Bài viết này xin chia sẻ một vài quan sát cá nhân từ kinh nghiệm bước đầu của chương trình hợp tác khoa học và đổi mới sáng tạo Việt Nam – Vương quốc Anh, hay còn gọi là Quỹ Newton, một chương trình đa dạng về các hoạt động hợp tác và áp dụng cơ chế đồng tài trợ giữa hai nước.

 Hơn 6,7 triệu bảng Anh từ Quỹ Newton tài trợ cho chương trình nghiên cứu Lúa gạo bền vững giữa Vương quốc Anh, Việt Nam, Trung Quốc, Thái Lan, Philippines. Ảnh: vov1.vov.vn
Hơn 6,7 triệu bảng Anh từ Quỹ Newton tài trợ cho chương trình nghiên cứu Lúa gạo bền vững giữa Vương quốc Anh, Việt Nam, Trung Quốc, Thái Lan, Philippines. Ảnh: vov1.vov.vn

Phương thức tổ chức

Với đặc tính dự báo, “đi trước” của khoa học, thì việc ra quyết định tài trợ kịp thời để đảm bảo tính mới của đề tài là điều đương nhiên. Và nó lại càng có ý nghĩa khi hợp tác với các quốc gia đã có hệ thống tài trợ ổn định, và có trách nhiệm giải trình cao, nhằm xây dựng lòng tin cho cơ quan đồng tài trợ và cộng đồng nghiên cứu nước bạn.

Chuyên môn hóa:

Việt Nam rất nên cân nhắc chuyên môn hóa và phân tách nhiệm vụ rõ ràng giữa những người chỉ làm chính sách, định hướng vấn đề nghiên cứu (tại các Bộ) với những người tổ chức điều hành cụ thể việc tuyển chọn, tài trợ nghiên cứu (tại các Quỹ tài trợ).

Kinh nghiệm các nước cho thấy điều này giúp hoạch định hướng hợp tác mạch lạc hơn, khuyến khích sự trao đổi trong nội bộ ngành, tránh chồng chéo các khoản đầu tư. Về mặt đối ngoại, việc áp dụng thông lệ quốc tế nói trên cho phép quá trình hợp tác giữa các cơ quan đồng tài trợ, ví dụ Quỹ NAFOSTED của Việt Nam và UKRI ở Anh, thuận lợi hơn vì hai bên vốn có nhiều điểm tương đối trong cơ chế vận hành, từ nhận hồ sơ đề xuất đến bình duyệt và tổ chức hội đồng chung. Cơ chế Quỹ cũng cho phép linh hoạt trong thời hạn nhận hồ sơ đề xuất và giải ngân kinh phí, có thể thích ứng dễ dàng khi hợp tác với các đối tác nước ngoài có chu kỳ tài trợ khác nhau, với các năm tài chính khác nhau. Trong khi đó, các chương trình đồng tài trợ theo cơ chế nghị định thư của Bộ Khoa học và Công nghệ lại thường mất thời gian ít nhất là 6 tháng và cũng không thể linh hoạt về thời điểm bắt đầu chương trình, do không thể tổ chức hội đồng đánh giá hỗn hợp, do việc đánh giá của Việt Nam trải qua tận hai vòng kỹ thuật và nhiều bước chỉnh sửa thuyết minh, cũng như việc phải theo năm tài chính cố định. Tất cả dẫn đến việc Việt Nam có thể bỏ lỡ cơ hội tham gia các chương trình hợp tác trong khi những nước Đông Nam Á khác như Thái Lan và thậm chí là Indonesia lại linh hoạt và sẵn sàng hơn.

Cũng xin nói thêm về quy trình rất đặc trưng của Việt Nam là xác định nhiệm vụ và tuyển chọn. Giữa hai bước này là việc chỉnh sửa và đăng công khai trên mạng internet một số nội dung học thuật của đề xuất trước khi đánh giá và có quyết định tài trợ cuối cùng. Đối với các chương trình hợp tác quốc tế, điều này không có ý nghĩa thực tế vì quá trình này không hề diễn ra ở nước đối tác và thậm chí còn khiến họ quan ngại hơn về vấn đề sở hữu trí tuệ.

Về mặt nhân lực, không chỉ đội ngũ quản lý khoa học mà đội ngũ chuyên gia phản biện, đánh giá cũng rất quan trọng cho một chương trình hợp tác quốc tế. Thực chất, chính các cơ quan tài trợ nước ngoài cũng luôn cần và đánh giá cao những nhận định chuyên môn sâu sắc của chuyên gia phản biện từ các nước đang phát triển là địa bàn nghiên cứu để có thể đưa ra những xếp hạng và quyết định tài trợ chuẩn xác, và làm cho chương trình hợp tác quốc tế có ý nghĩa thực chất. Việt Nam có thể nghĩ nhiều hơn tới việc nâng cao năng lực cho các chuyên gia phản biện là một hoạt động hợp tác quốc tế.

Khai thác chính phủ điện tử:

Qua thực tế trải nghiệm của các chương trình khác nhau thuộc Quỹ Newton Việt Nam, việc tiếp nhận và quản lý hồ sơ trên nền tảng internet có tác dụng thu hút hồ sơ nhiều hơn, làm tăng năng suất của cơ quan tài trợ Việt Nam, tăng liên kết giữa các nhà tài trợ quốc tế. Cụ thể, với chương trình đào tạo thương mại hóa kết quả nghiên cứu (LIF) của Quỹ Newton, khi chúng tôi quyết định nhận đề xuất ý tưởng thật ngắn gọn thông qua biểu mẫu trực tuyến thay vì nhận file pdf chi tiết, số hồ sơ nhận được tăng lên gần gấp 3 và việc tổng hợp thông tin của cán bộ chương trình cũng dễ dàng hơn. Với chương trình cùng Quỹ NAFOSTED, nền tảng OMS có sẵn của Quỹ đã rút ngắn tối đa thời gian tra soát tính hợp lệ của chủ nhiệm đề tài. Tương tự, tất cả quá trình bình duyệt, phản hồi, chấm điểm đề xuất nghiên cứu trở nên rất minh bạch và đảm bảo khả năng tiếp cận nhanh chóng bất chấp khoảng cách địa lý giữa các đối tác. Nhìn rộng ra, việc áp dụng chính phủ điện tử giúp dễ dàng phân tích bức tranh tài trợ nghiên cứu theo từng chuyên ngành để có thể điều tiết nguồn lực, tránh trùng lặp, tăng tính kế thừa và tăng trách nhiệm giải trình trong nội bộ ngành và với xã hội, và trên hết là giúp xây dựng lòng tin giữa cộng đồng nghiên cứu và cơ quan quản lý tài trợ. Hi vọng rằng những tiến bộ công nghệ thông tin sẽ được áp dụng rộng rãi hơn nữa trong chính nội bộ tổ chức ngành khoa học và công nghệ và nhà nước có cơ chế cho phép chấp nhận giá trị kiểm toán với những nội dung trên nền tảng này.

Thiết kế

Mặc dù thiết kế một chương trình hợp tác quốc tế mới về khoa học, công nghệ và đặc biệt là đổi mới sáng tạo theo cơ chế đồng tài trợ là điều không hề dễ dàng bởi mỗi nước có hệ thống luật pháp và tổ chức bộ máy khác biệt, cơ chế này sẽ dần trở nên không thể tránh khỏi khi Việt Nam đã đạt mức thu nhập trung bình, và mỗi nước đều cần linh hoạt hơn để đáp ứng mong đợi của nhau. Trong bối cảnh đó, đội ngũ nhà nghiên cứu, chuyên gia Việt kiều có năng lực, tâm huyết, đang sống và làm việc tại nước đối tác có thể là một nguồn tư vấn hữu ích cho Bộ Khoa học và Công nghệ để xác định lĩnh vực hợp tác và phương thức hợp tác. Dĩ nhiên, điều này chỉ có thể phát huy tác dụng hết mức khi trước hết, Việt Nam xác định rõ chiến lược của ngành trong trung hạn.

Bên cạnh đó, để tìm hiểu, xây dựng lòng tin và hợp tác với những đối tác nước ngoài mới, thì việc tiếp cận theo chuỗi các hoạt động với quy mô từ nhỏ đến lớn, từ nông đến sâu, như các hội thảo khoa học chung, các hoạt động trao đổi, đào tạo, các dự án “mồi” kết nối trong thời gian ngắn, rủi ro thấp, trước khi mở ra những chương trình quy mô và đặt nặng yêu cầu học thuật trên cơ sở những dự án kết nối hiệu quả trước đó, là một cách đi hợp lý.

Vì các chương trình khoa học công nghệ cần thời gian tương đối dài để chứng minh hiệu quả nên nếu khâu thiết kế, vận hành tốt ngay từ đầu thì các bên sẽ có thêm tự tin vào kết quả tương lai. Hành trình này rất cần sự kiên nhẫn chia sẻ và điều chỉnh, trên cơ sở lòng tin chung vào ý nghĩa của khoa học là đi tìm sự thật và vai trò phục vụ đời sống.

Phan Liên Hương
Quản lý chương trình Hợp tác nghiên cứu và đổi mới sáng tạo
Đại sứ quán Anh tại Hà Nội
Bài viết thể hiện góc nhìn độc lập của tác giả và không phản ánh quan điểm của Đại sứ quán Anh.