Ngày 14/9, tại Cuộc họp đánh giá giữa kỳ tình hình hợp tác giữa Bộ KH&CN Việt Nam và Bộ KH&CN Lào, lãnh đạo hai bộ cùng đánh giá, một trong những hoạt động nổi bật thời gian qua mà hai bên đã hợp tác thực hiện là nâng cao năng lực cho các tổ chức KH&CN Lào, qua đó góp phần tạo dựng nền tảng cho KH&CN quốc gia này phát triển trong tương lai.

Thúc đẩy chuyển giao công nghệ

Kể từ Khóa họp lần thứ 4 Ủy ban hỗn hợp hợp tác KH&CN vào tháng 6/2017, hoạt động hỗ trợ nâng cao năng lực của Việt Nam với Lào đã được triển khai một cách bài bản: hai bên tăng cường hoạt động trao đổi đoàn kết, tạo cơ hội trao đổi, tiếp xúc, giao lưu giữa các cán bộ quản lý, các cán bộ khoa học của hai Bộ nhằm giúp nâng cao năng lực cho các tổ chức KH&CN Lào.

Theo thông tin tại buổi lễ khai giảng khóa học quản lý đầu tiên tại Viện quản lý KH&CN Lào vào ngày 9/8/2018, đã có hàng trăm lượt cán bộ KH&CN Lào được đào tạo thông qua mối quan hệ hợp tác này. Đây là những yếu tố quan trọng để Lào có được đội ngũ cán bộ nòng cốt, có khả năng chủ động trong triển khai công tác nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, góp phần giải quyết những vấn đề thiết thực của quốc gia.

Bên cạnh đó, hai bên cũng đã phối hợp rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện có của Lào về KH&CN, tiếp tục bổ sung, cập nhật những nội dung mới phù hợp với điều kiện phát triển KH&CN của Lào, qua đó tạo ra hành lang pháp lý thuận lợi cho các hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ đang bắt đầu phát triển tại Lào.

Khi báo cáo kết quả các chương trình triển khai phối hợp KH&CN hợp tác giữa 2 nước từ tháng 7/2017 đến 9/2018, ông Phùng Bảo Thạch – Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ KH&CN Việt Nam), đã nhấn mạnh, một trong những kết quả đáng chú ý là việc nghiệm thu và đưa vào hoạt động Viện Quản lý KH&CN Lào, được xây dựng trên nguồn vồn ODA của Chính phủ Việt Nam dành cho Chính phủ Lào và giao cho Bộ KH&CN Lào quản lý, nên “đặt lên hàng đầu việc sử dụng hiệu quả công trình này”.

Bộ trưởng Bộ KH&CN Việt Nam Chu Ngọc Anh(thứ hai từ trái sang) và Bộ trưởng Bộ KH&CN Lào Boviengkham Vongdara ký biên bản cuộc họp. Ảnh: Ngũ Hiệp

Ông cũng nêu cách thức thực hiện điều đó là “Bộ KH&CN Việt Nam đã giao cho Học viện KHCN và Đổi mới sáng tạo kí kết thỏa thuận nhằm hợp tác hỗ trợ xây dựng năng lực cho Viện Khoa học Quản lý Công nghệ Lào trong thời gian đầu mới thành lập”. Kết quả là sau lễ khánh thành và bàn giao dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ 2 nước vào tháng 2/2018, khóa học đầu tiên về quản lý do Học viện KHCN và Đổi mới sáng tạo (Bộ KH&CN Việt Nam) phối hợp tổ chức đã diễn ra tại đây trong ngày 9 và 10/8/2018.

Giữa những hoạt động mới được triển khai, Bộ trưởng Bộ KH&CN Việt Nam Chu Ngọc Anh đánh giá cao Diễn đàn kết nối cung cầu công nghệ Việt Nam – Lào, là hoạt động thu hút được nhiều sự quan tâm của các doanh nghiệp/viện/trường và được coi là tiền đề cho sự kết nối doanh nghiệp giữa hai nước trong thời gian tới. Qua Diễn đàn, 11 hợp đồng chuyển giao công nghệ đã được ký kết.

Trên Vientian Times – một tờ nhật báo có uy tín của Lào, Bộ trưởng Bộ KH&CN Lào Boviengkham Vongdara cũng kỳ vọng Diễn đàn sẽ trở thành một nền tảng thúc đẩy kết nối nghiên cứu và chuyển giao công nghệ giữa lĩnh vực công và tư cũng như các viện nghiên cứu hai nước: “Sự kiện đem lại cơ hội cho các doanh nghiệp và viện nghiên cứu hai quốc gia để trao đổi thông tin và xây dựng một nền tảng thương mại kết quả nghiên cứu, thúc đẩy chuyển giao công nghệ”. Do đó, ông hy vọng, những hoạt động như thế này sẽ góp phần đưa KH&CN thành một yếu tố quan trọng cho sự phát triển kinh tế xã hội Lào.

Mở rộng các lĩnh vực hợp tác

Trong bối cảnh mới, hợp tác KH&CN giữa 2 nước cần được tăng cường để có thể mang lại những hiệu quả thực tế. Vì vậy tại phiên họp, hai bên đã thống nhất các nội dung hợp tác về KH&CN giữa hai nước từ nay đến Khóa họp lần thứ 5 Ủy ban Hợp tác KH&CN Việt Nam – Lào sẽ là: các hoạt động trao đổi đoàn kết các cấp để triển khai các Thỏa thuận hợp tác (MOU) được ký kết giữa các đơn vị chức năng của hai Bộ KH&CN Việt Nam và Lào; tổ chức các khóa đào tạo ngắn hạn tại Lào và Việt Nam cho cán bộ quản lý KH&CN của Lào về quản lý trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, bảo hộ chỉ dẫn địa lý, tiêu chuẩn đo lường chất lượng, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp,…; xây dựng, rà soát các văn bản quy phạm pháp luật triển khai lồng ghép trong các nhiệm vụ hợp tác nghiên cứu chung với mục tiêu hoàn thiện khung pháp lý; đề xuất định hướng phát triển các lĩnh vực KH&CN cho Bộ KH&CN Lào xem xét lựa chọn.

Để tạo dựng cho Lào một cơ sở nền tảng về thiết bị máy móc phục vụ nghiên cứu, trong các nhiệm vụ hợp tác nghiên cứu chung mà hai bên tiếp tục phối hợp triển khai sẽ còn có nội dung tăng cường trang thiết bị cho các tổ chức nghiên cứu của Lào theo Biên bản Khóa họp 4 đã thông qua.

Đảm bảo cho các hoạt động hợp tác không ngừng được mở rộng này đạt hiệu quả, Bộ KH&CN Việt Nam sẽ xem xét hỗ trợ từ nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học đối với nhiệm vụ KH&CN theo Nghị định thư hợp tác với Lào thực hiện từ năm 2019, hỗ trợ Bộ KH&CN Lào vận hành Viện Quản lý KH&CN Lào trong giai đoạn đầu.

Hai bên thống nhất Khóa họp lần thứ 5 Ủy ban Hợp tác KH&CN Việt Nam – Lào sẽ tổ chức vào năm 2019 tại Lào.

Bộ KH&CN Việt Nam và Bộ KH&CN Lào đã ký một số văn bản hợp tác làm cơ sở pháp lý triển khai các nội dung hợp tác cụ thể giữa các đơn vị, các tổ chức gồm: Thỏa thuận hợp tác giữa Văn phòng Đảng ủy Bộ KH&CN Việt Nam và Văn phòng Đảng ủy Bộ KH&CN Lào; Thỏa thuận hợp tác giữa Học viện Khoa học Công nghệ và Đổi mới sáng tạo Việt Nam và Viện Quản lý Khoa học Lào; Thỏa thuận hợp tác giữa Cục An toàn bức xạ và hạt nhân, Bộ KH&CN Việt Nam và Vụ Khoa học, Bộ KH&CN Lào.