Điện, y tế, nông nghiệp và an toàn hạt nhân là những nội dung quan trọng nhất trong khung chương trình quốc gia hợp tác giai đoạn 2016-2021 giữa Việt Nam và Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) vừa được ký kết.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc (phải) ký kết khung chương trình với đại diện IAEA - ông Dazhu Yang.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc (phải) ký kết khung chương trình với đại diện IAEA - ông Dazhu Yang.

Cơ sở pháp lý cần thiết

Trong nhiều năm qua, IAEA thông qua các dự án hợp tác kỹ thuật (Technical Cooperation - TC) đã viện trợ cho Việt Nam mỗi năm trung bình khoảng 6-7 dự án với tổng kinh phí vào khoảng 1 triệu USD/năm tập trung vào các lĩnh vực an toàn, an ninh và thanh sát hạt nhân, ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình trong y tế, nông nghiệp, công nghiệp, bảo vệ môi trường… Các dự án TC của IAEA đã góp phần quan trọng trong việc xây dựng năng lực và thúc đẩy nghiên cứu, phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử của Việt Nam.

Theo quy định của IAEA, để tạo cơ sở pháp lý cho việc triển khai hợp tác kỹ thuật, IAEA và mỗi quốc gia thành viên (trong đó có Việt Nam) cùng ký khung chương trình quốc gia hợp tác trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử (gọi tắt là KCTQG) có hiệu lực trong từng giai đoạn 5 năm. Đây là văn kiện nền tảng, là căn cứ để lập kế hoạch hợp tác trên các lĩnh vực ưu tiên mà quốc gia đã cam kết với IAEA thực hiện.

KCTQG xác định nhu cầu phát triển ưu tiên và lợi ích của Việt Nam được thoả thuận với IAEA để IAEA hỗ trợ thông qua các hoạt động hợp tác kỹ thuật. Những hoạt động này được dựa trên kế hoạch phát triển quốc gia, phân tích cụ thể tình hình đất nước và bài học rút ra từ các hoạt động hợp tác đã có trong quá khứ.

KCTQG xác định các phương pháp tiếp cận, chiến lược thực hiện và đưa ra các cam kết của Việt Nam khi tiếp nhận các chương trình hợp tác và đóng góp vào việc thực hiện thành công của nó. KCTQG cũng định hướng vai trò của khoa học và công nghệ hạt nhân trong việc đạt được các mục tiêu phát triển từ quan điểm quốc gia và phản ánh các mục tiêu chung của các chương trình hợp tác kỹ thuật của IAEA.

Bên cạnh đó, KCTQG cũng đưa ra các cơ hội hỗ trợ phát triển quốc tế và chỉ ra mối liên hệ và mục tiêu chung với khung hỗ trợ phát triển của Liên Hợp Quốc cho Việt Nam (UNDAF).

Việt Nam và IAEA 2 lần ký KCTQG (giai đoạn 2003-2008 và 2010-2015). Sự hợp tác và hỗ trợ của IAEA góp phần quan trọng vào việc phát triển cơ sở hạ tầng, từng bước hoàn thiện hệ thống luật pháp, đào tạo nhân lực, tăng cường năng lực nghiên cứu - triển khai trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử của Việt Nam trong giai đoạn vừa qua.
Hiện nay, hợp tác giữa Việt Nam và IAEA đang có những bước phát triển mới. IAEA mong muốn mở rộng và tăng cường quan hệ hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, đặc biệt là điện hạt nhân.
Việc ký KCTQG hợp tác giữa Việt Nam và IAEA giai đoạn 2016-2021 là một yêu cầu pháp lý cần thiết cho việc tiếp tục triển khai hiệu quả quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và IAEA về phát triển và sử dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình; đồng thời góp phần thúc đẩy hợp tác với các quốc gia thành viên của IAEA, đặc biệt là các quốc gia có công nghệ hạt nhân tiên tiến.

KCTQG thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam và IAEA

Ngày 2/11/2015, tại trụ sở IAEA, Viena - Áo, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc và ông Dazhu Yang - Phó Tổng Giám đốc, Vụ trưởng Vụ Hợp tác kỹ thuật của IAEA đã ký KCTQG giai đoạn 2016 - 2021.

KCTQG giai đoạn 2016-2021 gồm 5 phần chính và 5 phụ lục, tập trung vào nhiều vấn đề quan trọng.

Trong đó, nội dung chính của văn kiện xác định các nội dung định hướng ưu tiên của chương trình hợp tác giữa Việt Nam và IAEA trong giai đoạn 2016-2021. Dựa trên những kết quả và kinh nghiệm thu được từ các dự án hợp tác kỹ thuật trước đó được thực hiện trong khuôn khổ KCTQG giai đoạn 2010-2015, các hoạt động hợp tác, hỗ trợ kỹ thuật của IAEA dành cho Việt Nam trong khuôn khổ KCTQG giai đoạn 2016-2021, bao gồm chương trình ngắn hạn và chương trình trung hạn, sẽ tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên.

Nội dung KCTQG giai đoạn 2016-2021 phù hợp với các mục tiêu và nhiệm vụ chính của ngành năng lượng nguyên tử Việt Nam được xác định trong chiến lược ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình đến năm 2020; quy hoạch tổng thể phát triển và ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình đến năm 2020, các quy hoạch chi tiết phát triển, ứng dụng bức xạ trong các ngành kinh tế - xã hội các đề án, dự án liên quan đến việc triển khai chiến lược ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình đến năm 2020 và dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

Việc Việt Nam và IAEA ký KCTQG có tác động tích cực thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, đặc biệt là điện hạt nhân giữa Việt Nam và IAEA. KCTQG được ký kết cũng tạo điều kiện thuận lợi để tăng cường hợp tác giữa các bộ, ngành, tổ chức, cá nhân liên quan của Việt Nam và các cơ quan của IAEA trong việc xây dựng và thực hiện những dự án trong các lĩnh vực ưu tiên đã được hai bên thống nhất; chủ động chuẩn bị các nguồn lực cần thiết và xây dựng các nhiệm vụ hợp tác với IAEA phục vụ cho các chương trình nghiên cứu khoa học và công nghệ quốc gia hoặc các dự án lớn mang tính dài hạn trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử và điện hạt nhân, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.