Theo đề án 844, các chính sách hỗ trợ đối với hệ sinh thái khởi nghiệp cơ bản là chung - Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng khẳng định như vậy trong Ngày hội Demo Day 2016 vừa qua.

Trước câu hỏi liệu trong thời gian tới, Bộ KH&CN có xây dựng chính sách ưu tiên cho một số lĩnh vực khởi nghiệp quan trọng hay không, Thứ trưởng Trần Văn Tùng khẳng định, đối với hệ sinh thái khởi nghiệp theo đề án 844, các chính sách hỗ trợ cơ bản là chung.

Thứ trưởng Trần Văn Tùng phát biểu tại Ngày hội đầu tư - Demo Day 2016. Ảnh: Loan Lê
Thứ trưởng Trần Văn Tùng phát biểu tại Ngày hội đầu tư - Demo Day 2016. Ảnh: Loan Lê

Bộ đã giao Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN nghiên cứu đánh giá thực trạng, đề xuất, xây dựng chính sách đầu tư, tài chính, tín dụng hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở phạm vi quốc gia, địa phương và doanh nghiệp.

Chọn lọc, phân loại các lĩnh vực khởi nghiệp chủ yếu là việc của các nhà đầu tư, bởi lẽ các ngành khác nhau sẽ cần sự hỗ trợ khác nhau. Ví dụ công nghệ thông tin là lĩnh vực không cần đầu tư nhiều về trang thiết bị, nguyên - nhiên liệu nên các startup có thể chỉ cần thu hút khoảng 10.000USD để khởi nghiệp. Các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, cơ khí, số tiền đầu tư phải cao hơn nhiều mới có thể cho ra sản phẩm thử nghiệm trước khi ứng dụng thực tế.

Về pháp lý và thuế, Bộ KH&CN sẽ xây dựng cơ chế hỗ trợ và quy định chung cho tất cả các ngành để tạo điều kiện cho toàn bộ các dự án khởi nghiệp.

Để hoạt động khởi nghiệp ở Việt Nam thuận lợi hơn, Bộ KH&CN đang triển khai hàng loạt nhiệm vụ đề ra trong đề án 844 như xây dựng cổng thông tin khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia; lập khu tập trung dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thuộc Bộ KH&CN tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh; tổ chức sự kiện Ngày hội khởi nghiệp công nghệ quốc gia (Techfest) với quy mô quốc tế; triển khai đề án thương mại hoá công nghệ với quy mô dự án khoa học và công nghệ cấp quốc gia đến năm 2020...