Cơ hội và Thách thức là cụm từ song hành của ngành KH&CN khi Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) được thông qua. Để hội nhập vào sân chơi mới TPP, các doanh nghiệp Việt Nam phải đưa yếu tố KH&CN như lực lượng sản xuất trực tiếp.

Sân chơi đã “mở cửa”

Việt Nam vừa đạt thỏa thuận đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) ngày 05/10/2015. Đây là sự kiện lớn nhất đối với Việt Nam trong vòng 20 năm trở lại đây.

Chưa bao giờ, yếu tố KH&CN được nhắc nhiều đến thế trong các cuộc đàm phán cũng như trong các giải pháp để hội nhập vào sân chơi mới TPP. Thực tế cho thấy, hàng hóa của Việt Nam hiện nay vẫn còn tiêu thụ được vì chúng ta còn bảo hộ bằng hàng rào thuế quan và hạn chế nhập hàng hóa nước ngoài. Khi hàng rào thuế quan dỡ bỏ thì chúng ta rất khó cạnh tranh với hàng điện tử của Nhật, thậm chí ngay cả mặt hàng gạo của Thái Lan…
Các sản phẩm sẽ được phải cạnh tranh bằng chất lượng và giá cả
Trước khi nói đến cơ hội, phải thẳng thắn nhìn nhận những thách thức trước TPP là rất lớn. Hiện tại, chúng ta đang ở trình độ phát triển rất thấp. Việt Nam là thấp nhất khi GDP trên đầu người chỉ khoảng 2.000 USD trong 12 nước tham gia TPP. Nước thấp gần chúng ta nhất hiện nay cũng đã hơn 5.000 USD. Các nước dẫn đầu như Hoa Kỳ, Nhật Bản… có GDP khoảng trên dưới 60.000 USD. Việt Nam phải chơi một sân chơi chung với họ, chấp nhận tất cả điều kiện chung mà TPP đặt ra. Đây là một thách thức rất lớn.

Tuy nhiên, khi đã bước chân lên “con thuyền” TPP, những ưu đãi đó sẽ bị gạt sang một bên, luật chơi đã rõ ràng, cơ hội cho những người muốn làm thật, muốn cống hiến và quan trọng hơn cả là chúng ta đã được xếp ngang hàng với những nước tiên tiến. Khi đó, doanh nghiệp sẽ phải cạnh tranh bằng chất lượng, giá cả. Bên cạnh đó là các vấn đề sở hữu trí tuệ, vấn đề dược phẩm, nông hóa phẩm, xử lý hình sự đối với những vi phạm về Sở hữu trí tuệ (ngoài vấn đề bản quyền còn có nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, kiểu dáng công nghiệp) cũng sẽ phải nghiêm túc thực hiện theo đúng luật chơi thế giới.

KH&CN: Yếu tố then chốt

Tất cả những luật chơi này sẽ được thẳng thắn đặt lên bàn và doanh nghiệp sẽ chỉ có hai cách lựa chọn: chấp nhận hoặc tự đào thải mình. Nói như Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân: “Doanh nghiệp Việt Nam sẽ đỗ vỡ hàng loạt nếu không có sự chuẩn bị trước”. Và để giải quyết những thách thức này, KH&CN được xem có vai trò rất quan trọng và giải pháp chủ yếu để tìm lối thoát cho doanh nghiệp.

Thay đổi tư duy, nhận thức rõ cơ hội và thách thức là điều mà doanh nghiệp Việt Nam cần phải có sau sự kiện ký Hiệp định TPP. Nhận thức ở đây không chỉ dừng việc chúng ta cần thay đổi công nghệ, áp dụng đổi mới sáng tạo, đưa công nghệ mới tiên tiến vào sản xuất… Điều này cần nhưng chưa đủ, bởi KH&CN cần có thời gian. Thay đổi một dây chuyền sản xuất bằng việc mua máy mới thay máy cũ cũng cần phải tính đến việc làm chủ công nghệ, quản lý hệ thống sản phẩm theo quy trình ISO, vấn đề bản quyền, sở hữu trí tuệ… Tất cả đều có sự hiện diện của KH&CN.
KH&CN được xem có vai trò rất quan trọng và giải pháp chủ yếu để tìm lối thoát cho doanh nghiệp trong sân chơi TPP
Việc nghiên cứu thị trường KH&CN cũng là rất cần thiết. Cập nhật những thông tin công nghệ mới, tránh là bãi rác công nghệ cũng cần có sự tham gia của các nhà quản lý, nhà khoa học sát cánh bên doanh nghiệp. Bên cạnh đó, việc đánh giá nhu cầu công nghệ, mức độ; tốc độ đổi mới công nghệ; giá trị giao dịch công nghệ… cũng cần được cập nhật.

Một sân chơi mới đã mở ra, có thể nói đây là lần hội nhập quốc tế thứ 2 của Việt Nam kể từ khi chúng ta gia nhập WTO, tuy nhiên lần này ở một mức độ khác cả về bề rộng lẫn chiều sâu... Cuộc chơi nào thời cơ và thách thức cũng đan xen nhưng với TPP có thể cơ hội sẽ là chủ yếu.

TPP là gì?

(Trans-Pacific Partnership) là Hiệp định đối tác kinh tế Thái Bình Dương, bao gồm 12 quốc gia: Úc, Brunei, Chile, Nhật Bản, Mỹ, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Canada và Việt Nam.

TPP có tầm quan trọng thế nào?

Khi Hiệp định TPP được ký kết, các nước thành viên phải đưa mức thuế xuất nhập khẩu về bằng 0%, gỡ bỏ mọi rào cản trong giao thương hàng hóa, dịch vụ.

Các lĩnh vực sẽ nhận sự thay đổi lớn nhất là: Kinh tế, môi trường, văn hóa, đạo đức kinh doanh.

Mục đích của TPP là gì?

Mục đích ban đầu: Là một thỏa thuận kinh tế giữa 4 quốc gia gồm Brunei, Chile, New Zealand, Singapore vào năm 2005, có hiệu lực từ ngày 28/5/2006.

Mục đích hiện tại: Xóa bỏ hoàn toàn các loại thuế và rào cản xuất nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ giữa các nước, nói đơn giản, thì bạn có cơ hội rất lớn để mua một chiếc Macbook Pro hoặc iPhone bằng với giá bán ở Mỹ trong những năm tới.

Bên cạnh yêu cầu giảm thuế về 0%, tất nhiên chất lượng sản phẩm và tay nghề lao động của các nước thành viên phải theo một quy chuẩn chung, điều đó cho thấy, các sản phẩm chất lượng kém, không đạt chuẩn sẽ bị cạnh tranh trực tiếp trên sân nhà.