Hoạt động thương mại điện tử của Indonesia trở nên sôi động không chỉ do lượng người tiêu dùng khổng lồ mà còn do sự gia tăng không ngừng của lực lượng người bán hàng trực tuyến. Đây là lĩnh vực còn rất nhiều tiềm năng, khi được dự đoán sẽ tăng trưởng gấp 8 lần trong giai đoạn 2017-2022.

Các phụ nữ trẻ sử dụng điện thoại di động ở Indonesia
Các phụ nữ trẻ sử dụng điện thoại di động ở Indonesia.

Sau thời gian bị càn quét bởi cơn bão khủng hoảng tài chính châu Á (1997), Indonesia đã vươn lên trở thành một nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới, tập trung chủ yếu vào xuất khẩu các mặt hàng như dệt may, ô tô, thiết bị điện tử và dầu khí.

Những năm gần đây, sự bùng nổ kinh tế số đã tạo ra đóng góp đáng kể vào tăng trưởng của Indonesia. Nhiều chuyên gia và tổ chức nước ngoài dự đoán, với tốc độ số hóa nhanh chóng như hiện nay, số người sử dụng internet của Indonesia sẽ tăng thêm 50 triệu người trong giai đoạn 2015 – 2020. Hiện đây cũng là một trong những quốc gia có tỷ lệ sử người dụng các kênh truyền thông mạng xã hội (social media) cao nhất thế giới.

Theo báo cáo vào tháng 8/2018 của công ty tư vấn toàn cầu McKinsey, lĩnh vực thương mại điện tử (TMĐT) của Indonesia hiện đang đạt giá trị trên 8 tỷ USD, bao gồm 5 tỉ USD tại khu vực chính thức và hơn 3 tỷ USD tại khu vực phi chính thức.

Báo cáo ước tính rằng trong năm 2017, Indonesia có khoảng 30 triệu người mua sắm trực tuyến, chiếm 11,53% trên tổng dân số 260 triệu người. Indonesia có rất nhiều doanh nghiệp được xây dựng dựa trên mô hình quen thuộc kiểu eBay hay Amazon. Có thể kể tới một vài tên tuổi bán lẻ trực tuyến nổi tiếng ở đây như JD, Lazada, Shopee và Tokopedia. Trong khi đó, khu vực thương mại phi chính thức đang sử dụng các kênh truyền thông xã hội và các ứng dụng nền tảng nhắn tin như WhatsApp, Facebook để bán hàng.

Không giống với nhiều quốc gia khác, đặc biệt là các nước phương Tây, khu vực TMĐT phi chính thức của Indonesia đang phát triển mạnh mẽ, chiếm 40% doanh thu TMĐT trong nước. Điều này cho thấy các tập đoàn lớn như JD hay Lazada vẫn chưa thể thâm nhập hoàn toàn vào thị trường nội địa địa của quốc gia đông dân nhất Đông Nam Á này.

Những động lực chính

Sự bùng nổ điện thoại thông minh (smartphone) chính là một trong những lý do khiến TMĐT ở Indonesia phát triển mạnh mẽ. Trong quá trình tiến hóa kỹ thuật số, khác với cách châu Âu hoặc Hoa Kỳ đã đi, hầu hết người Indonesia đều bỏ qua giai đoạn từ máy tính để bàn sang máy tính xách tay và máy tính bảng, mà chuyển thẳng sang sử dụng điện thoại thông minh. Bên cạnh đó, smartphone cũng có giá cả phải chăng hơn, phù hợp với khả năng tiếp cận của đại đa số dân chúng.

Hiện có 40% người dân Indonesia sử dụng smartphone, tạo ra hơn 70% lưu lượng truy cập internet. Báo cáo của McKinsey nhấn mạnh gần 75% người mua sắm trực tuyến tại Indonesia là qua các thiết bị di động - cao hơn nhiều so với nước láng giềng Malaysia (62%) và Mỹ (39%).

Sự thông thạo công nghệ số của giới trẻ Indonesia – vốn hết sức đông đảo – có thể xem như một đòn bẩy mạnh mẽ cho sự phát triển nhanh chóng của khu vực TMĐT phi chính thức. Thanh niên và một bộ phận người trung tuổi đang nghiện ngập với những kênh truyền thông xã hội. Các số liệu thống kê cho biết, Indonesia là quốc gia có số lượng người dùng Facebook lớn thứ tư trên thế giới (122 triệu người), thứ năm về Twitter và thứ nhất về Instagram trong khu vực ASEAN. Với lực lượng lớn như thế, không có gì đáng ngạc nhiên khi nhìn vào quy mô khu vực phi chính thức, bởi để loại hình thương mại này phát triển đòi hỏi người dùng phải quen thuộc với nhiều khía cạnh của các kênh truyền thông xã hội.

Lĩnh vực TMĐT của Indonesia trở nên sôi động không chỉ do lượng người tiêu dùng khổng lồ mà còn do sự gia tăng không ngừng của lực lượng người bán hàng trực tuyến. Các đơn vị bán hàng trực tuyến ở Indonesia tăng gấp đôi trong ba năm qua, đạt 4,5 triệu người vào năm 2017, trong đó khoảng 99% là doanh nghiệp vi mô, hơn một nửa các công ty trực tuyến không có cửa hàng thực. Thêm vào đó, TMĐT khiến nhiều người dễ dàng mở kinh doanh riêng, dẫn đến sự tăng trưởng nhảy vọt của trào lưu khởi nghiệp trong nước. Điều này không chỉ khuyến khích thị trường mà còn mở ra những hướng đi hay lối thoát cho người dân trước những áp lực của cuộc khủng hoảng kinh tế xã hội.

Có thể nói, TMĐT ở Indonesia còn rất nhiều tiềm năng, khi được dự đoán sẽ tăng trưởng gấp 8 lần trong giai đoạn 2017-2022. Tổng chi tiêu bán lẻ trực tuyến dự kiến tăng từ 8 tỷ USD lên 55 - 65 tỷ USD, trong đó chi tiêu cho thương mại xã hội (khu vực phi chính thức) sẽ tăng từ 3 tỷ USD lên 15 - 25 tỷ USD. Khi số hóa là một quá trình không thể cưỡng lại, nền kinh tế số hứa hẹn sẽ trở thành một trong những trụ cột chính đối với sự thịnh vượng của Indonesia trong tương lai.

 Báo cáo của McKinsey & Company, “Quần đảo kỹ thuật số: Thương mại trực tuyến đang thúc đẩy phát triển nền kinh tế Indonesia như thế nào”
Báo cáo của McKinsey & Company, “Quần đảo kỹ thuật số: Thương mại trực tuyến đang thúc đẩy phát triển nền kinh tế Indonesia như thế nào”

Báo cáo của McKinsey đã chỉ ra 5 yếu tố chính ảnh hưởng đến việc mở rộng thị trường TMĐT mà Indonesia cần cải thiện để phát triển mạnh hơn nữa, bao gồm:

Chất lượng cơ sở hạ tầng: Về mặt này, Indonesia hiện đang thua kém nhiều nước trong khu vực, xếp hạng 63/160 toàn cầu (World Bank, 2016).

Cung cấp phương tiện thanh toán an toàn, xuyên suốt: Hiện chỉ khoảng 49% người Indonesia được tiếp cận với các dịch vụ tài chính, thấp hơn nhiều so với Malaysia (85%) và Thái Lan (82%). Tỷ lệ thanh toán bằng tiền mặt vẫn chiếm đến 99% các giao dịch thay vì dùng thẻ.

Xây dựng hệ sinh thái thương mại vừa và nhỏ (MSME) số hóa và chuyên nghiệp: Hơn 60% doanh nghiệp vi mô, vừa và nhỏ (MSME) của Indonesia đang hoạt động trực tuyến phải đối mặt với nhiều trở ngại như thiếu nền tảng đặt hàng – thanh toán số, không đủ kiến thức về TMĐT, nhân lực chất lượng cao, bên cạnh nguy cơ dễ bị sao chép.

Khuyến khích tài năng bản địa: Indonesia có nhu cầu về nhân lực kỹ thuật rất lớn, nhưng tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp các ngành STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán) hiện rất vẫn thấp, khiến nhiều nhà tuyển dụng công nghệ lớn không thể hài lòng về chất lượng nguồn lao động.

Kiến tạo môi trường đầu tư lành mạnh: Để thu hút nguồn vốn đầu tư mạo hiểm, nhất là từ ASEAN, Indonesia cần cải thiện chính sách, giảm bớt những quy định phức tạp để hỗ trợ các công ty khởi nghiệp trong việc kêu gọi và tiếp cận nguồn vốn.

Có thể nói, TMĐT ở Indonesia còn rất nhiều tiềm năng, khi được dự đoán sẽ tăng trưởng gấp 8 lần trong giai đoạn 2017-2022. Khi số hóa là một quá trình không thể cưỡng lại, nền kinh tế số hứa hẹn sẽ trở thành một trong những trụ cột chính đối với sự thịnh vượng của Indonesia trong tương lai.


Nguồn:
https://theaseanpost.com/article/indonesias-e-commerce-success-story
https://www.mckinsey.com/featured-insights/asia-pacific/the-digital-archipelago-how-online-commerce-is-driving-indonesias-economic-development