Câu chuyện về ITRI cho thấy chính phủ không cần thay đổi nền kinh tế bằng các biện pháp can thiệp hành chính vào khối tư nhân mà bằng việc đầu tư hiệu quả vào khoa học và công nghệ.

Nhà máy của TSMC
Nhà máy của TSMC

ITRI tạo lập các tổ chức và mạng lưới công nghiệp

Đội ngũ nhân tài do các spin-off mang lại

Nguyên nhân ra đời của các spin-off là do khả năng của các công ty tư nhân trên thị trường chưa đủ để tiếp nhận các công nghệ cao, không có khả năng sản xuất từ thượng nguồn đến hạ nguồn (từ linh kiện đến dây chuyền lắp ráp, đóng gói). Chính vì vậy, spin-off của ITRI đã giúp các công ty tư nhân nâng cao năng lực công nghệ và lan tỏa đội ngũ cán bộ chất lượng cao, từ đó tạo ra ảnh hưởng quan trọng đối với sự phát triển của các ngành công nghiệp.

Tại thời điểm cuối năm 2002, 15.877 người từ ITRI đã chuyển sang các khu vực công nghiệp, chính phủ, đại học và nghiên cứu. Do đã trải qua kinh nghiệp học hỏi từ ITRI hoặc các spin-off của nó, nhiều người sau khi thôi việc có lợi thế là từng được tiếp cận với công nghệ hiện đại. Họ đã giúp thúc đẩy sự phân công lao động trong công nghiệp cũng như sự phát triển cơ cấu công nghiệp nói chung. Điều này đặc biệt đúng trong trường hợp của các spin-off, là những đơn vị tư nhân và không nằm dưới sự bảo hộ thị trường của chính phủ. Sự thay thế nguồn nhân lực đó không chỉ mang lại sự phân công lao động mang tính bổ sung mà còn cả sự cạnh tranh giữa các sản phẩm tương tự.

Cụm và mạng lưới các ngành công nghiệp công nghệ cao

Các nghiên cứu về lý thuyết cho thấy là nguồn nhân lực và các trung tâm R&D công nghệ là các nhân tố chung góp phần vào sự hình thành nên chùm công nghiệp công nghệ cao1. Khi chính phủ lần đầu tiên chọn Hsinchu là địa điểm cho Công viên Công nghiệp dựa trên khoa học, một trong những nguyên nhân quan trọng nhất là tại Hsinchu có ITRI, Đại học Quốc gia Tsing Hua, Đại học Quốc gia Giao thông, là những nguồn lực có thể cung cấp các đổi mới công nghệ và nhân tài. So với các trường Đại học Quốc gia Thanh Hoa và Đại học Giao thông chủ yếu thực hiện các nghiên cứu lý thuyết, R&D và công nghệ mà ITRI cung cấp được ứng dụng trực tiếp vào các nhu cầu của thị trường và có tác động trực tiếp nhất đối với các công ty công nghệ cao. Các ngành công nghiệp đang phát triển mạnh như điện tử, thông tin, bán dẫn và quang điện nằm trong Công viên Công nghiệp dựa trên khoa học phần lớn đều có liên quan đến ITRI.

Khi các nhà máy trong khu vực trở thành một cụm công nghiệp, nó sẽ tạo ra nhiều hiệu ứng tràn tích cực. Chẳng hạn, do các công ty nằm rất gần nhau, các chi phí vận chuyển sẽ rất thấp. Các công ty có thể dễ dàng tuyển dụng các kỹ sư trẻ được đào tạo tại các trường Đại học Quốc gia Thanh Hoa và Đại học Giao thông và thậm chí tại ITRI. Việc tập trung các công ty có liên quan thành một cụm sẽ làm cho các công ty thuận lợi hơn khi tìm kiếm khách hàng và tìm kiếm nguồn lực bên ngoài cho một số bộ phận của mình. Với các hiệu ứng chụm như vậy, các công ty sẽ dễ dàng hơn trong việc thực hiện nhiều đổi mới, vì có nhiều nhân lực hoạt động, nhiều thông tin và luồng vốn hơn.

Sự phát triển của các ngành công nghiệp đã tạo ra động cơ để đội ngũ cán bộ của ITRI làm việc hăng hái hơn, thúc đẩy ITRI liên tục tăng cường các nỗ lực R&D và cạnh tranh với thế giới doanh nghiệp về con người. Kiểu cạnh tranh và phụ thuộc lẫn nhau như vậy là một động lực mạnh mẽ đằng sau sự phát triển của các ngành công nghệ cao của Đài Loan. Nguyên nhân vì sao có sự tương tác cùng có lợi đó là do chính sách của chính phủ thành lập ITRI cũng như các spin-off của nó đã loại bỏ chủ nghĩa bảo hộ thị trường và cùng hợp tác tay trong tay với cơ chế thị trường.

Vai trò mà ITRI đóng góp có thể được phân tích từ hai quan điểm: các spin-off và nguồn nhân lực. Các spin-off được thành lập chủ yếu dựa trên các đột phá về công nghệ, do vậy các hoạt động sản xuất được chuyên môn hóa hơn. Nếu như chuyển giao công nghệ là tập trung để được mua bởi một công ty lớn và trở thành một chi nhánh trong một tập đoàn kinh doanh. Thì các spin-off định hướng nhiều hơn vào công nghệ và chuyên môn hóa hơn trong sản xuất, tạo thành một công ty có khả năng mở rộng quy mô nhanh chóng. Bằng cách tăng năng lực sản xuất, chúng cũng cải tiến một công nghệ đang được sử dụng. Điều đó cho phép công ty có thể đáp ứng được một lịch trình sản xuất ngắn hơn, và giúp mang lại sự phân công lao động theo chiều dọc trong các ngành công nghiệp công nghệ cao của Đài Loan.

Đối với việc khuếch tán nhân lực sang ngành công nghiệp, điều này cũng được sử dụng như một trong những cách của ITRI để giúp tạo ra các mạng lưới công nghiệp. Khi họ là lãnh đạo các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp, những nhân viên từng làm việc tại ITRI với tri thức và thông tin phù hợp có thể giúp các công ty hiểu nhau tốt hơn trong các cuộc đàm phán kinh doanh, và cuối cùng là đạt được các thỏa thuận có tính hợp tác.

Morris Chang, chủ tịch đầu tiên của ITRI và cũng là CEO công ty chế tạo bán dẫn đầu tiên của Đài Loan TSMC.
Morris Chang, chủ tịch đầu tiên của ITRI và cũng là CEO công ty chế tạo bán dẫn đầu tiên của Đài Loan TSMC.

Ngành công nghiệp vi mạch được xem như một ví dụ tốt để nhấn mạnh tầm quan trọng của ITRI đối với các ngành công nghiệp công nghệ cao. Trong chuỗi sản xuất của ngành công nghiệp vi mạch, chế tạo chip là một trong những mắt xích quan trọng nhất. Sau khi ITRI đưa công nghệ nước ngoài vào một cách thành công, viện đã đổ vốn và nhân lực vào việc nghiên cứu và triển khai công nghệ chế tạo chip. ITRI không chỉ cung cấp sự hỗ trợ cho UMC và TSMC trong những ngày đầu Đài Loan phát triển ngành công nghiệp công nghệ cao của mình, mà viện còn tiếp tục cung cấp công nghệ chế tạo mới nhất. Như một cử chỉ của sự liên doanh hợp tác chặt chẽ, TSMC đã ký hợp đồng 10 năm với ITRI từ 1990 đến 2000. Công ty tiếp tục có được giấy phép công nghệ thích hợp từ ITRI.

Xét từ góc độ phát triển công nghiệp, sự chín muồi của công nghệ chủ chốt đã giúp cho sự phát triển của sản xuất thượng nguồn và hạ nguồn. Do đó, các hoạt động liên quan như thiết kế vi mạch, tạo mặt nạ, đóng vỏ, thử nghiệm và các hoạt động khác đã nở rộ cùng nhà sản xuất chip và tạo nên một chùm công nghiệp. Khi nhìn lại, điều rõ ràng là mặc dù ITRI gia nhập vào ngành công nghiệp bán dẫn thông qua việc chế tạo chip, viện đã tạo ra một tác động góp phần vào sự phát triển của ngành công nghiệp này nói chung. Số lượng các spin-off còn ít, song các doanh nghiệp đó đã mở đường cho việc thành lập hàng trăm công ty tư nhân trong ngành công nghiệp này.

Ảnh hưởng của ITRI đối với sự thay đổi về cơ cấu của tổ chức công nghiệp

Chúng ta có thể xem xét ảnh hưởng của ITRI đối với văn hóa tổ chức và văn hóa doanh nghiệp của Đài Loan từ hai góc độ: đổi mới doanh nghiệp và quản trị chuyên môn. Thứ nhất, do mục tiêu chính của ITRI là triển khai công nghệ, viện này khác với các viện nghiên cứu khoa học thông thường. Những thách thức về quản trị mà viện đối mặt rất giống với các phòng R&D của các công ty quốc tế lớn. Khi ITRI được thành lập, có rất ít doanh nghiệp nội địa có bộ phận R&D, và các chuyên gia nghiên cứu thậm chí còn ít hơn nữa, với rất ít kinh nghiệm trong việc tiến hành các hoạt động R&D lớn. Việc thành lập và phát triển ITRI là thể hiện quá trình tìm kiếm một mô hình quản trị R&D công nghiệp của Đài Loan. Do đó, các kết quả của những nỗ lực của ITRI không chỉ tạo ra các kết quả nghiên cứu mà còn khích lệ các công ty tư nhân đặt ưu tiên cao hơn vào R&D. Với ngành công nghiệp bán dẫn làm ví dụ, phần lớn các công nghệ trong các công ty tư nhân không phải đến từ ITRI, mà được phát triển bởi chính các công ty đó hoặc có được thông qua hợp tác với các nguồn bên ngoài khác. Mặc dù vậy, trước khi thành lập ITRI hoặc các spin-off của nó, các nguồn lực được đổ vào R&D bởi các công ty khi đó, nếu được so với ngày nay, là vô cùng khác nhau.

Nhiều ngành công nghiệp công nghệ cao ngày nay là các công ty spin-off từ ITRI hoặc là các công ty con của các spin-off này. Do vậy, hầu hết các doanh nghiệp đó chia sẻ triết lý kinh doanh và phong cách quản trị của ITRI.

Về quản trị chuyên môn, các spin-off của ITRI không được điều hành bởi chính phủ, mặc dù một tỷ lệ lớn các doanh nghiệp đó do chính phủ sở hữu. Mặc dù việc thành lập các doanh nghiệp này là theo chính sách của chính phủ, Hội đồng Giám đốc của các công ty này sẽ nhanh chóng lãnh đạo khi doanh nghiệp bắt đầu đi vào hoạt động. Điều này đặc biệt đúng một khi các cổ phiếu của công ty bắt đầu được đưa ra công chúng. Ngoài ra, với sự tràn vào của các nhà đầu tư có tổ chức, công ty hết sức coi trọng kết quả hoạt động của mình. Thậm chí nếu chính phủ giữ một lượng lớn vốn, họ cũng sẽ thận trọng tránh can thiệp vào các hoạt động kinh doanh và để cho bộ phận quản trị chuyên môn lãnh trách nhiệm. Cách điều hành doanh nghiệp như vậy, trong đó đầu vào công nghệ thay thế cho sự can thiệp vào thị trường, đã thực sự đưa các công ty khoa học của ITRI vào thông lệ thực tế. Điều này giúp thuyết phục các công ty tư nhân chấp nhận sự quản trị chuyên nghiệp.

Mặc dù thuê các nhà quản lý chuyên nghiệp dường như là cách để điều hành doanh nghiệp ở Đài Loan ngày nay, một trong những nguyên nhân của việc này là chính phủ đã xem kinh nghiệm quản trị doanh nghiệp và đổi mới công nghệ như các mối quan tâm chủ yếu khi các spin-off được thành lập. Bằng cách đó, ITRI đã gây tác động với một ảnh hưởng quan trọng đến cơ cấu tổ chức của các ngành công nghiệp của Đài Loan.

ITRI và sự thay đổi về thể chế: trạng thái song song của triển khai công nghệ và tự do hóa

30 năm trước, ITRI được thành lập khi môi trường R&D trong nước còn xa mới đạt được mức độ lý tưởng. Trải qua năm tháng, các đóng góp của ITRI không chỉ giới hạn vào hoạt động R&D. Để làm cho công việc của mình thực sự có giá trị thực tiễn, các cán bộ của ITRI thường xuyên khởi xướng các thay đổi về mặt khuôn khổ thể chế, và do vậy đã mang lại được một môi trường tốt hơn, từ đó cho phép các hoạt động R&D nở rộ trong khu vực tư nhân. Ngoài việc giúp chính phủ tự do hóa các quy định lỗi thời cản trở các hoạt động đổi mới, kết quả hữu hình nhất trong các đóng góp của ITRI cho hệ thống thể chế là quy định luật pháp về “quyền sở hữu trí tuệ”.

Bảo vệ sở hữu trí tuệ là điều sống còn đối với kế hoạch triển khai công nghệ chiến lược dài hạn của đất nước. Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ tạo ra động lực cho phát kiến và R&D, do vậy đó là điều quan trọng đối với nhiệm vụ đã được giao cho ITRI. Như một phần của công việc thường kỳ của ITRI, các chuyên gia nghiên cứu và các cán bộ tại viện đã đặt nhiều nỗ lực của mình vào việc soạn thảo các hợp đồng chuyển giao công nghệ, phối hợp các đầu vào nghiên cứu hỗn hợp từ các công ty khác nhau, làm trung gian giữa các bên đang có các vấn đề tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ, và thậm chí xử lý tranh chấp tại tòa án. Như vậy, ITRI đã trở thành cơ quan có kinh nghiệm nhất trong việc xử lý các vấn đề về quyền sở hữu trí tuệ ở Đài Loan. Các nguồn lực mà từ đó ITRI được xây dựng nên là đến từ chính phủ, với mục đích cung cấp các kết quả R&D cho ngành công nghiệp.

Mặc dù xét về cơ cấu tổ chức, ITRI là một công ty phi chính phủ, song nó phải có quyết định sẽ sử dụng các kết quả nghiên cứu được tạo ra từ quỹ tài trợ của chính phủ như thế nào. Tuy nhiên, trước năm 1999, các kết quả R&D của ITRI được xem là tài sản công; việc sở hữu, sử dụng và quản lý các kết quả đó được xử lý như là tài sản chính phủ. Thậm chí ngay cả nếu mục đích chính của ITRI là chuyển giao công nghệ cho ngành công nghiệp, các thủ tục hành chính đã làm cho điều đó rất khó thực hiện. Các trở ngại đó cuối cùng đã bị loại bỏ với việc ban hành một đạo luật mới cho phép các kết quả nghiên cứu tạo ra từ tài trợ của chính phủ được công bố cho các đơn vị mà một hội đồng xét duyệt xem là phù hợp. Đạo luật này là một bước đột phá quan trọng về khuôn khổ thể chế, cho phép các hoạt động triển khai công nghệ của Đài Loan tiến thêm một bước nữa, và ITRI là một trong những động lực đứng phía sau đó.

Khi ITRI được thành lập, chính sách công nghiệp của Đài Loan vẫn chưa hoàn toàn từ bỏ hình thức trợ cấp can thiệp thị trường. Sự xuất hiện của “bộ não hữu hình” ITRI - một động lực mạnh mẽ đằng sau sự chuyển đổi của ngành công nghiệp đã cho phép chính phủ dần dần nhưng kiên quyết nối lại sự kiểm soát của mình và tránh can thiệp vào thị trường. Bằng cách đó, chính phủ có thể tăng đầu tư vào R&D.

Để thể hiện khuôn khổ của một hệ thống đổi mới quốc gia, ITRI đã thực hiện một đổi mới về thể chế trong chính sách kinh tế. Như một cơ quan nghiên cứu nằm ở “bên ngoài của vòng kín”, ITRI thực hiện một trách nhiệm quan trọng là thực thi chính sách công nghiệp của chính phủ. Xét về mục tiêu và chức năng được đặt ra cho ITRI khi nó được thành lập, việc thoát ra khỏi một cơ quan chính thức của chính phủ đã tạo ra được một tác động quan trọng. Một số người lo ngại là các tổ chức phi chính phủ nhận được các nguồn lực to lớn từ chính phủ có thể sẽ nằm ngoài sự theo dõi và giám sát của công chúng. Tuy nhiên, thậm chí cả những người có mối quan tâm tiêu cực đó cũng công nhận là ITRI chấp hành các quy phạm pháp luật và hoạt động theo đúng luật pháp.

Khi ITRI được thành lập, chính sách công nghiệp của Đài Loan vẫn chưa hoàn toàn từ bỏ hình thức trợ cấp can thiệp thị trường, sự xuất hiện của “bộ não hữu hình” ITRI như một động lực mạnh mẽ đằng sau sự chuyển đổi của ngành công nghiệp đã cho phép chính phủ dần dần nhưng kiên quyết nối lại sự kiểm soát của mình và tránh can thiệp vào thị trường. Bằng cách đó, chính phủ có thể tăng đầu tư vào R&D công nghệ đồng thời giảm can thiệp vào thị trường, cho phép công nghệ và thị trường cũng là động lực đằng sau sự phát triển công nghiệp của Đài Loan.

Douglas North (1981) tin rằng cuộc cách mạng kinh tế trong thế kỷ 19 là sự kết hợp giữa đổi mới về công nghệ và phát triển về tổ chức để tạo ra tiến bộ không ngừng về công nghệ. Theo giả thuyết của North, sự kết hợp giữa đổi mới về công nghệ và phát triển về tổ chức không chỉ để phục vụ cho R&D công nghệ; tổ chức còn là nhân tố chủ chốt trong việc thực hiện thay đổi về thể chế. Chỉ có bằng đổi mới không ngừng về thể chế để xử lý các vấn đề do biến đổi về công nghệ tạo ra thì đổi mới liên tục về công nghệ mới có thể thực hiện được. Đối với các nhà lịch sử quan tâm đến phát triển kinh tế, không hề dễ dàng để trả lời câu hỏi làm thế nào để tạo ra một khuôn khổ thể chế để đưa lại được cuộc cách mạng kinh tế. Như kinh nghiệm của Đài Loan cho thấy, việc thành lập ITRI, từ thể chế tổng thể cho đến các chi tiết về tổ chức, là rất quan trọng để bắt đầu việc tái cấu trúc nền kinh tế Đài Loan. 30 năm phát triển của ITRI có một ý nghĩa quan trọng trong sự phát triển công nghiệp của Đài Loan.

Ruey – Hua Liu
(Báo Khoa học & Phát triển có biên tập lại để người đọc tiện theo dõi)

Chú thích:
1. Xem chẳng hạn Porter (1990); Bahraml và Evans (1995)