Không chỉ được biết đến với những con số về số lượng công trình xuất bản trên những tạp chí quốc tế ngày càng tăng, khoa học Việt Nam còn để lại một dấu ấn đẹp vào những tháng đầu năm 2020, đó là khả năng tham gia giải quyết được vấn đề nóng của đất nước.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Chu Ngọc Anh trao phần thưởng cho Trung tướng GS. TS Đỗ Quyết và nhóm các viện, trường, công ty tham gia phát triển, sản xuất các sản phẩm phòng chống dịch Covid. Ảnh: Hoàng Nam
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Chu Ngọc Anh trao phần thưởng cho Trung tướng GS. TS Đỗ Quyết và nhóm các viện, trường, công ty tham gia phát triển, sản xuất các sản phẩm phòng chống dịch Covid. Ảnh: Hoàng Nam

Tại buổi lễ mít tinh kỷ niệm ngày KH&CN Việt Nam 18/5 và trao giải thưởng Tạ Quang Bửu 2020 ngày 18/5/2020, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nhấn mạnh đến vai trò của khoa học trong quá trình khống chế và kiểm soát đại dịch Covid-19 tại Việt Nam: “Điều rất đáng nói là trong khó khăn, trong thách thức, chúng ta đã tự tạo cho mình động lực vươn lên”. Với những nỗ lực này, Phó Thủ tướng cho rằng, khoa học đã làm tốt cả hai việc, thứ nhất là tiếp tục triển khai những công trình nghiên cứu và ứng dụng để vừa có được những công trình xuất bản trên tạp chí quốc tế, vừa có những phát minh sáng chế góp phần tăng năng suất lao động; thứ hai là khoa học sẵn sàng tham gia tuyến đầu chống dịch và giải quyết được vấn đề nóng của đất nước.

Khoa học phục vụ cuộc sống

Trong quá trình hình thành và phát triển, khoa học Việt Nam đã không ít lần đảm trách và hoàn thành những nhiệm vụ lớn được giao. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 là một trường hợp đặc biệt: sự lan truyền của một chủng virus corona mới mà đến nay, sau 6 tháng bị phát hiện vẫn còn nhiều điểm chưa rõ về nguồn gốc phát sinh, hành vi… nhưng tốc độ lây nhiễm, độc tính cao và dễ lấy đi tính mạng con người. Mặt khác, coronavirus mới này còn gây ra những cuộc khủng hoảng y tế ở nhiều quốc gia trên thế giới và gần như lần đầu tiên, các quốc gia bất kể trình độ phát triển cùng đứng ở vạch xuất phát trong trận tuyến phòng chống và kiểm soát coronavirus.

Giữa bối cảnh đó, khoa học Việt Nam đã trở thành một lực lượng quan trọng. Với việc xác định đúng mục tiêu và vấn đề cần giải quyết, khoa học Việt Nam đã triển khai những nhiệm vụ cấp thiết như phát triển và sản xuất bộ kit phát hiện nhanh virus corona; thiết kế và chế tạo robot phục vụ và chăm sóc y tế; đánh giá hiệu quả và tính an toàn của việc bổ sung lopinavir/ritonavir; nghiên cứu phát triển vaccine… Những nỗ lực kịp thời đó của khoa học đã góp phần đem lại thành công chung của đất nước trong cuộc chiến chống corona virus.

Điểm lại những thành quả đã đạt được, góp phần đưa Việt Nam trở lại với “trạng thái bình thường mới” sau đại dịch, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh đã cho rằng khoa học Việt Nam đã đạt được điều đó là từ phương châm khoa học phải gắn liền với sản xuất và đời sống xã hội, vốn được rút ra từ gần 60 năm trước: “Ngày 18/5/1963, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ I của Hội nghị phổ biến khoa học, kỹ thuật Việt Nam, bàn về mối quan hệ giữa khoa học và sản xuất, Hồ Chủ tịch đã nói ‘Khoa học phải từ sản xuất mà ra và phải trở lại phục vụ sản xuất, phục vụ quần chúng, nhằm nâng cao năng xuất lao động và không ngừng cải tiến đời sống của nhân dân, bảo đảm cho chủ nghĩa xã hội thắng lợi’”. Kỷ niệm nằm lòng của ngành khoa học với Bác Hồ đã được Bộ trưởng Chu Ngọc Anh nhắc lại tại buổi lễ như một sự khẳng định vào mục tiêu mà khoa học Việt Nam hướng tới, không chỉ trong thời gian diễn ra đại dịch Covid-19 mà còn trong tương lai góp phần giải quyết các bài toán của đất nước.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Chu Ngọc Anh trao giải thưởng Tạ Quang Bửu cho các nhà khoa học. Ảnh: Trung tâm truyền thông/ Bộ KH&CN
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Chu Ngọc Anh trao giải thưởng Tạ Quang Bửu cho các nhà khoa học. Ảnh: Trung tâm truyền thông/ Bộ KH&CN

Cũng với mục tiêu đó, vào thời điểm trước khi diễn ra đại dịch, khoa học Việt Nam đã tham gia cùng nhiều đơn vị bộ ngành khác thực hiện những nhiệm vụ mang tính chiến lược của đất nước, trong đó có Hệ Tri thức Việt số hóa - nền tảng dữ liệu, tri thức trong các lĩnh vực của đời sống xã hội. Thật không ngờ, từ thành công của việc xây dựng nền tảng Bản đồ số - Vmap và Hệ thống thông tin nhân đạo - iNhandao, vốn là những dự án thành phần của Hệ Tri thức Việt số hóa, đã phát huy được tính hữu dụng trong quá trình kiểm soát đại dịch thông qua “nhiều ứng dụng đã được triển khai hiệu quả phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh như bản đồ vùng dịch, phần mềm khai báo y tế,…” như giới thiệu của Bộ trưởng Chu Ngọc Anh.

Do đó, nhìn lại những thành quả mà giới khoa học Việt Nam đã làm được, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nhấn mạnh đến một trong những yếu tố dẫn đến thành công: khi giữ vững mục tiêu khoa học vì nhân dân, “nhất định KH&CN sẽ góp phần đưa đất nước chúng ta vượt qua được khó khăn”.

Bài toán đầu tư cho khoa học

Những phản ứng kịp thời của giới khoa học Việt Nam không chỉ cho thấy sự sẵn sàng tham gia giải quyết những bài toán của đất nước mà còn cho thấy một điều: các nhà khoa học đã được chuẩn bị rất tốt về năng lực nghiên cứu, kết quả của một quá trình dài tích lũy thông qua đầu tư của nhà nước và xã hội. Tại buổi lễ, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh đã đánh giá: “Chúng ta cũng nhận thấy rằng, các nghiên cứu cơ bản trong thời gian dài trước đây cũng đã góp phần quan trọng vào tăng cường năng lực cho các tổ chức KH&CN và các nhà khoa học của Việt Nam”.

Mặc dù khuyến khích các nhà nghiên cứu và các tổ chức KH&CN đưa các kết quả nghiên cứu vào ứng dụng trong thực tiễn nhưng trong nhiều năm qua, Bộ KH&CN đã tập trung vào đầu tư cho nghiên cứu cơ bản thông qua những chương trình quốc gia như Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học đến 2020; Chương trình phát triển Vật lý đến năm 2020; Chương trình phát triển khoa học cơ bản trong lĩnh vực Hóa học, Khoa học sự sống, Khoa học trái đất và Khoa học biển giai đoạn 2017-2025…, và đặc biệt là Quỹ NAFOSTED – một cơ chế đầu tư theo tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế. Giáo sư Ngô Việt Trung, Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng Tạ Quang Bửu - giải thưởng Bộ KH&CN thiết lập từ năm 2014 nhằm khuyến khích và tôn vinh đóng góp của các nhà nghiên cứu ở lĩnh vực khoa học cơ bản, cũng nhấn mạnh đến ý nghĩa đầu tư cho khoa học cơ bản của Bộ KH&CN và cho rằng, bài học từ đó cho thấy “chỉ cần có cơ chế đầu tư khoa học ‘vượt rào’ theo đúng thông lệ quốc tế thì Việt Nam sẽ có những bước tiến ‘thần kỳ’ trong khoa học”.


Việc phát triển và sản xuất thành công bộ kit phát hiện nhanh virus SARS-CoV2 của Học viện Quân y và công ty Việt Á đã chứng tỏ hướng đi đúng đắn của Bộ KH&CN, đó là đầu tư lâu dài, bền bỉ, đúng định hướng của Đảng, Nhà nước và Chính phủ để nâng cao năng lực nghiên cứu và sản xuất cho các nhà khoa học cũng như doanh nghiệp KHCN từ nghiên cứu cơ bản đến nghiên cứu ứng dụng. Thông qua nhiều chương trình KH&CN quốc gia như chương trình KC10 “Nghiên cứu ứng dụng, phát triển công nghệ tiên tiến phục vụ bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cộng đồng”, KC04 “Nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học”…, Bộ KH&CN đã đầu tư cho các đơn vị, trong đó có Học viện Quân y thực hiện nhiều nhiệm vụ để tạo ra sản phẩm thiết thực. Nhờ sự đầu tư của Bộ KH&CN, Bộ Quốc phòng các nhà khoa học thuộc nhóm nghiên cứu của Học viện Quân y có trình độ cao, được đào tạo bài bản, đã có nhiều kinh nghiệm trong nghiên cứu khoa học nói chung và nghiên cứu chế tạo bộ KIT nói riêng;

Mặt khác, Bộ KH&CN đã định hướng đúng các đơn vị nghiên cứu, doanh nghiệp KH&CN. Học viện Quân y đã từng được Bộ KH&CN, Bộ Quốc phòng giao thực hiện các nhiệm vụ khoa học cấp quốc gia về chế tạo kit phát hiện Ebola, lao kháng thuốc và các bộ kit xét nghiệm khác… Công ty cổ phần công nghệ Việt Á cũng đã được giao thực hiện các dự án hoàn thiện công nghệ sản xuất kit, như hoàn thiện công nghệ sản xuất bộ kit chẩn đoán lao và lao kháng thuốc (từ kết quả nghiên cứu của Học viện Quân y) năm 2014; hoàn thiện công nghệ sản xuất bộ kit xác định đột biến gene AZF và bộ kit xác định mức độ đứt gãy AND của tinh trùng (do trường Đại học Y Hà Nội chuyển giao) phục vụ chẩn đoán vô sinh.

Trung tướng, GS. TS Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện Quân y


Sự đầu tư đúng hướng đó đã tạo ra cho khoa học Việt Nam một môi trường nghiên cứu liên tục và đánh giá chất lượng nghiên cứu theo tiêu chuẩn quốc tế. Trên nền tảng đó, hằng năm những công trình xuất sắc được xét chọn một cách minh bạch và nghiêm cẩn để xét Giải thưởng Tạ Quang Bửu. Năm nay, ba công trình đoạt giải thưởng với những kết quả xuất sắc về mặt khoa học của PGS. TS Vương Thị Ngọc Lan (ĐH Y Dược TPHCM) – y sinh, PGS. TS Phạm Tiến Sơn (ĐH Đà Lạt) – toán học và TS. Nguyễn Trương Thanh Hiếu (ĐH Tôn Đức Thắng) – vật lý đã được vinh danh, trong đó công trình của PGS. TS Vương Thị Ngọc Lan không chỉ được xuất bản trên tạp chí top ba ngành y mà còn có ý nghĩa rất lớn trong tiết giảm chi phí và thời gian thực hành giải pháp chuyển phôi thụ tinh ống nghiệm. Theo đánh giá của giáo sư Ngô Việt Trung, “các công trình được giải thưởng năm nay cho thấy dù nghiên cứu về các vấn đề thực tiễn ở Việt Nam hay về các vấn đề lý thuyết của quốc tế ở ngay cả những đại học địa phương vẫn có thể đạt được những kết quả xuất sắc được thế giới công nhận”.

Nhìn khoa học Việt Nam từ Giải thưởng Tạ Quang Bửu 2020 cũng như công cuộc chống dịch Covid-19, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, đội ngũ các nhà khoa học “đã tìm ra thời cơ và tự tạo cho mình một động lực vươn lên”. Sự hội nhập của các nhà khoa học Việt Nam đã thể hiện ở rất nhiều khía cạnh nhưng một trong những điều thể hiện rõ nét thời gian vừa qua, theo Phó Thủ tướng là “chúng ta thực sự triển khai tinh thần khoa học mở trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt các lĩnh vực trực tiếp liên quan đến chống dịch… Chúng ta đã đồng lòng để sử dụng một phương thức tuy không mới nhưng với chúng ta là mới, đấy là cùng nhau làm việc trên tinh thần khoa học, cống hiến tất cả vì công việc chung”.

Vì vậy, Phó Thủ tướng đã trao đổi với các nhà khoa học Việt Nam, “hãy coi người dân là những người thầy, nguồn động lực để tất cả các ngành, các cấp, trong đó giới khoa học phấn đấu nỗ lực hơn nữa, mạnh mẽ hơn nữa, đổi mới hơn nữa”.

Tôi chỉ là đại diện cho một tập thể đã cùng nhau hoàn thành nghiên cứu có phẩm chất khoa học cao này. Có thể nói, việc hoàn thành nghiên cứu này cùng với việc công bố công trình nghiên cứu trên tạp chí Y khoa hàng đầu thế giới, The New England Journal of Medicine, đã góp phần cắm lá cờ Việt Nam, xác định vị trí của Việt Nam trên bản đồ chuyên ngành Y học sinh sản thế giới. Cũng sau nghiên cứu này, chúng tôi đã xây dựng được một đội ngũ làm nghiên cứu chuyên nghiệp, chất lượng và ngày càng được giới khoa học thế giới biết đến.

Tôi cũng xin nói thêm, các bệnh nhân chính là những người thầy của chúng tôi với những đặc điểm, triệu chứng, vấn đề bệnh lý khác nhau, đặc biệt, những bệnh nhân đã tham gia vào nghiên cứu để giúp chúng tôi trả lời được câu hỏi nghiên cứu, tìm ra giải pháp điều trị tốt nhất và ngược lại, giúp điều trị hiệu quả cho nhiều bệnh nhân khác hơn nữa. Họ chính là động lực cho chúng tôi làm nghiên cứu nhằm tìm ra những phương cách chữa trị hiệu quả và phù hợp nhất”.

Trích diễn từ của PGS. TS Vương Thị Ngọc Lan, ĐH Y dược TPHCM) tại Lễ trao giải thưởng Tạ Quang Bửu 2020.