Sự tham gia của các doanh nghiệp khoa học và công nghệ có vai trò trụ cột để đưa nhanh nhất những tiến bộ khoa học vào cuộc sống; nhưng ở các địa phương, sự ra đời và hoạt động của loại hình doanh nghiệp luôn gặp khó khăn.

Tại Hội nghị giao ban vùng Bắc Trung Bộ tại Thanh Hóa gần đây, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh cho rằng cần có nhiều doanh nghiệp KH&CN để đưa nhanh nhất những tiến bộ khoa học vào cuộc sống.

Có thể khẳng định, việc liên kết vùng và xây dựng thiết chế, chính sách vùng là cực kỳ quan trọng. Trong đó, sự tham gia của các doanh nghiệp KH&CN có vai trò trụ cột. Nhưng tại sao ở các địa phương, sự ra đời và hoạt động của loại hình doanh nghiệp này luôn gặp nhiều khó khăn?

Việt Nam phấn đấu đến năm 2020 sẽ có 5.000 doanh nghiệp khoa học công nghệ.

Doanh nghiệp KH&CN là loại hình doanh nghiệp ứng dụng thành công các nghiên cứu của chính họ, của các viện, trường, hoặc công nghệ chuyển giao từ nước ngoài mà họ sở hữu và sử dụng hợp pháp. Đây là những doanh nghiệp đã kết nối được với các nhà khoa học, có tốc độ tăng trưởng rất nhanh và giá trị gia tăng lớn.

Trong 9 năm qua, Bộ KH&CN thực hiện chủ trương hình thành một hệ thống doanh nghiệp KH&CN. Nghị định 80/2007/NĐ-CP đặt ra mục tiêu đến năm 2020, Việt Nam phải có 5.000 doanh nghiệp KH&CN.

Thế nhưng báo cáo giám sát chuyên đề “Hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển KH&CN nhằm thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa giai đoạn 2005-2015 và định hướng phát triển giai đoạn tới” tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 4/10 cho biết, đến tháng 11/2015, chỉ có 204 doanh nghiệp đã được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp KH&CN. Trong khi đó, cả nước hiện có 2.800 doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực KH&CN, hơn 800 trong số đó đang có nhu cầu được công nhận là doanh nghiệp KH&CN.

Nguyên nhân là trong thời gian dài, còn rất nhiều doanh nghiệp chưa tiếp cận được những chính sách ưu đãi, chưa có đủ thông tin về mô hình hoạt động này. Thủ tục hành chính hiện còn rất nhiều vướng mắc, nhất là ở địa phương, khiến việc cấp giấy chứng nhận còn hạn chế.

Các doanh nghiệp tích cực đầu tư cho nghiên cứu và phát triển như Tập đoàn Viettel, Tập đoàn Dầu khí là điển hình về sự thành công, nhưng còn rất ít. Trong khi đó, đã có rất nhiều chính sách ưu đãi để thúc đẩy phát triển doanh nghiệp KH&CN. Luật KH&CN sửa đổi 2013 bắt buộc các doanh nghiệp nhà nước, các tổng công ty 90-91 (các liên hiệp xí nghiệp và tổng công ty nhà nước; các nhóm doanh nghiệp nhà nước) trích lợi nhuận trước thuế lập quỹ phát triển KH&CN.

Các doanh nghiệp khác được khuyến khích áp dụng. Vậy tại sao số doanh nghiệp KH&CN vẫn rất khiêm tốn? Cơ quan quản lý, địa phương và các doanh nghiệp cần cùng nhau sớm giải bài toán này. Chính sách chưa đủ hấp dẫn thì phải có sự khuyến khích lớn hơn. Doanh nghiệp chưa hiểu thì cần tuyên truyền tốt hơn. Đây là lúc đất nước cần một đội ngũ doanh nghiệp KH&CN đông đảo hoạt động trên mọi lĩnh vực, tạo sự đột phá cho nền kinh tế.