Trong 2 tháng đầu năm 2016, số lượng nhiệm vụ KHCN cấp quốc gia được Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt đã tăng gấp hai lần so với cả năm 2015.


Ngày 23/2 Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã phê duyệt danh mục đề tài khoa học công nghệ (KHCN) cấp quốc gia “Nghiên cứu mô hình ứng dụng công nghệ viễn thám và hệ thông tin địa lý để đánh giá một số yếu tố tài nguyên môi trường phục vụ cảnh báo, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, thí điểm tại tỉnh Quảng Ninh” đặt hàng trực tiếp cho Viện Công nghệ Vũ trụ (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) thực hiện trong kế hoạch năm 2016.

Ngành công nghệ sinh học có nhiều đề tài cấp quốc gia được phê duyệt. Ảnh: TTXVN
Ngành công nghệ sinh học có nhiều đề tài cấp quốc gia được phê duyệt. Ảnh: TTXVN

Như vậy trong 2 tháng đầu năm 2016, Bộ KH&CN đã phê duyệt tới 11 đề tài KH&CN cấp quốc gia để đặt hàng thực hiện trong năm 2016.

Đây là năm thứ hai, Bộ KH&CN thực hiện việc đặt hàng các nhiệm vụ KHCN cấp quốc gia. So với năm đầu tiên 2015, đến thời điểm này của năm nay, số lượng nhiệm vụ KHCN cấp quốc gia đã tăng gấp hai lần. Các đề tài cấp quốc gia được phê duyệt đặt hàng đa dạng trên nhiều lĩnh vực: cơ khí, y học, nông nghiệp, văn hóa, khai khoáng…

Có đề tài trực tiếp nhằm vào cạnh tranh trên thị trường như “Nghiên cứu thiết kế chế tạo khuôn mẫu cho một số chi tiết ô tô tải” đủ điều kiện lắp chung với sản phẩm xe tải cùng loại nhập khẩu chính hãng từ Hàn Quốc, Nhật Bản.

Với những quy định của Luật KH&CN 2013, các đề tài KHCN cấp quốc gia chỉ có các bộ, ngành trung ương và UBND các tỉnh, thành phố mới có thẩm quyền và tư cách đề xuất đặt hàng với Bộ KH&CN. Việc việc xét duyệt các chương trình, đề tài nghiên cứu được Bộ KH&CN thực hiện chặt chẽ hơn. Tiếp đó, Bộ KH&CN sẽ tiến hành việc công khai tuyển chọn các tổ chức, nhà khoa học đủ năng lực nhận nhiệm vụ thực hiện.

Trước khi có Luật KH&CN 2013, các viện, trường, doanh nghiệp ở trung ương, địa phương đề xuất thẳng với Bộ KH&CN rất nhiều chương trình, đề tài nghiên cứu mà chỉ căn cứ vào năng lực của viện, trường hay nhà khoa học chứ không xuất phát từ nhu cầu của đời sống hay đặt hàng của doanh nghiệp nên việc sử dụng ngân sách cho nghiên cứu KHCN rất thiếu hiệu quả.

Nhưng nay, cơ quan nào đề xuất đặt hàng sẽ phải có trách nhiệm tiếp nhận lại kết quả nghiên cứu để ứng dụng vào sản xuất.

Một số đề tài được đặt hàng thực hiện trong năm 2016

* Nghiên cứu ứng dụng công nghệ bức xạ trong sản xuất phân vi sinh vật dạng hạt và phân bón lá; Nghiên cứu thiết kế chế tạo khuôn mẫu cho một số chi tiết ô tô tải; Nghiên cứu ứng dụng các công nghệ tiên tiến để sản xuất thủy tinh thể nhân tạo phục vụ điều trị bệnh đục thủy tinh thể.

* Nghiên cứu đặc điểm dịch tễ học, phương pháp chẩn đoán và can thiệp sớm rối loạn tự kỷ ở trẻ em tại cộng đồng; Khai thác phát triển nguồn gen lúa nếp địa phương chất lượng cao; Nghiên cứu ứng dụng công nghệ đa phương tiện trong bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể; Nghiên cứu công nghệ cho nhà máy tuyển quặng đồng Sin Quyền 2 (Lào Cai); Nghiên cứu mô hình ứng dụng công nghệ viễn thám và hệ thông tin địa lý để đánh giá một số yếu tố tài nguyên môi trường phục vụ cảnh báo, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, thí điểm tại tỉnh Quảng Ninh.

* Nghiên cứu đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đến tài nguyên đất vùng đồng bằng sông Hồng và đề ra các giải pháp chủ động ứng phó; Nghiên cứu đánh giá độ nguy hiểm và phân vùng động đất lãnh thổ Việt Nam và vùng biển kế cận tỉ lệ 1:500.000; Nghiên cứu tổng thể sông Trường Giang và vùng phụ cận phục vụ phát triển bền vững kinh tế xã hội tỉnh Quảng Nam; Nghiên cứu đề xuất giải pháp kiểm soát xâm nhập mặn cho thành phố Đà Nẵng.