Cách đây không lâu, nhiều nhà đầu tư khởi nghiệp Mỹ khi tới Việt Nam đã mạnh dạn tuyên bố: “Nhà đầu tư đang chuyển từ Indonesia sang Việt Nam…”.

Các cố vấn thế hệ mới của Tổng thống Widodo
Các cố vấn thế hệ mới của Tổng thống Widodo

Nhưng giờ, khi Tổng thống Indonesia Joko Widodo công bố việc bổ nhiệm các doanh nhân trẻ - rất trẻ cho hội đồng cố vấn của mình, thì đó là lúc mà khởi nghiệp Việt Nam nên… vô cùng lo lắng cho sức cạnh tranh của mình trong khu vực.

Cái ngày mà đội tuyển bóng đá U22 của Việt Nam chiến thắng Indonesia ở trận chung kết Sea Games vừa qua, thì một người bạn, từng làm chuyên gia cho Ngân hàng Thế giới trong dự án hỗ trợ đổi mới giáo dục Việt Nam nói: “Quên kể là Bộ Giáo dục Indonesia vừa đưa kỹ năng về điện toán đám mây vào trong những năng lực cốt lõi phải có của học sinh trung học nước này rồi…”.

Chuyện này, như là một chiến tích đầu tiên sau khi Nadiem Makarim, người sáng lập 35 tuổi của Gojek được bổ nhiệm giữ chức Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Văn hóa của đất nước đông dân nhất vùng này. Nhiều chuyên gia lúc đó lo lắng, về việc triển khai công việc của Bộ trưởng đặc biệt này, vì lực lượng thừa hành gián tiếp kiểu cũ của Indonesia có thể là hàng rào quan trọng để cản trở các sáng kiến của Nadiem. Nhưng giờ, đội hình mới bao gồm Adamas Belva Syah Devara, 29 tuổi, tốt nghiệp Harvard, sáng lập Ruangguru, một doanh nghiệp công nghệ giáo dục, và Putri Indahsari Tanjung, con gái của ông trùm truyền thông địa phương, người đã thành lập doanh nghiệp về sáng tạo khi cô mới 15 tuổi.

Được giới thiệu với giới truyền thông vào tuần trước tại Phủ Tổng thống, bảy ứng cử viên trẻ nửa nằm nửa ngồi trên những chiếc ghế lười, gác chân lên bàn trong một cái văn phòng làm việc mang màu sắc “startup” bên trong tòa nhà vốn dĩ rất uy nghi này.

Tổng thống Indonesia nói với báo chí rằng đề cử của ông đại diện cho một cam kết lớn chính quyền liên quan đến “thế hệ thiên niên kỷ” trong chính sách công. “Chúng tôi cần tài năng trẻ, đặc biệt là trong kỷ nguyên kỹ thuật số này”. Tổng thống cũng lên trang mạng xã hội Instagram của mình để mô tả những người trẻ này là “các cố vấn thế hệ mới, và là đối tác của tôi, sẽ thảo luận cùng nhau mỗi tháng, mỗi tuần hoặc mỗi ngày”. “Với họ, tôi có thể tìm kiếm những ý tưởng vượt trội và những bước đột phá để phát triển” – ông nhấn mạnh.

Djayadi Hanan, giảng viên khoa học chính trị tại Đại học Paramadina ở Jakarta, nói rằng Widodo muốn các bộ óc kinh doanh trẻ hơn trong chính phủ đưa ra những ý tưởng mới để hiện đại hóa nền kinh tế, đã thất bại trong mục tiêu 7% mà Widodo đặt ra khi bắt đầu nhiệm kỳ đầu tiên. trong văn phòng năm năm trước. “Tổng thống Hanan muốn có một sự gián đoạn trong nỗ lực chuyển đổi nền kinh tế Indonesia. Tuy nhiên, liệu việc bổ sung máu trẻ có thể khiến cho tiếng nói của họ bị nghe thấy bởi một bộ máy quan liêu chậm chạp?”. Thử thách sẽ là: Tổng thống có thể thực sự mang những ý tưởng và sự sáng tạo của những người trẻ tuổi này - giả sử họ đang thực sự có ý tưởng mới và sáng tạo - vào các chương trình có thể thực hiện được không?

Nhiều bình luận của các nhà theo dõi chính trị trong vùng Đông Nam Á cũng tỏ ra khá dè dặt với thông tin có vẻ hấp dẫn này. Vì bản thân Tổng thống cũng đi nhiều nước cờ chính trị rất phức tạp và gây tranh cãi to lớn trong cộng đồng, thậm chí dẫn đến nhiều cuộc biểu tình quy mô ở quốc gia vạn đảo. “Sẽ không phải là điều giản đơn để một thế hệ Tây học, trẻ tuổi và hướng ngoại dễ dàng thuyết phục các chính trị gia lão làng và giới tinh hoa kiểu cũ của đất nước đông dân và có rất nhiều vấn đề về tham nhũng, mất cân đối giàu nghèo này” – một nhận định của chuyên trang phân tích Asia News Network phân tích.

Nhưng một phản ứng rất thú vị, là cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam lại rất hào hứng với thông tin này. Chuyên gia Hùng Đặng, nhà sáng lập cộng đồng Startup Elite bảo: “Hội đồng cố vấn của Tổng thống Indonesia đa phần là các founder cuối 8x và 9x. Họ sẽ tìm kiếm ý tưởng mới cho những vấn đề nan giải, xây dựng sandbox cho những thử nghiệm. Nếu chính sách/giải pháp đạt được mức độ hòa hợp nhất định với cộng đồng/vấn đề, họ sẽ huy động nguồn lực để mở rộng phạm vi áp dụng trên toàn xã hội, tạo những cú hích kỳ diệu cải thiện điều kiện sống của hàng trăm triệu người... Mình hy vọng họ làm được điều đó”.

Một chuyên gia khác về trí tuệ nhân tạo cũng chia sẻ thêm thông tin của mình: “Một bạn làm NGO chuyên tư vấn về giáo dục và nguồn nhân lực cho Chính phủ Indonesia liên hệ để hỏi về các chương trình đào tạo trí tuệ nhân tạo cho sinh viên Indonesia. Theo đó, thì họ nhận được yêu cầu tổng hợp và phân tích thông tin về trình độ, cách tiếp cận và các giải pháp mà bộ giáo dục nước này nên làm để cải thiện chất lượng nguồn nhân lực trong tương lai của họ”. Và một chi tiết nhỏ này, là chỉ dấu của việc những bước đi mới mẻ trong đào tạo và khởi nghiệp của họ, mà chúng ta thực sự cần… canh chừng.

Lần trước, nhiều nhà đầu tư khởi nghiệp Mỹ khi tới Việt Nam dự Gặp gỡ Nhà đầu tư Việt Nam đã mạnh dạn tuyên bố: “Nhà đầu tư đang chuyển từ Indonesia sang Việt Nam…”. Nhưng giờ, có thể là một cuộc cạnh tranh mạnh mẽ hơn đang được khởi động lại.