Sau những khủng hoảng và tụt dốc của khoa học, Hungary đang bước vào một cuộc thay đổi lớn, cả về phía các tổ chức khoa học lẫn chính phủ thông qua việc thiết lập một tổ chức mới có thể gắn kết cả hai phía, và thực thi kế hoạch thúc đẩy nghiên cứu, đổi mới sáng tạo.

Ảnh: AFP
Ảnh: AFP

Thiết lập một cơ quan quản lý khoa học mới

Lo ngại của các nhà khoa học về bất đồng giữa Viện Hàn lâm Khoa học Hungary và Bộ Khoa học và Đổi mới sáng tạo Hungary đã được giải tỏa khi họ chứng kiến một thỏa thuận giữa Chủ tịch Viện László Lovász và Bộ trưởng László Palkovics, cho phép các viện nghiên cứu thành viên của viện được đặt dưới sự chỉ đạo của một cơ quan chính phủ do thủ tướng bổ nhiệm.

András Báldi, giám đốc Trung tâm nghiên cứu sinh thái, lạc quan về sự kiện này và cho rằng đây là cơ hội để xây dựng “một hệ quản trị thông thường như nó cần có, thậm chí là tốt hơn” cho các viện nghiên cứu. Tuy nhiên ông cũng e ngại là chính phủ cuối cùng sẽ giành trọn quyền kiểm soát toàn bộ hệ thống nghiên cứu. “Bản thỏa thuận này tốt hơn những gì chúng tôi chờ đợi, và có thể chấp nhận được, tuy nhiên tương lai của nó vẫn chưa thực sự chắc chắn,” Báldi nói.

“Sự thống nhất của mạng lưới các viện nghiên cứu khó có thể tồn tại trong một thời gian dài một khi Bộ Khoa học và Đổi mới sáng tạo có quyền thực hiện bất kỳ thay đổi nào trong cấu trúc này”, Róza Vajda, một nhà nghiên cứu trẻ tại Ban Phương pháp và lịch sử nghiên cứu của Viện hàn lâm, nhận xét. Cô cho rằng các viện nghiên cứu hiểu được sự cần thiết của việc cần phải có một nền tảng ổn định bởi nếu không được như vậy, chính họ “có thể sẽ bị ảnh hưởng rất lớn đến công việc nghiên cứu”.

Theo nội dung thỏa thuận, mạng lưới các viện nghiên cứu sẽ vẫn được giữ vững nhưng đặt dưới sự quản lý của một cơ quan do chính phủ thành lập và sự dẫn dắt của một nhà khoa học do thủ tướng bổ nhiệm trên cơ sở danh sách các nhà khoa học được Viện Hàn lâm và chính phủ đề cử.

Cho đến khi hệ thống quản lý mới được thiết lập, Viện Hàn lâm vẫn mong chính phủ đầu tư ngân sách cho các viện nghiên cứu như đề xuất, đồng thời vẫn giữ quyền kiểm soát hệ thống cơ sở hạ tầng nghiên cứu ước tính 1 tỷ euro.

Thỏa thuận này được xem như bước đi chính thức đầu tiên để chính phủ tháo “ngòi nổ” một cuộc phản đối bùng lên vào năm 2018, khi dự kiến ngân sách đầu tư 2019 cho Viện Hàn lâm bị cắt giảm 40% và các nhà nghiên cứu cảm thấy quyền tự do học thuật bị hạn chế ở một số chủ đề nghiên cứu, khiến chính phủ phải nắm quyền chỉ đạo Viện trực tiếp.

Các nhà nghiên cứu mong muốn cơ quan quản lý mới được vận hành giống như “một tổ chức dẫn dắt khoa học kiểu Viện Max Planck của Đức, nơi có được một mạng lưới nghiên cứu rất thành công”, Báldi nhận xét. Cấu trúc này có thể góp phần loại bỏ được những vấn đề gây bất hòa giữa giám đốc các viện nghiên cứu và nhiều thành viên mà theo nhận xét của Báldi là “bất tài” nhưng hay lên tiếng chỉ trích các giám đốc viện về công việc nghiên cứu.

Bản thân cải cách Viện Hàn lâm theo hướng tương tự Viện Max Planck cũng có thể góp phần thúc đẩy khoa học ứng dụng. Tuy nhiên, việc vận hành tốt một mạng lưới nghiên cứu như vậy cần có những quy tắc rõ ràng để có thể điều phối công việc lẫn các khoản kinh phí đầu tư của chính phủ. Đây là việc mà các nhà khoa học và chính phủ phải ngồi lại với nhau để đi đến thống nhất.

Thực thi kế hoạch đổi mới sáng tạo

Song song với việc ổn định hệ thống nghiên cứu, Hungary cũng đưa ra một kế hoạch nhằm hỗ trợ các công ty đổi mới sáng tạo, khuyến khích các trường đại học và viện nghiên cứu thắt chặt hợp tác với các ngành sản xuất và gia tăng các dịch vụ đổi mới sáng tạo.

Chính phủ Hungary cho biết sẽ cung cấp thẳng kinh phí cho khoa học ứng dụng. Bộ Khoa học và Đổi mới sáng tạo đã tới gặp hàng trăm nhà nghiên cứu và doanh nghiệp đổi mới sáng tạo tại 18 thành phố trên khắp đất nước cũng như tổ chức các cuộc gặp gỡ với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, để trình bày về “Diễn đàn đổi mới sáng tạo quốc gia”. Chính phủ hi vọng cách làm này sẽ củng cố thêm nỗ lực đưa Hungary trở thành một quốc gia đổi mới sáng tạo “mạnh mẽ” trong bảng xếp hạng đổi mới sáng tạo của châu Âu, nơi đang xếp họ vào vị trí “trung bình”.

Họ sẽ hướng tới tái cấu trúc lại đầu tư cho nghiên cứu, thiết lập hai dòng kinh phí riêng biệt, một cho nghiên cứu và một cho đổi mới sáng tạo. Theo người phát ngôn của Chính phủ Hungary, việc tách riêng kinh phí cho đổi mới sáng tạo sẽ “giúp doanh nghiệp phát triển các ý tưởng của họ thành các sản phẩm mới và dịch vụ mới…”. Điều này rất cần thiết bởi phần lớn các doanh nghiệp Hungary không quan tâm đến đổi mới sáng tạo và “không thấy nguyên nhân thúc đẩy những hoạt động đổi mới sáng tạo”.

Việc cải cách đầu tư cho đổi mới sáng tạo này cũng nhằm thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu ở các doanh nghiệp, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhỏ tập trung hơn vào R&D và thúc đẩy chuyển giao kết quả nghiên cứu. Chính phủ sẽ mở các đợt đón nhận đề xuất từ các công ty, hoặc công ty kết hợp với các viện nghiên cứu công.

Chính phủ cho rằng, việc cắt giảm 40% ngân sách đầu tư năm 2019 có thể sẽ là động lực để các viện nghiên cứu phải tăng cường hợp tác với doanh nghiệp. “Họ cần năng động hơn trong việc cung cấp các dịch vụ R&D, đổi mới sáng tạo cho doanh nghiệp để thu hút sự đầu tư của thị trường và ít phụ thuộc hơn vào ngân sách nhà nước”, theo lời người phát ngôn của chính phủ.

Đó là quan điểm của chính phủ nhưng theo nhiều nhà khoa học Hungary, có thể việc cắt giảm ngân sách đi kèm với việc tái cấu trúc, phân loại đầu tư cho nghiên cứu khoa học lại dẫn đến khả năng chính phủ tăng thêm cơ hội kiểm soát khoa học. Bởi chính phủ cần “phân loại” để cấp nhiều kinh phí cho khoa học ứng dụng để thúc đẩy kết quả đổi mới sáng tạo.

Không chỉ các nhà khoa học trong nước và nhiều đồng nghiệp châu Âu cũng lên tiếng kêu gọi Chính phủ Hungary dừng “những can thiệp vô căn cứ và lặp đi lặp lại” trong vấn đề cấu trúc và đầu tư cho các viện nghiên cứu.