Con đường phát triển công nghiệp nhanh chóng của nước Đức trong thế kỷ XIX có phải xuất phát từ việc không có luật bản quyền? Một nhà sử học Đức lập luận rằng sự phổ biến tự do của sách vở và kiến thức đã đặt nền tảng cho sức mạnh công nghiệp của nước Đức hiện đại.


Nghiên cứu của Eckhard Höffner cho rằng quá trình công nghiệp hóa tại Đức thế kỷ XIX hưởng lợi từ việc trong một thời gian dài, tại đây không có luật bản quyền tác giả. Trong hình là nhà máy hóa chất BASF Ludwigshafen năm 1881. Nguồn: Flickr.

Nước Đức thế kỷ XIX dường như bị ám ảnh bởi việc đọc sách. Niềm đam mê bất ngờ đối với sách làm ngay cả những người bán sách cũng bất ngờ, và đến năm 1836, nhà phê bình văn học Wolfgang Menzel đã tuyên bố, dân tộc Đức là “dân tộc của các nhà thơ và nhà tư tưởng”.

“Câu nói nổi tiếng đó đã bị hiểu sai”, theo nhà sử học kinh tế Eckhard Höffner. “Nó không đề cập đến những tượng đài văn học như Goethe hay Schiller, mà chỉ ra thực tế là nước Đức khi đó xuất bản một khối lượng tư liệu đọc lớn không đâu sánh bằng.”

Höffner nghiên cứu về thời hoàng kim sớm của ngành xuất bản ở Đức và đưa ra một kết luận bất ngờ - rằng không giống các nước láng giềng Anh và Pháp, ở Đức đã diễn ra một sự bùng nổ tri thức mạnh chưa từng có trong thế kỷ XIX.

Các tác giả Đức trong thời kỳ này viết không ngừng. Khoảng 14.000 ấn bản phẩm mới xuất hiện chỉ trong riêng năm 1843. Xét tỷ lệ với quy mô dân số đương thời, mức này đạt gần ngang ngày nay. Trong đó, dù tiểu thuyết chiếm một số lượng nhất định, phần lớn các ấn phẩm là các bài báo học thuật.

Tình hình này khác hẳn so với nước Anh. “Trong thời kỳ Khai sáng và Cách mạng tư sản, nước Anh dường như thụt lùi [trong lĩnh vực xuất bản]”, theo Höffner.

Con đường phát triển công nghiệp

Thật vậy, chỉ có 1.000 ấn phẩm mới xuất hiện hàng năm ở Anh ở cùng thời điểm - ít hơn 10 lần so với ở Đức - và điều này không phải không mang lại hệ quả. Höffner tin rằng chính thị trường xuất bản yếu kéo dài đã khiến nước Anh, một cường quốc thực dân, đã đánh rơi vị thế tiên phong trong cách mạng công nghiệp của mình để trong vòng một thế kỷ, đã bị nước Đức đang công nghiệp hóa mạnh mẽ đuổi kịp vào năm 1900.

Nhưng đáng ngạc nhiên hơn, Höffner tin rằng nguyên nhân tạo nên sự bùng nổ - theo quan điểm của ông, không phải gì khác chính là luật bản quyền, vốn ra đời từ sớm ở Vương quốc Anh, vào năm 1710, và làm tê liệt không gian tri thức ở nước này.

Mặt khác, Đức đã không bận tâm đến khái niệm bản quyền trong một thời gian dài. Phổ, khi đó là quốc gia chi phối Đế quốc Đức, đã đưa ra luật bản quyền vào năm 1837, nhưng việc Đức tiếp tục phân chia thành các quốc gia nhỏ có nghĩa là khó có thể thực thi luật trên toàn đế chế.

Nghiên cứu của Höffner là công trình học thuật đầu tiên xem xét tác động của quy định về bản quyền trong một giai đoạn lịch sử tương đối dài và dựa trên so sánh trực tiếp giữa hai quốc gia Đức và Anh. Nghiên cứu của ông do đó gây nhiều quan tâm trong giới học thuật. Bởi cho đến gần đây, bản quyền vẫn được coi là một thành tựu lớn và là mốc đảm bảo của một thị trường sách phát triển. Các tác giả có động lực để viết với niềm tin phổ biến là rằng quyền tác giả của họ sẽ được bảo vệ.

Tuy vậy nghiên cứu so sánh lịch sử lại đưa đến một kết luận khác. Các nhà xuất bản ở Anh không hề hổ thẹn khi tận lực khai thác thế độc quyền của họ. Các khám phá mới nhìn chung được xuất bản dưới các bản in giới hạn, tối đa 750 bản/ ấn phẩm và được bán với cái giá cắt thường vượt quá mức lương hàng tuần của một người bình dân có học.

Các nhà xuất bản tiếng tăm nhất của Luân Đôn thu lời rất tốt nhờ hệ thống xuất bản này, một số ông chủ nhà in đủ tiền để sắm sửa những xe ngựa sang trọng. Sách được coi như món hàng xa xỉ và khách hàng chỉ có thể là giới thượng lưu giàu có và giới quý tộc. Ở một vài thư viện, các cuốn sách có giá trị được xích vào kệ sách để bảo vệ chúng khỏi bị đánh cắp.

Cùng thời điểm này, ở Đức, các nhà xuất bản luôn bị in lậu - những kẻ in lậu có thể in lại các ấn phẩm mới và bán nó với giá rẻ mà không sợ bị trừng phạt. Các nhà xuất bản thành công đều áp dụng biện pháp tinh vi để đối phó với sách lậu – họ tạo ra một hình thức xuất bản ngày nay vẫn còn phổ biến, phát hành các ấn bản sách đẹp cho các khách hàng giàu có vàbán các bản in bìa mềm giá rẻ cho đại chúng.

Nền học thuật đa sắc

Điều này tạo ra một thị trường sách rất khác biệt với thị trường tại Anh. Các tác phẩm bán chạy và các công trình học thuật được giới thiệu tới công chúng Đức với số lượng lớn và giá cực thấp. “Hàng nghìn hàng nghìn người ở những góc khuất nhất ở nước Đức cận đại, những người đáng ra không bao giờ nghĩ đến việc mua sách do giá cả đắt đỏ, đã có thể tự có được, từng chút một, một thư viện sách lậu nho nhỏ”, sử gia Đức thế kỷ XIX Heinrich Bensen khi đó mô tả lại một cách hào hứng.

Triển vọng về một giới độc giả rộng rãi thúc đẩy các nhà khoa học công bố các kết quả nghiên cứu của họ. Như Höffner lập luận, “một hình thức truyền đạt tri thức hoàn toàn mới tự thành hình.”

Về cơ bản, phương pháp duy nhất để phổ biến kiến thức mới quen thuộc ở thời kỳ đó là dự các bài giảng của một giảng viên hay học giả ở trường đại học. Nhưng rồi rất nhanh, vô số các chuyên luận nghiên cứu nổi tiếng lưu hành khắp nước Đức.

Vào năm 1826, Báo Văn học đưa tin rằng “phần lớn các tác phẩm là về các đối tượng tự nhiên đủ loại và đặc biệt là ứng dụng thực tế của nghiên cứu tự nhiên trong y học, công nghiệp, nông nghiệp, v.v.” Các học giả ở Đức đều đặn sản xuất các tiểu luận và ghi chép về các chủ đề từ hóa học, cơ học, kỹ thuật, đến quang học và sản xuất thép.

Trong khi cùng thời điểm đó tại Anh, giới tinh hoa dành sự quan tâm cho giáo dục kinh điển, chủ yếu xoay quanh văn học, triết học, thần học, ngôn ngữ và lịch sử học. Các sách hướng dẫn thực hành được xuất bản hàng loạt ở Đức, về khắp các chủ đề từ xây dựng đê điều đến trồng trọt ngũ cốc – trong khi chúng rất thiếu ở Anh. Höffner giải thích: “Ở nước Anh, người ta phụ thuộc nhiều hơn vào trao đổi miệng kiểu truyền thống để phổ biến kiến thức mới”.

Quá trình truyền bá tri thức tại Đức đã tạo ra một tình huống kỳ lạ mà ít người nhận ra ở thời điểm đó. Như trường hợp Sigismund Hermbstädt, giáo sư hóa dược phẩm ở Berlin, chỉ với công trình Các Nguyên tắc của Kỹ thuật Thuộc da (1806), kiếm được nhiều tiền tác quyền hơn cả nhà văn Anh Mary Shelley với tiểu thuyết Frankenstein – dù Mary Shelley hiển nhiên trở nên nổi tiếng trong khi không còn ai nhớ đến Hermbstädt nữa.

‘Không gian học thuật sinh động’

Thị trường dành cho sách vở kỹ thuật đã phát triển mạnh đến mức các nhà xuất bản liên tục lo lắng về việc không có đủ nguồn cung, và tình hình đó cũng cho phép kể cả các tác giả khoa học yếu chuyên môn hơn vẫn có một vị thế thương lượng tốt với các nhà xuất bản. Nhiều giáo sư đã có thêm thu nhập đáng kể bổ sung từ việc xuất bản sách hướng dẫn và tài liệu tra cứu thông tin.

Höffner giải thích, “không gian học thuật sinh động” này đã đặt nền tảng cho Gründerzeit, hay Thời kỳ Nền móng, thuật ngữ sử dụng để mô tả công cuộc công nghiệp hóa nhanh chóng tại Đức vào cuối thế kỷ XIX. Đó là giai đoạn về sau làm nên các gã khổng lồ công nghiệp Đức như Alfred Krupp và Werner von Siemens.

Thị trường tài liệu khoa học đã không sụp đổ ngay cả khi luật bản quyền dần được thiết lập tại Đức vào những năm 1840. Tuy vậy, các nhà xuất bản Đức cũng đã bắt đầu – một cách giới hạn – đi theo cách người Anh, tăng giá sách và rút khỏi thị trường sách giá rẻ.

Nhưng thực tế là các tác giả, giờ đã được đảm bảo quyền lợi đối với tác phẩm của mình, lại cảm thấy không hài lòng với bước tiến này. Như nhà thơ Đức nổi tiếng Heinrich Heine từng viết cho người đại diện xuất bản Julius Campe của mình vào ngày 24 tháng 10 năm 1854 một cách thẳng thừng: “Vì cái giá bán sách cực cao mà các anh đã thiết lập, tôi sẽ khó có thể thấy sách mình được tái bản trong tương lai gần. Phải hạ giá xuống thấp hơn, Campe thân mến, vì nếu không tôi sẽ thật sự không hiểu nổi vì sao tôi đã bình thản với những quyền lợi vật chất của mình.”

Nguồn: