Những cải cách của chính phủ không như mong đợi của các nhà nghiên cứu và việc thực thi chính sách thắt chặt ngân sách đầu tư cho nghiên cứu đã đưa Hungary đến một tình trạng bất ổn.

Viện Hàn lâm Khoa học Hungary đang đứng trước nguy cơ bị tan rã vì thiếu kinh phí đầu tư. Nguồn: Nature
Viện Hàn lâm Khoa học Hungary đang đứng trước nguy cơ bị tan rã vì thiếu kinh phí đầu tư. Nguồn: Nature

Các nhà nghiên cứu tại một số viện nghiên cứu ở Hungary đang lo lắng về nguy cơ họ sẽ không thể tiếp tục công việc của mình kể từ tháng 1/2019 bởi theo thông tin từ Bộ Đổi mới và Công nghệ Hungary vào trung tuần tháng 12/2018, việc cấp kinh phí duy trì cho các viện nghiên cứu trong ba tháng đầu năm 2019 sẽ bị hoãn lại.

Sự bất ổn này là hậu quả của một loạt các cải cách hệ thống các tổ chức nghiên cứu ở Hungary do chính phủ thực hiện một Nghị định đã được Quốc hội nước này thông qua vào tháng 7/2018 và sẽ có hiệu lực từ năm 2019, đem đến những thay đổi chủ yếu tới 44 viện nghiên cứu cơ bản do Viện Hàn lâm Khoa học Hungary (HAS) quản lý.

Việc thay đổi quyền kiểm soát ngân sách của các viện nghiên cứu là một phần của công cuộc cải cách khoa học Hungary. Vào tháng 6/2018, chính phủ nước này đã tuyên bố, kể từ năm 2019, việc kiểm soát ngân sách nghiên cứu trị giá 28 tỷ forints (tương đương 98 triệu USD) của các viện nghiên cứu sẽ được chuyển cho Bộ Đổi mới và Công nghệ phụ trách. Đây là động thái mà các nhà nghiên cứu lo ngại có thể dẫn đến mất quyền tự chủ đối với các viện và quyền tự chủ với ngay công việc của họ. Nghị định cũng đưa việc đánh giá từng đơn vị nghiên cứu trong tháng 3/2019, kết quả đánh giá này sẽ là căn cứ để xác định xem viện nào được tiếp tục hoạt động độc lập, viện nào bị sáp nhập với một trường đại học hay thậm chí là bị đóng cửa.

Chuyên gia sinh học thực vật Éva Kondorosi, làm việc tại Trung tâm nghiên cứu sinh học HAS ở Szeged, Phó chủ tịch Hội đồng nghiên cứu châu Âu (ERC) và là một trong những người giành giải thưởng Balzan quốc tế năm 2018, nhận xét: “Không ai biết chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo. Không ai có thể chấp nhận được tình trạng ‘mù mờ’ này”.

Nguy cơ tan rã các viện nghiên cứu

Với các nhà nghiên cứu, mối quan tâm lớn trước mắt là việc chi trả các chi phí vận hành của viện, chẳng hạn như hóa đơn tiền điện. Tại một cuộc họp với các lãnh đạo các viện để thảo luận về cải cách vào ngày 3/12/2018, Bộ trưởng Bộ Đổi mới László Palkovics cho biết, dù Bộ sẽ vẫn giải ngân lương của 2.500 nhà nghiên cứu của HAS cho 3 tháng tới, thời điểm “cấu trúc và mô hình tài chính mới” cho nghiên cứu sẽ bắt đầu có hiệu lực song sẽ hoãn giải ngân các chi phí duy trì khác (tiền thuê mặt bằng, điện, nước, văn phòng phẩm, v.v…) trong giai đoạn này. HAS và các viện thành viên sẽ lấy kinh phí từ các nguồn tài trợ khác của các viện. Phản đối điều này, lãnh đạo HAS cho rằng về mặt pháp lý, tiền cấp cho viện không thể được chuyển theo cách này và chừng nào các viện đang trao ra các khoản tài trợ, thì viện phải được cấp tiền cho chi phí duy trì hoạt động.

Các nhà khoa học phàn nàn rằng ông Palkovics, người trở thành Bộ trưởng Bộ Đổi mới kể từ tháng 5/2018, đã không hỏi ý kiến họ một cách thỏa đáng về những thay đổi. Ví dụ ông Palkovics đã hủy tham dự một cuộc họp với các viện nhằm thảo luận về hướng đi sắp tới của họ (dự kiến diễn ra vào ngày 6/12/2018) vào giờ chót. Trong một lá thư gửi cho những người tham gia, ông nói rằng “một cuộc tranh luận vô tổ chức và có chiều hướng châm ngòi cho tranh cãi sẽ không có lợi cho cả hai bên”. Palkovics và Bộ Đổi mới đã không trả lời Nature khi tạp chí đề nghị nhận xét về tình trạng đang diễn ra ở Hungary.

Dẫu sao, tại cuộc họp đơn phương” này, HAS đã thống nhất các giải pháp mà họ đệ trình lên Bộ Đổi mới, trong đó yêu cầu trả lại cho họ quyền kiểm soát ngân sách và nêu rằng việc cải cách khoa học theo cách này sẽ làm suy giảm niềm tin của các nhà khoa học. Dù ủng hộ ý tưởng cải cách nền khoa học Hungary theo hướng hiện đại hơn, tăng thêm tính cạnh tranh hơn, có nhiều đóng góp vào phát triển kinh tế của đất nước hơn nhưng họ cho rằng, việc cải cách không đúng hướng đang dẫn đến hậu quả nhãn tiền là nguy cơ tan rã các viện nghiên cứu và do đó sẽ không thể thực hiện được mục tiêu này.

Chảy máu chất xám

Mặc dù mức đầu tư thấp, Hungary tỏ ra tương đối mạnh trong nghiên cứu. Ví dụ, quốc gia này đã nhận được nhiều khoản tài trợ của Hội đồng khoa học châu Âu (ERC) so với các quốc gia thuộc khối Đông Âu.

Hai năm trước, Hungary từng có một kế hoạch khá rõ ràng để nâng cao chất lượng nghiên cứu, ví dụ, một loạt chương trình tài trợ được Văn phòng Nghiên cứu, Phát triển và Sáng tạo Quốc gia (NRDIO) thiết kế để thu hút các nhà nghiên cứu trẻ cũng như các nhà khoa học có kinh nghiệm ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Nhưng mọi việc không như mong muốn khi NRDIO chưa thể triển khai một số khoản tài trợ. Bộ Đổi mới chưa công bố danh sách 12 người được trao tài trợ dù các hội đồng khoa học đã xét duyệt và lựa chọn được những gương mặt xuất sắc nhất vào tháng 9/2018.

Trong khi đó, HAS cũng dự tính dành một khoản ngân sách đầu tư cho các khoản tài trợ nghiên cứu, ví dụ như chương trình mang tên Momentum của HAS được thiết lập không chỉ vì mục tiêu khuyến khích các nhà khoa học trẻ tài năng quay trở lại hoặc ở lại Hungary mà còn vì có tỷ lệ “chọi” rất cao. Nhưng sự thay đổi trong cách thức cấp kinh phí của chính phủ khiến các khoản tài trợ này chưa thể thực hiện được. Các nhà khoa học của HAS nói rằng Bộ trưởng Palkovics đã hứa: các viện vẫn sẽ nhận được ngân sách 8 tỷ forints để có thể trao các khoản tài trợ này cho các nhà khoa học.

Nhà thần kinh học Peter Somogyi, một học giả của HAS, hiện đang làm việc ở Đại học Oxford, Vương quốc Anh, nói rằng các hành động của Bộ đổi mới và Công nghệ đã tạo ra một bầu không khí mơ hồ và nhiều đe dọa giới học thuật. Còn theo Jozsef Palinkas, cựu chủ tịch HAS, người đứng đầu NRDIO trước khi chính phủ mới thay thế ông vào tháng 6 năm ngoái, đây cũng sẽ là nguyên nhân khiến các nhà khoa học tài năng mà Hungary đã cố gắng hết sức kêu gọi trở về sẽ chuyển hướng hoạt động ra nước ngoài.

Balint Virag, nhà nghiên cứu về nguyên lý bất định, cũng đồng tình với ý kiến này. Vào năm 2015, anh đã giành được một khoản tài trợ từ chương trình Momentum và chuyển đến Viện Toán học Alfred Renyi (HAS) ở Budapest, với hy vọng trở lại quê hương lâu dài và cơ hội để cải thiện các triển vọng cho khoa học ở đây. Nhưng anh thấy Hungary không thực sự ổn định về chính sách đầu tư cho khoa học và vào tháng 10 vừa qua, anh đã từ chức để trở lại với vị trí giáo sư tại Đại học Toronto. “Mọi thứ ngày càng trở nên tồi tệ hơn chứ không cải thiện”, anh nói.