Cần nhìn nhận rõ vai trò của khoa học và công nghệ (KH&CN), tìm cách để KH&CN tác động rõ nét nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, giá xuất khẩu, hàm lượng chất xám... trong sản phẩm, hàng hóa xuất khẩu.

Đó là thông điệp mà lãnh đạo Bộ KH&CN chuyển tải tại hội nghị Giám đốc sở KH&CN ngày 15/4 tại Hà Nội, với sự có mặt của 54 giám đốc, 9 phó giám đốc sở.

Đây là lần thứ tư hội nghị Giám đốc sở KH&CN được bộ tổ chức. Ủy viên Trung ương Đảng - Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh cùng 4 thứ trưởng: Trần Việt Thanh, Phạm Công Tạc, Phạm Đại Dương, Trần Quốc Khánh đã tham dự, điều hành hội nghị.

Những kết quả ấn tượng

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Phạm Công Tạc nhận định, báo cáo tổng kết của các sở cho thấy, ngành KH&CN đang có đóng góp rõ nét và đạt kết quả ấn tượng. Sản lượng xuất khẩu thủy sản, càphê, cacao, hồ tiêu... của Việt Nam đã đứng ở top 5, top 10 của thế giới.

TS Nguyễn Văn Liễu - Vụ trưởng Vụ Phát triển KH&CN địa phương - cho biết, riêng trong nông nghiệp, sự vào cuộc của KH&CN đã giúp tạo nhiều giống cây, con mới có năng suất, chất lượng cao; đưa công nghệ sinh học, các công nghệ sau thu hoạch vào bảo quản, chế biến, chăn nuôi, trồng trọt theo quy mô công nghiệp và tổ chức sản xuất theo mô hình doanh nghiệp, trang trại.

“Các tiến bộ kỹ thuật về giống và canh tác đã giúp Lâm Đồng tăng 20% năng suất và giá trị của chè, doanh thu đạt 120 triệu đồng/ha, lợi nhuận gần 50 triệu đồng/ha mỗi năm. Đã có nhiều doanh nghiệp sản xuất rau, hoa công nghệ cao tại Tây Ninh, Long An đạt lợi nhuận 1-3 tỷ đồng/ha mỗi năm” - TS Nguyễn Văn Liễu nói.

Giám đốc Sở KH&CN Hà Nội Lê Ngọc Anh nêu kiến nghị. Ảnh: Loan Lê

Ở các tỉnh miền núi phía bắc, việc phát triển các giống mới, khai thác và phát triển các nguồn gene đặc sản đã được nhiều địa phương chú trọng, như Hòa Bình, Lai Châu, Lào Cai tập trung phát triển cá nước lạnh, rau, hoa, quả ôn đới, lâm nghiệp, lúa gạo chất lượng cao; Hà Giang, Cao Bằng phát triển cây dược liệu, chăn nuôi bò...

Đồng bằng sông Hồng có nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC) như sản xuất rau, hoa, khoai tây giống, lúa giống ở Hà Nội, phát triển thủy sản, dược liệu ở Quảng Ninh. Vùng Bắc Trung Bộ tập trung vào cây công nghiệp quy mô khá lớn như mía, lạc và gần đây là chè, caosu, cây có múi, cây dược liệu...

Ở vùng Nam Trung Bộ, các nhiệm vụ KH&CN tập trung vào năng lượng tái tạo; công nghệ sinh học phục vụ nông nghiệp, nông thôn; các công nghệ, kỹ thuật nuôi trồng, đánh bắt và bảo quản, chế biến thủy - hải sản. Tây Nguyên chú trọng nghiên cứu, ứng dụng công nghệ phát triển càphê, hồ tiêu, caosu, chè, bơ, sắn...

Vùng Đông Nam Bộ đã có nhiều mô hình CNC đem lại giá trị kinh tế lớn trong chăn nuôi, phát triển cây ăn trái, rau, hoa mà Tây Ninh, Đồng Nai, TPHCM, Bình Thuận là các điểm sáng. Tại vùng Tây Nam Bộ, KH&CN góp phần vào việc tạo các giống lúa chất lượng cao, chịu mặn, chống sâu bệnh tốt; triển khai các mô hình siêu thâm canh tôm năng suất, thu nhập cao...

Nhiều kiến nghị về Quỹ Phát triển KH&CN

Để nâng cao hơn nữa năng suất, chất lượng, giá, hàm lượng chất xám... của các sản phẩm, hàng hóa xuất khẩu như mong muốn của Quốc hội, Chính phủ và lãnh đạo Bộ KH&CN, Thứ trưởng Phạm Công Tạc đề nghị lãnh đạo các sở KH&CN nêu những vướng mắc về cơ chế, chính sách để bộ báo cáo Chính phủ và đề xuất điều chỉnh.

Giám đốc Sở KH&CN Hà Nội Lê Ngọc Anh cho biết, vướng mắc lớn nhất của Hà Nội hiện nay là việc vận hành Quỹ Phát triển KH&CN địa phương. Ở Hà Nội, Quỹ đã được thành lập được 3 năm, vốn điều lệ là 100 tỷ, nhưng các quy định về giao quyền sở hữu, quyền sử dụng kết quả nghiên cứu vẫn còn vướng. Mặc dù đã có thông tư hướng dẫn, nhưng ông Lê Ngọc Anh kiến nghị Bộ KH&CN hướng dẫn chi tiết hơn để triển khai thuận lợi. Ngoài ra, Hà Nội mong muốn được hỗ trợ cơ chế chính sách nhập khẩu công nghệ cao, công nghệ nguồn.

Cũng đề cập đến việc triển khai Quỹ Phát triển KH&CN, song ông Phạm Quang An - Giám đốc Sở KH&CN Sơn La - cho biết, cái khó của địa phương này là nguồn quỹ. Theo quy định, vốn điều lệ có ít nhất 10% ngoài ngân sách, song Sơn La là tỉnh nghèo nên rất khó huy động. “Bên cạnh đó, làm thế nào để doanh nghiệp vay được vốn từ quỹ và tạo ra sản phẩm là chuyện không đơn giản, đây mới là vấn đề cốt lõi” - ông An nói và kiến nghị bộ khảo sát thực tế triển khai quỹ điều chỉnh, bổ sung các quy định.

Ngược lại với các ý kiến trên, ông Phạm Quốc Chính - Giám đốc Sở KH&CN Thái Nguyên - cho biết quỹ của địa phương này - thành lập năm 2015 và đi vào hoạt động năm 2016 - hoạt động rất trơn tru theo hướng dẫn của Bộ KH&CN: “Thái Nguyên đã ban hành cơ chế hoạt động quỹ rất rõ ràng, trong đó có việc cấp vốn cho hoạt động KH&CN, tài trợ, hỗ trợ cho vay, bảo lãnh vốn vay”.

Bên cạnh các kiến nghị về cơ chế hoạt động của Quỹ Phát triển KH&CN, nhiều lãnh đạo sở nêu khó khăn trong việc chuyển đổi trung tâm ứng dụng tiến bộ KH&CN công nghệ thành công ty cổ phần; phát triển doanh nghiệp KH&CN; tổ chức bộ máy; xây dựng định mức dự toán và khoán chi đối với nhiệm vụ KH&CN; quản lý tài sản, chuyển giao kết quả nghiên cứu... Tất cả những kiến nghị này đã cơ bản được giải đáp tại hội nghị.