Các chuỗi bán lẻ hay đưa ra đòi hỏi hết sức nghiêm ngặt cho nhà cung cấp. Tuy nhiên họ lại thường làm rất ít hoặc không đầu tư gì để cải thiện chuỗi giá trị của mình.

Tất cả chúng ta đều phải mua quần áo, trong đó nhiều bộ có giá bằng tiền ăn của cả vài tuần, nhưng chỉ mặc một vài lần rồi ném vào tủ. Còn trong chuyện ăn uống, thứ trực tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe của chúng ta, nhiều người có thể dễ dãi ngấu nghiến món tôm pad Thái (với nguyên liệu không rõ nguồn gốc) trong một cái lán nhỏ ở góc khuất ven đường để né tránh sự săm soi của các cơ quan quản lý và chứng nhận vệ sinh, hoặc vội vã nuốt hết ổ sandwich cá ngừ mua từ một sạp bán rong trên phố cho xong bữa trưa.

Người tiêu dùng chúng ta thường có xu hướng đưa ra những lựa chọn khá vô trách nhiệm, thậm chí phi đạo đức khi mua sắm, nhất là đối với mặt hàng thực phẩm. Mặc dù rất khó để kiểm chứng xem liệu những gì mà chúng ta ăn có được sản xuất theo hướng phi đạo đức hoặc thiều bền vững hay không, nhưng nhìn chung chúng ta hay có thói quen đánh cược, dễ dàng chấp nhận rủi ro chỉ vì thuận tiện.

Chuỗi cửa hàng bán lẻ Migros của Thụy Sĩ. Ảnh: Migros.

Chuỗi cửa hàng bán lẻ Migros của Thụy Sĩ. Ảnh: Migros.

Trên thực tế, những lựa chọn mua sắm bao trùm cuộc sống của chúng ta lại phụ thuộc rất nhiều vào các nhà bán lẻ. Dù cho cơ quan quản lý chứng nhận có đảm bảo thế nào, thì những nhãn hiệu mà người tiêu dùng đang cân nhắc sẽ không mang nhiều ý nghĩa bằng việc xác định xem liệu chúng có được cung cấp bởi người bán có trách nhiệm. Một số người chắc hẳn sẽ sợ hãi khi nhận ra (và cũng là lúc đã mất tiền), rằng mặc dù các nhà bán lẻ thường nhận rất nhiều ủy thác về niềm tin đối với trách nhiệm môi trường, đạo đức và xã hội, nhưng phần đông họ đều không thể giải quyết được vấn đề ngay từ đầu chuỗi cung ứng.

Và đó cũng là lý do khiến chuỗi cửa hàng thời trang giá rẻ Primark vừa tuyên bố sẽ đào tạo 160.000 nông dân trồng bông ở Ấn Độ, Pakistan và Trung Quốc, hướng tới các phương pháp canh tác hiện đại, thân thiện với môi trường, như là một phần trong những nỗ lực của chuỗi nhằm đảm bảo nguồn cung cấp bông bền vững. Primark có trụ sở đặt tại Ireland, là một công ty con của Tập đoàn Associated British Foods, hiện đang sở hữu gần 400 cửa hàng trên khắp châu Âu và cả Mỹ, vốn không được đánh giá cao về tiêu chí phát triển bền vững. Nhà bán lẻ này đã từng nhiều lần bị công kích vì nguồn gốc xuất xứ sản phẩm không rõ ràng, hay bị cáo buộc sử dụng lao động vị thành niên và bóc lột nhân công trong các nhà máy ở những nước đang phát triển.

Chuỗi cung cấp hải sản Santa Monica Seafood ở Mỹ. Ảnh: Santa Monica Seafood.

Chuỗi cung cấp hải sản Santa Monica Seafood ở Mỹ. Ảnh: Santa Monica Seafood.

Trong một thế giới mà các nguồn cung tài nguyên thiên nhiên đang dần cạn kiệt, và người tiêu dùng ngày càng có ý thức về những nguy cơ gây ra thảm họa môi trường xã hội, động thái trên của Primark, cho dù có mang ý đồ tiếp thị thì cũng thật sự là một bước tiến lớn. Nó cho thấy, các nhà bán lẻ đã bắt đầu nhận thức được trách nhiệm của mình đối với các sản phẩm đến tay người tiêu dùng cuối cùng.

Các nhà bán lẻ thực phẩm, nhất là trong ngành thủy sản, thật ra cũng đã làm tương đối tốt khi thường xuyên áp đặt những tiêu chuẩn nghiêm ngặt lên nhà cung cấp. Tuy nhiên không phải ai cũng có đủ nguồn lực để đầu tư, giải quyết vấn đề ngay từ đầu chuỗi. Điều này dẫn đến việc nhiều quy trình sẽ được giao vào tay những nhà chế biến chưa qua đào tạo bài bản, hoặc yếu kém về công nghệ và tài chính. Nguy cơ thế giới bị phân cực là rất rõ ràng: một nhóm chiếm đa số, là những người tiêu dùng không có nhiều lựa chọn bên trong các cửa hàng thực phẩm giá rẻ, tiêu chuẩn thấp – hoàn toàn trái ngược với nhóm thiểu số còn lại, là những khách hàng giàu có, khó tính bên trong các trung tâm mua sắm xa xỉ. Tình trạng này thậm chí sẽ ngày càng nghiêm trọng do vấn nạn bùng nổ dân số và bất đồng chính trị trượt dài giữa các quốc gia, khiến những người mắc kẹt ở giữa chuỗi cung ứng gặp thêm nhiều khó khăn trong việc tìm cách lấp đầy khoảng trống. Đó là thách thức mà không ít người đã từng cảnh báo, và cần sớm khắc phục nếu ngành thủy sản mong muốn đóng một vai trò quan trọng hơn trên thế giới.

Đã đến lúc các nhà bán lẻ và dịch vụ thủy sản cần thực hiện đúng trách nhiệm của mình, không chỉ dừng lại ở việc đáp ứng những đòi hỏi về thực hành bền vững trong chuỗi cung ứng. Nhiều nhà cung cấp vẫn hay phàn nàn trong tuyệt vọng, rằng chúng ta đang quá phụ thuộc vào các chương trình chứng nhận ngành với mức chi phí mà chỉ một số ít mới có thể đáp ứng. Như trong trường hợp của Primark, việc đầu tư vào hoạt động đào tạo để xây dựng chuỗi cung ứng ngay từ đầu có thể sẽ giúp công ty này cắt giảm đáng kể nhiều khâu trung gian (đi kèm với chi phí), đồng thời khiến họ phải hiểu rõ và nỗ lực để bảo đảm chuỗi cung ứng của mình hơn bất cứ chứng nhận nào từ bên thứ ba. Các nhà bán lẻ thủy sản nên lưu ý điều này.