Phòng thí nghiệm về Internet of Things (vạn vật kết nối) vừa khai trương ngày 7/7 tại Khu công nghệ cao (CNC) Hòa Lạc được xây dựng theo mô hình rất mới tại Việt Nam: Không dựa vào ngân sách nhà nước, hoạt động nhờ đóng góp của cộng đồng.

“Nhà nước chỉ hỗ trợ một phần cơ bản - đó là phòng thí nghiệm, còn lại là huy động những hỗ trợ về trang thiết bị, về đào tạo của các công ty” - Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Phạm Đại Dương giải thích.

Các doanh nghiệp và phóng viên đang tìm hiểu về giải pháp giao thông được trưng bày tại phòng thí nghiệm HIL. Ảnh: Loan Lê
Các doanh nghiệp và phóng viên đang tìm hiểu về giải pháp giao thông được trưng bày tại phòng thí nghiệm HIL. Ảnh: Loan Lê

Cụ thể, Hoà Lạc IoT Lab (HIL) do Khu CNC Hòa Lạc, Công ty cổ phần công nghệ DTT, Intel và Dell Việt Nam phối hợp thành lập nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực IoT. “Việc xây dựng IoT Lab là một sáng kiến rất hay. Đó là xu thế chung của thế giới. Tại đây, chúng ta có thể kết nối được tất cả những dịch vụ, nguồn cung cấp dịch vụ khác nhau để trở thành một dịch vụ tốt nhất” - Thứ trưởng nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Lâm Thanh - Giám đốc ban KH&CN, Khu CNC Hòa Lạc - cho biết: “HIL luôn chào đón thành viên trên quan điểm mở để mọi người có thể tham gia nhằm kết nối các tổ chức cung cấp nền tảng phát triển, thiết bị và giải pháp IoT với cộng đồng khởi nghiệp”. Ban điều hành sẽ xây dựng cơ chế thu hút, mở rộng thành viên và mời các đơn vị tham gia phát triển IoT, cung cấp các giải pháp.

Ngoài ra, nếu như các phòng thí nghiệm truyền thống dùng ngân sách duy trì sử dụng thiết bị, máy móc trong nhiều năm thì ở HIL, các thiết bị có vòng đời rất ngắn, thay đổi liên tục do các nhà cung cấp đưa đến giới thiệu cho các thành viên sử dụng rồi đưa ra thị trường.

Ông Nguyễn Thế Trung - Tổng Giám đốc DTT - chia sẻ: “HIL là cầu nối ba bên giữa doanh nghiệp công nghệ, khởi nghiệp IoT và thị trường. Các startup được tham gia các hoạt động chuyển giao công nghệ, được học hỏi kinh nghiệm từ các hãng Int el, Dell, bao gồm những bài học không có ở trường”.

Ông Nguyễn Thanh Tuyên - Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông - kỳ vọng, kết quả hoạt động của HIL sẽ góp phần giúp cho các cơ quan nhà nước hoạch định chính sách và kế hoạch phù hợp về IoT cho Việt Nam, góp phần định hướng cho các doanh nghiệp, người dân về IoT, nhanh chóng đưa các giải pháp ứng dụng vào thực tiễn.