Sự sụp đổ của chính phủ liên minh khiến các nhà nghiên cứu rơi vào thế khó. Họ cần tổng thống và các lãnh đạo đảng giữ lời hứa đầu tư kinh phí cho khoa học.

Italia từng nổi bật về nhiều lĩnh vực như vật lý hạt, y sinh. Nguồn: VIRGO
Italia từng nổi bật về nhiều lĩnh vực như vật lý hạt, y sinh. Nguồn: VIRGO

Vấn đề này là mối quan tâm lớn của các nhà khoa học bởi nguồn tài trợ được hứa hẹn sẽ gia tăng đã bị trì hoãn trong một thời gian dài. Sự thiếu ổn định của nền chính trị khiến tình hình tài chính cho khoa học Italia vốn không mấy sáng sủa này càng bị đe dọa thêm. Những gì sẽ diễn ra tới đây vẫn còn chưa rõ ràng khi một trong những đối tác liên minh có thể hình thành một chính phủ với những bên khác trong nghị viện, hoặc thậm chí phải cần đến một cuộc bầu cử nếu các bên không đạt được thỏa thuận. Tổng thống Italia Sergio Mattarella sẽ giám sát quá trình này. Ông cần thảo luận với các nhà lãnh đạo đảng để nhắc nhở họ về lời hứa của liên minh với các nhà nghiên cứu của đất nước: cần phải chấm dứt tình trạng thiếu kinh phí cho nghiên cứu.

Mức đầu tư cho khoa học bị cắt giảm

Bất kỳ ai nhậm chức cũng đều phải đối mặt với thách thức là nền kinh tế Italia đã trì trệ trong một thập kỷ. Với mức nợ cao, nền kinh tế này có lẽ đang đứng trước bờ vực suy thoái. Và giống như các nước châu Âu khác, Italia cũng hướng đến mục tiêu thu hẹp thâm hụt ngân sách sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008 -2009, do đó các khoản đầu tư vào các trường đại học đều bị ảnh hưởng.

Trước đây, chính phủ liên minh đã hứa hẹn cấp kinh phí cho các trường đại học như mức năm 2009 là khoảng 7,5 tỷ euro (tương đương 8,3 tỷ USD), đồng thời hứa sẽ tăng thêm một khoản nhỏ hơn mang tên FOE cho các viện nghiên cứu, những nơi đã phải chịu cảnh liên tục bị cắt giảm đầu tư kể từ năm 2013. Dù vẫn còn khiêm tốn nhưng những mức đầu tư tăng này sẽ đem lại một nguồn sinh khí mới cho một hệ thống mà ở đó, phần lớn đầu tư của chính phủ chỉ dùng cho thanh toán tiền lương và các loại chi phí cố định khác, chẳng hạn như hóa đơn dịch vụ.
Hơn nữa, có khả năng là thuế gián tiếp như thuế giá trị gia tăng (VAT) sẽ tăng lên, từ 22% đến 25%. Italia đã vượt qua giới hạn cho vay của EU, và nếu chính phủ không thể cắt giảm 23 tỷ euro đầu tư công thì sẽ cần phải tăng VAT. Và do đó sẽ đặt nhiều sức ép lên ngân sách chi cho nghiên cứu.

Nhưng trên thực tế thì tiền không phải là vấn đề duy nhất. Đảng Lega vốn chịu trách nhiệm điều hành Bộ Nội vụ, và các bộ trưởng đã “đụng độ” với các nhà khoa học trong chính sách của đảng này về người tị nạn và người xin tị nạn, trong đó có cả một đạo luật không thể áp dụng nổi với mức phạt 1 triệu euro dành cho cả các con tàu nhân đạo tìm kiếm để cứu người gặp nạn ở Địa Trung Hải.

Sự độc lập của khoa học đang bị đe dọa. Tại Bộ Giáo dục và nghiên cứu – cũng thuộc quyền quản lý của Lega, có bằng chứng cho thấy các thanh tra đã theo dõi cả việc dạy khoa học chính trị trong trường học. Ở một số lớp, họ đã thảo luận là liệu chính sách của chính phủ hiện nay có phải là sự bắt chước chính sách của chính phủ Mussolini hay không. Điều này cho thấy chính các nhà giáo cũng cảm thấy bất ổn.

Và có một điều kỳ lạ là dẫu việc chi tiêu vào R&D của Italia - ở mức 1,3% GDP— vẫn còn ở dưới mức trung bình 2% GDP của EU, thì hiệu suất nghiên cứu của nó vẫn tiếp tục được cải thiện. Trong năm 2000 và 2016, các công bố quốc tế có các nhà khoa học Italia tham gia đã tăng từ 3,2% đến 4% và số lượng công bố tương đương với mức một quốc gia có mức chi tiêu cho nghiên cứu ở mức trung bình của châu Âu. Có lẽ, đây là một phần kết quả của quá trình đầu tư trong quá khứ và việc hướng ra quốc tế tìm tài trợ của các nhà khoa học Italia.

Khoa học ngày càng thiếu vai trò trong xã hội

Không chỉ đến bây giờ, khoa học mới trở nên thiếu vai trò trong đời sống xã hội chính trị Italia. Mario Pianta, một nhà kinh tế tại trường đại học Rome Tre, người từng chuẩn bị các thống kê về R&D của Italia cho EC, đã cảnh báo điều này một năm trước đây: “Chúng tôi đang ở rìa vực thẳm”.

Italia từng có nhiều lĩnh vực khoa học xuất sắc như vật lý hạt, y sinh… Nhưng không như nhiều quốc gia châu Âu khác, Italia đã thất bại trong việc hiện đại hóa hệ thống khoa học của mình trong vài thập kỷ. Ngân sách đầu tư cho khoa học luôn ở mức thấp. Nhiều nhà khoa học phản ánh, các hoạt động tuyển dụng nhà nghiên cứu thường hết sức phức tạp và bị thói quan liêu làm cho tê liệt. Các tổ chức nghiên cứu ít có quyền lực về mặt chính trị và không đủ khả năng để ngăn chặn ảnh hưởng ngày một gia tăng của những người phản đối tiêm vaccine và thúc đẩy cách chữa trị kiểu lang băm. Khoảng cách về thành công khoa học và kinh phí đầu tư cho khoa học giữa những vùng giàu ở phía bắc và nghèo ở phía nam đang mở rộng, và được những người địa phương chủ nghĩa và dân túy làm trầm trọng thêm, Raffaella Rumiati, phó chủ tịch cơ quan đánh giá nghiên cứu Italia ANVUR cho biết.

Mặt khác, đảng Phong trào năm sao (Five Star Movement) do diễn viên hài Beppe Grillo thành lập và Luigi Di Maio dẫn dắt, từng thu hút sự tham gia của nhiều học giả, từng hứa hẹn sẽ rà soát lại hệ thống đánh giá nghiên cứu, tăng cường đầu tư cho nghiên cứu và thành lập một cơ quan dành riêng cho hoạt động tài trợ cho khoa học nhưng rút cục lại có những hành động không ủng hộ khoa học, ví dụ nhiều thành viên của đảng đã ủng hộ nhiều phong trào chống khoa học, bao gồm cả phản đối tiêm chủng.

Không như nhiều quốc gia châu Âu khác, Italia đã thất bại trong việc hiện đại hóa hệ thống khoa học của mình trong vài thập kỷ. Ngân sách đầu tư cho khoa học luôn ở mức thấp.

Nhiều nhà khoa học coi thái độ phản đối tiêm vaccine đang ngày một lớn mạnh của Italia là một trong những hoạt động đáng lo ngại nhất trong vài năm trở lại đây, đặc biệt kể từ khi chính phủ thực hiện tiêm chủng bắt buộc 10 loại vaccine với học sinh vào tháng 7/2018. Nhà nghiên cứu Mattia Butta, đang làm việc tại trường đại học Kỹ thuật Czech tại Prague, do quá mệt mỏi với những luận điệu chống khoa học ở quê nhà đến mức lập luôn một đảng ủng hộ khoa học vào năm 2018. “Tôi muốn đưa phương pháp khoa học vào nghị viện,” ông nói. Tuy W la Fisica, đảng của ông, rút cục đã thất bại vì không đủ số phiếu vào quốc hội như quy định nhưng SiAmo, một đảng khác ủng hộ tiêm chủng, đã làm được điều đó.

Dẫu sao, quan điểm của người Italia về khoa học cũng bắt đầu thay đổi. Vào cuối tháng 1/2019, tại Monopoli, hàng ngàn nông dân trồng ô liu và các nhà khoa học đã xuống đường kêu gọi hành động dựa trên bằng chứng để chống lại căn bệnh tàn phá loại cây quan trọng bậc nhất quốc gia này. Tình trạng này càng thêm trầm trọng bởi tâm lý chống khoa học. Việc một số nhà hoạt động bác bỏ bằng chứng mà các nhà khoa học đưa ra khiến các thẩm phán địa phương đã cấm chặt hạ cây bị nhiễm bệnh. Thậm chí, ba nghị sĩ của đảng Năm sao còn tuyên bố việc chặt cây là không cần thiết.

Tuy nhiên, trước thái độ của các nông dân và nhà khoa học, cuối cùng cảnh sát đã bảo vệ cuộc phá hủy cây của cơ quan kiểm dịch thực vật vùng. Điều đó cho thấy, khoa học vẫn còn điểm tựa niềm tin ở đất nước này, các nhà nghiên cứu cho biết.