và Nghị định 89. Tổng cục cũng sẽ có các biện pháp, cách thức đẩy mạnh thông quan hàng hóa khi xuất - nhập khẩu nhanh.

“Trong công tác thanh - kiểm tra cũng sẽ đẩy mạnh phối hợp với các bộ, ngành vì hoạt động này rất cần thiết cho việc chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc. Hoạt động của các doanh nghiệp phải minh bạch, chính xác tránh ảnh hưởng tới giá thành, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp làm ăn uy tín” - ông Vinh cho biết.

Để đồng hành cùng doanh nghiệp, hoạt động mã số, mã vạch cũng phải được đẩy mạnh trong thời gian tới. Theo ông Vinh, hiện thông tin mã số, mã vạch của Việt Nam mới chỉ dừng ở mức biểu thị tên và địa chỉ doanh nghiệp. Các yêu cầu khác như sản phẩm, tính năng cụ thể của sản phẩm thể hiện trên các mã số, mã vạch đó vẫn còn thiếu. Vì vậy phải đẩy mạnh hoạt động này, yêu cầu doanh nghiệp cung cấp đầy đủ thông tin để dễ kiểm soát. Khi hàng hóa vào siêu thị, chỉ cần chiếu vào mã số, mã vạch, người tiêu dùng có thể biết được tính năng của sản phẩm. Thậm chí, việc làm hàng giả, hàng nhái sẽ là không thể khi mã số, mã vạch thể hiện đầy đủ thông tin.

Xác định rõ vai trò, trách nhiệm trong thời gian tới rất nặng nề, song ông Vinh tin tưởng với sự ủng hộ của Chính phủ, Bộ KH&CN, các bộ, ngành cùng sự đoàn kết, nỗ lực của tập thể cán bộ công nhân viên, Tổng cục TĐC sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ.