Trong số báo 44, TS Võ Văn Sự - Hội Chăn nuôi - có chia sẻ về thực trạng các giống gà nội địa quý đang bị “nhái” bằng các giống bán công nghiệp như lương phượng, tam hoàng, gà mái thải loại từ Trung Quốc, Hàn Quốc… Liệu có cách nào hạn chế vấn đề này?

TS Nguyễn Văn Trọng - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) - cho biết: “Các giống gia cầm được người tiêu dùng ưa chuộng như gà Đông Tảo, gà Hồ, gà móng, gà mía, gà Tiên Yên, gà tre... đều có giá trị kinh tế cao nên nhiều người làm giả để bán thương phẩm với giá đắt hơn nhiều so với giá trị thật”.

Gà Tiên Yên (Quảng Ninh) - một giống gà bản địa có giá trị kinh tế cao.

“Để tránh tình trạng nhái các giống vật nuôi bản địa quý giá, chỉ bảo tồn thì chưa đủ, cần bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) như đăng ký chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể (NHTT) cho từng giống. Tuy nhiên, hiện chỉ mới có một số giống được đăng ký NHTT” - TS Trọng nói. Do không có căn cứ hay dấu hiệu nào để phân biệt nguồn gốc, nhãn hiệu, người tiêu dùng rất dễ nhầm sản phẩm này với sản phẩm khác, là môi trường thuận lợi cho các hành vi gian dối.

Ông Trọng lấy ví dụ: Cục SHTT đã cấp chứng nhận NHTT gà Đông Tảo Hưng Yên cho Hội Chăn nuôi và Kinh doanh gà Đông Tảo, huyện Khoái Châu với 86 hội viên thuộc 4 xã. Đây cơ sở pháp lý giúp các hội viên yên tâm hơn trong chăn nuôi, bảo tồn, nhân giống gà quý.

Để bảo đảm quyền SHTT của các giống quý, cần có quy định cụ thể về tiêu chuẩn chất lượng như trọng lượng, hình thức... “Mắt thường không thể quan sát được, phải có xác minh bằng mã số, mã vạch để truy xuất nguồn gốc. Muốn được như vậy, phải sản xuất theo chuỗi”.

Theo TS Nguyễn Văn Trọng, ngoài tác dụng hạn chế hàng nhái trong sản xuất thương phẩm từ các nguồn gene quý, tăng hiệu quả bảo tồn nguồn gene, việc đăng ký bảo hộ SHTT cũng giúp phát triển và khai thác nguồn gene đó tốt hơn, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm địa phương.

“Những vùng có sản phẩm đặc sản của địa phương nên sớm xây dựng chỉ dẫn địa lý hoặc triển khai các hình thức bảo hộ quyền SHTT khác. Nếu đăng ký thành công và có biện pháp bảo vệ, khai thác quyền đó một cách hiệu quả, kiểm soát chặt chẽ để người tiêu dùng dễ dàng xác định nguồn gốc miếng thịt, quả trứng… thì câu chuyện nhái giống quý - một hình thức gian lận thương mại - sẽ được khắc phục” - TS Nguyễn Văn Trọng nói.